Nhiều viện dưỡng lão Úc hiện lạm dụng thuốc an thần để kiềm chế bệnh nhân

Edgard Proy (left) and Monica his mother

Edgard Proy (left) and Monica his mother Source: SBS

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền hiện kêu gọi tăng cường nhân lực và cải thiện việc đào tạo nhân viên trong các viện dưỡng lão Úc. Lời kêu gọi này được đưa ra sau cuộc điều tra về việc lạm dụng thuốc an thần để kiềm chế các bệnh nhân bị sa sút trí tuệ.


Trong hơn 40 năm, mẹ của ông Edgard Proy là bà Monica làm nghề nhân viên chăm sóc tại các viện dưỡng lão, và cũng là một người tranh đấu cho quyền lợi của người cao niên. Năm năm trước, bà bắt đầu bị mắc chứng sa sút trí tuệ (dementia).

Gia đình đã cố hết sức để chăm sóc cho bà, thế nhưng sau khi chồng bà là ông Silvio phải nhập viện vì bị đột quỵ, Edgard đành phải đưa cha mẹ mình vào viện dưỡng lão.

"Chúng tôi không còn cách nào khác ngoài việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão. Đó là điều mà gia đình không hề mong muốn," ông nói.
Chứng sa sút trí tuệ khiến bà Monica thường xuyên đi lang thang ra khỏi phòng và nói chuyện lớn tiếng. Viện dưỡng lão đã phản ứng bằng cách sử dụng thuốc để kiềm chế các cơn phát bệnh của bà (chemical restraint).

Thế nhưng ông Edgard nói rằng biện pháp này chỉ khiến cho bệnh tình trở nên tồi tệ hơn.

"Ngay cả khi bị sa sút trí tuệ, mẹ tôi vẫn thường xuyên ôm tôi và rất hay cười," ông nói. "Thế nhưng khi bà uống thuốc và tôi ôm lấy bà, mẹ tôi dường như mất hết mọi sức lực, và tôi không thể an ủi bà."

Theo phúc trình mới của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, những trường hợp như thế này xảy ra rất thường xuyên trong lĩnh vực chăm sóc người cao niên.

Bà Elaine Pearson, Giám đốc phụ trách Úc Châu của tổ chức này, cho biết những công trình nghiên cứu do Chính phủ tài trợ tiết lộ một xu hướng đáng lo ngại.
Một số nghiên cứu cho thấy một phần ba số người trong viện dưỡng lão hiện dùng thuốc an thần, 32% là thuốc chống loạn thần, họ đang dùng những loại thuốc này mỗi ngày.
"Vì vậy, mặc dù chúng tôi phát hiện vấn đề này ở 35 cơ sở, chúng tôi biết rằng đây chỉ là phần nổi của tảng băng mà thôi."

Chính phủ đã đặt ra một số quy định nhằm hạn chế tình trạng này hồi đầu năm nay. Nhưng Tổ chức Theo dõi Nhân quyền thì muốn cấm hoàn toàn biện pháp này.

Bà Bethany Brown là một trong những tác giả của phúc trình trên. Bà nói:
Chúng tôi nhận thấy người cao niên được cho uống thuốc kiểm soát hành vi vì sự tiện lợi của nhân viên, chứ không nhằm mục đích y tế. Đây là biện pháp kiềm chế bằng thuốc.
Phúc trình cho rằng tình trạng thiếu nhân lực và đào tạo tại các viện dưỡng lão đã dẫn đến việc lạm dụng thuốc để kiềm chế bệnh nhân. Đây là một trong những vấn đề được Ủy ban Hoàng gia xem xét trong tuần này.

Các đại diện nghiệp đoàn cũng nhắc lại lời kêu gọi bắt buộc áp dụng tỷ lệ số nhân viên trên bệnh nhân, để giúp ngăn ngừa tình trạng nhân viên bị tấn công khi đang làm việc.

Ông Paul Gilbert thuộc Liên đoàn Y tá và Hộ sinh Úc nói với Ủy ban Hoàng gia rằng các nhân viên y tá đang làm việc quá sức.

"Đó là hậu quả của việc mọi người bị hối thúc trong công việc," ông nói.
Họ chỉ có 6 phút để đưa bệnh nhân ra khỏi giường, tắm rửa, và cho ngồi lên ghế trong phòng khách. Điều này thật điên rồi.
Hiện tại, bà Monica đã thôi uống thuốc kiểm soát hành vi được hai năm, và sống trong một viện dưỡng lão khác cùng chồng mình.

Mặc dù chứng sa sút trí tuệ của bà ngày càng trầm trọng, nhưng Edgard tin rằng việc ngừng uống thuốc đã khiến bà vui vẻ trở lại.

"Tâm trạng của mẹ tôi trở nên tốt hơn, bà không bỏ cuộc," ông nói.

"Hôm nay, bà đã là một con người khác, và khi tôi ôm bà thì thấy bà hoàn toàn bình yên."

Thêm thông tin và cập nhật Like 
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share