Điểm phim: Storm boy - Cậu bé bão tố

Storm boy.jpg

Bộ phim Storm boy, mặc dù đã được phát hành từ nhiều thập kỷ trước, vào năm 1976, nhưng ý nghĩa của bộ phim về tình yêu thương con người, tình bạn, quyền lợi của những chủ nhân đầu tiên của nước Úc, sự bảo vệ thiên nhiên, vẫn còn nguyên giá trị hơn bao giờ hết.


Storm Boy – Cậu bé bão tố, bộ phim kinh điển của Úc dựa trên tiểu thuyết của Colin Thiele, hấp dẫn khán giả ở mọi lứa tuổi. Được phát hành vào năm 1976, bộ phim được thực hiện với kinh phí 260.000 đô la và đã thành công ở phòng vé, cả ở Úc và nước ngoài, nơi phim được bán cho hơn 100 quốc gia và thu về 2.645.000 đô la chỉ riêng ở Úc (tương đương với hơn 14 triệu đô la ngày nay).

Xem phim

Phim kể về cuộc sống của Mike, một cậu bé có biệt danh là 'Storm Boy', sống với cha tại khu bảo tồn thiên nhiên hẻo lánh Coorong, Nam Úc. Cậu bé không có bạn đồng trang lứa, mỗi ngày chỉ tự mình giúp đỡ cha và tự chế những thứ đồ chơi để giải trí. Khi Storm Boy giải cứu và nuôi dưỡng ba con bồ nông bị mất mẹ, cậu bé từ đây đã có những người bạn mới, những người bạn thân thiết không thể tách rời. Ngoài ra còn có anh chàng Thổ dân tên là Xương ngón tay – Fingerbone, một người rất tử tế luôn quan tâm và giúp đỡ hai cha con Mike.


Bộ phim đem đến cho người xem sự thú vị về tài diễn xuất của ba con chim bồ nông. Sandwich, Carpenter và Dum Dum - ba con bồ nông đóng vai Mr Proud, Mr Ponder và Mr Percival trong Storm Boy - được nuôi dưỡng từ nhỏ bởi một người huấn luyện cá heo tên Gordon Noble. Họ không thể thuê một huấn luyện viên bồ nông vì không có; bồ nông chưa bao giờ được đào tạo cho một bộ phim trước đây. Những con bồ nông đầu tiên mà họ cố gắng huấn luyện đã bay đi, vì vậy họ phải bắt đầu lại từ đầu. Noble đã sống với những con bồ nông trong chín tháng trước khi quay và dạy chúng các thủ thuật như bắt bóng hay kéo dây.

Bộ phim rõ ràng không chỉ nói về tình yêu của cậu bé dành cho con bồ nông mà cậu gọi là Mr Percival. Nó đề cập đến rất nhiều các vấn đề xã hội khác như sự phân biệt chủng tộc, vấn đề bảo vệ hệ sinh thái, sự chia ly gia đình và vấn đề nuôi dạy con cái, vấn đề về quyền sở hữu đất đai của người thổ dân, nhưng các chủ đề được đan xen vào câu chuyện một cách liền mạch.

Trong phim, phong cảnh của vùng đất ngập nước Coorong, hoang vắng, xinh đẹp và lộng gió, trở thành nơi ẩn náu cho những người như cha của Mike, chia tay với vợ và sau đó người vợ của ông cũng qua đời trong một tai nạn, là 3 con bồ nông mồ côi mẹ, hay là anh chàng người Thổ dân Fingerbone, không thể quay về bộ lạc của mình vì lỡ hẹn hò với một cô gái thuộc cộng đồng người da trắng. Họ là những người bị tổn thương, bị mất mát, và chính tại nơi tưởng chừng như rất hoang vu, xa cách và cô đơn này lại là nơi có thể chữa lành tâm hồn cho họ. Bộ phim kết thúc rất đẹp, là một tuyên ngôn mạnh mẽ về việc tôn trọng môi trường tự nhiên, cũng như nhu cầu con người nên cùng tồn tại, thay vì phá hoại môi trường này, như lời Fingerbones nói 'Những thứ hoang dã nên được tự do'.




Share