Điểm phim: 30 năm nhìn lại "Mùi đu đủ xanh"

scent of green papaya.jpg

The Scent of Green Papaya

Xuất hiện vào năm 1993, tức cách đây đúng 30 năm, bộ phim Mùi đu đủ xanh đã ngay lập tức gây tiếng vang lớn khi giúp đạo diễn Trần Anh Hùng đoạt giải phim đầu tay xuất sắc nhất tại liên hoan phim Cannes 1993. Và đây cũng là bộ phim nói tiếng Việt đầu tiên và duy nhất cho đến nay từng nhận được đề cử Oscar cho phim nước ngoài hay nhất.


Ngay khi bộ phim Mùi đu đủ xanh ra mắt, đạo diễn Trần Anh Hùng đã tạo được một dấu ấn vô cùng mạnh mẽ với giới phê bình điện ảnh quốc tế. Một bộ phim đầu tay về Sài Gòn nhưng được quay hoàn toàn trong phim trường ở Pháp, với những khung hình trong phim có thể nói là đẹp một cách hoàn mỹ.

Xem phim

Stream free On Demand

Thumbnail of The Scent of Green Papaya

The Scent of Green Papaya

drama • 
1993
drama • 
1993

Bối cảnh của "Mùi đu đủ xanh" diễn ra trong một ngôi nhà cổ, đặt trong một con hẻm lao động của Sài Gòn những năm 1950. Câu chuyện xoay quanh một cô bé tên Mùi, từ khi phải đi ở làm giúp việc trong một gia đình buôn vải của Sài Gòn những năm 1950, cho đến khi thành thiếu nữ, Mùi chuyển đến giúp việc cho nhà Khuyến, một nghệ sĩ dương cầm và cũng chính là người mà cô có những cảm xúc rung động đầu tiên nhất khi còn đi ở cho gia đình bà chủ. Một chặng hành trình trôi qua, Mùi tìm được tình yêu của đời mình và trở thành vợ của Khuyến.


Phim tái hiện lại cuộc sống của một gia đình phong lưu thời xưa với những gia phong, nề nếp, vai vế trong gia đình, giữa vợ với chồng, cha mẹ và con cái, giữa mẹ chồng và nàng dâu, giữa chủ và tớ. Toàn bộ phim vẫn toát lên sự trọng nam khinh nữ, nhưng người phụ nữ trong phim luôn được đề cao và trân trọng.

Như cô bé Mùi luôn toát lên sự dịu dàng thuần khiết, luôn nhẫn nhịn khi bị cậu hai nhà bà chủ trêu chọc hay bắt nạt, luôn dành tình yêu cho thế giới xung quanh, thậm chí cả những sinh vật nhỏ như con dế, đàn kiến...

Như người vợ - bà chủ, vừa phải kiếm tiền, chăm lo quán xuyến gia đình, nhưng vẫn không giữ được chồng khi người chồng lần thứ tư bỏ nhà ra đi mang theo toàn bộ tài sản. Bà phải cầm cố cả đôi bông tai của mình để lấy tiền mua gạo. Thế nhưng bà chưa một lần to tiếng, thở than, và lại rất vui mừng mỗi lần chồng về, để lại chờ đón một lần phản bội kế tiếp, cho đến khi ông chết.

Đặc điểm phim của Trần Anh Hùng là không kịch tích, cao trào, không hề có những cú twist gây bất ngờ, mà tập trung hoàn toàn vào từng chi tiết nhỏ nhặt. Những điều vụn vặt đời thường có thể người ta rất dễ bỏ qua, nhưng dưới con mắt của Trần Anh Hùng, một người nghệ sỹ, một người chiêm nghiệm cuộc sống, thì ông lại nhìn được ra vẻ đẹp từ những chi tiết rất đỗi đời thường đó, và qua lăng kính của đạo diễn, những hình ảnh ấy đã trở nên đẹp lung linh.

Từng góc máy, khung hình đều được sắp đặt kỹ lưỡng để thể hiện nhiều tầng ý nghĩa. Bộ phim rất ít lời thoại, và tuyệt nhiên không hề có những lời rao giảng đạo đức, nhưng xuyên suốt Mùi Đu Đủ Xanh, người xem sẽ cảm nhận được tình yêu nhiều cung bậc hiện diện ở khắp mọi nơi, đầy quan tâm, thấu hiểu và thật kín đáo, vừa phải như chính tính cách con người Việt. Đó là tình yêu trọn vẹn nhưng khắc khoải của bà nội dành cho ông nội Mùi đã mất nhiều năm, hay tình yêu của ông già thường trò chuyện với Mùi dành cho bà nội cô, chỉ cần biết bà vẫn luôn mạnh khỏe là đã đủ rồi. Đó cũng có thể là một tình yêu rất đàn bà, âm thầm chịu đựng và sẵn sàng tha thứ mọi lỗi lầm, từ bà chủ của Mùi dành cho ông chồng của bà.

Mùi Đu Đủ Xanh - một bộ phim đoạt giải thưởng phim đầu tay ở Liên Hoan phim Cannes 1993, không chỉ đơn thuần bởi nội dung câu chuyện, mà là một bộ phim rất thành công trong việc sử dụng ngôn ngữ điện ảnh để thể hiện những ẩn ý, những bài học trong nhiều tầng nghĩa về cuộc sống. Trong đó văn hóa, con người Việt đã được đề cao bởi sự nhuần nhụy, có tôn ti trật tự, có những bất trắc trong cuộc sống, nhưng vẫn luôn đầy lòng nhân ái và tình yêu thương dành cho nhau.


Share