Điểm phim: Safe house - Khi nhà không còn là nơi an toàn

safe home.jpg

Một bộ phim theo thể loại thriller xoay quanh đề tài bạo lực gia đình, một phụ nữ bị chồng kiểm soát cả đời, một cô gái bị mẹ bạo hành phải bỏ nhà đi và chẳng may lại bị đồng nghiệp nam lợi dụng, một phụ nữ di dân bị chồng hành hạ và có nguy cơ mất quyền nuôi con, nhưng gặp khó khăn trong việc tìm kiếm hỗ trợ vì không nói được tiếng Anh, câu chuyện của họ sẽ đi đến đâu? câu trả lời có trong loạt phim Safe Home - Nhà an toàn, đang được chiếu miễn phí trên SBS On Demand.


Phoebe Rook (Aisha Dee) là một chuyên viên truyền thông cho Trung tâm Dịch vụ Pháp lý về Bạo lực Gia đình, một trung tâm cộng đồng cung cấp dịch vụ hỗ trợ pháp lý‎ miễn phí cho những nạn nhân của bạo lực gia đình của tiểu bang NSW.

Công việc của Phoebe là nâng cao danh tiếng của trung tâm trong bối cảnh tài trợ của chính phủ có khả năng bị cắt giảm. Trong thời gian làm việc, Phoebe ngay lập tức phải đối mặt với những khó khăn về các chính sách và cả những câu chuyện bạo lực khủng khiếp.

Xem phim

Đó là bà Diana (Janet Andrewartha), một phụ nữ cao niên phải tranh đấu với chính bản thân để có thể rời bỏ người chồng thích kiểm soát Jon (Mark Mitchinson), một giáo viên đã nghỉ hưu được kính trọng tại thị trấn nhỏ của họ.

Đó là Ry (Tegan Stimson), một cô gái thoát khỏi sự lạm dụng của mẹ ruột, sau đó lại rơi vào một mối quan hệ với người đồng nghiệp nam và bị lợi dụng, kẻ mà ban đầu tỏ ra là một người đầy cảm thông với hoàn cảnh của cô.

Đó là Cherry (Katlyn Wong) có nguy cơ mất con sau khi tố cáo hành vi bạo hành nguy hiểm đến tính mạng của chồng mình với chính quyền, cô gặp nhiều khó khăn trong hành trình tìm kiếm sự giúp đỡ vì rào cản ngôn ngữ.

Và ngay cả Phoebe, cô chuyên viên truyền thông của trung tâm, người từng làm cho một hãng luật lớn, cũng rơi vào một mối quan hệ phức tạp với một kẻ thực sự giỏi trong việc thao túng tâm l‎ý nạn nhân.

Bạo lực gia đình ở Úc

Loạt phim Nhà An Toàn đã nêu ra những định kiến thường thấy của cộng đồng về bạo lực gia đình, sự hiểu biết của cộng đồng vẫn còn hạn hẹp đối với các nạn nhân của bạo lực gia đình. Nhà An Toàn kịp thời góp thêm tiếng nói nhằm giải quyết các cuộc khủng hoảng chính trị xã hội thông qua cách kể chuyện trung thực không chút nao núng.

Qua bộ phim chúng ta còn thấy cách thức mà những kẻ bạo hành sử dụng rất đa dạng, từ lạm dụng thể xác, kiểm soát kinh tế, cho đến đe dọa, nhục mạ bằng lời nói và kiểm soát cưỡng bách.

Và những kẻ bạo hành đôi khi ẩn trong vỏ bọc rất hoàn hảo, là một người dễ mến, thân thiện, hoặc một người lịch thiệp, duyên dáng, hoặc người luôn tỏ ra biết thông cảm với người khác.

Tại Úc, trung bình cứ mười ngày lại có một phụ nữ bị bạn tình giết chết. Cục Thống kê Úc ước tính cứ ba phụ nữ thì có một người bị bạo lực thể xác kể từ khi họ bước sang tuổi 15. Tỷ lệ này thậm chí còn cao hơn đối với phụ nữ Thổ dân và Dân đảo Torres và phụ nữ thuộc các nhóm bị thiệt thòi.

Được lấy cảm hứng từ trải nghiệm của người sáng tạo nội dung Anna Barnes khi bà làm việc tại các trung tâm pháp lý cộng đồng ở Melbourne, loạt phim đã góp tiếng nói mạnh mẽ nêu lên những bất cập trong hệ thống hỗ trợ nạn nhân bị bạo hành, đồng thời khéo léo đan xen vào những câu chuyện về nạn nhân để làm nổi bật sự bất bình đẳng và thất bại của chính phủ trong việc cung cấp sự can thiệp đầy đủ và khẩn cấp. Những nạn nhân phải tìm kiếm sự trợ giúp trong một hệ thống cực kỳ phức tạp và quá tải, như luật sư cao cấp Jenny giải thích với Phoebe, việc cắt giảm tài trợ liên bang sắp xảy ra có nguy cơ loại bỏ 1/5 ngân sách của Dịch vụ Pháp lý Bạo hành Gia đình - tương đương với bốn luật sư. Điều này sẽ buộc trung tâm phải từ chối các những khách hàng không đặt hẹn trước.

Trái ngược với tựa phim, nhà không phải lúc nào cũng an toàn đối với những người bị bạo lực gia đình. Đối với những nạn nhân bị bạo hành, họ thậm chí đã phải trở thành người vô gia cư, hoặc bị mất quyền nuôi con, hoặc bị rơi vào một mối quan hệ bạo hành khác.



Share