Điểm phim: Oh Saigon - Một cuộc chiến khác sau biến cố 30 tháng 4

Oh Saigon image.jpg

Vào ngày 30/4/1975, ngày Sài Gòn sụp đổ, gia đình Đoan Hoàng là những người cuối cùng may mắn lên được chiếc phi cơ rời khỏi Việt Nam để sang Mỹ. Mãi đến 25 năm sau, cô mới lần đầu trở lại Việt Nam để khám phá quá khứ của gia đình. Bộ phim Oh Saigon kể lại câu chuyện về chính gia đình Đoan Hoàng, một gia đình thuộc hai chiến tuyến: cha cô, một thiếu tá không quân của VNCH, trong khi anh trai ông theo cộng sản, còn em trai là người theo chủ nghĩa hòa bình.


Bộ phim Oh Saigon đã đạt một số giải thưởng trong đó có Giải thưởng của Quỹ phim tài liệu Viện Sundance, Giải thưởng phim tài liệu hay nhất Liên hoan phim Châu Á tại Los Angeles và Giải phim tài liệu hay nhất tại Liên hoan phim quốc tế của Hội đồng nghệ thuật Brooklyn lần thứ 42.

Vào ngày 30 tháng 4 năm 1975, gia đình Đoan Hoàng là những người may mắn cuối cùng lên được chiếc phi cơ rời khỏi Việt Nam. Nhưng một trong những người con gái của gia đình, Vân, đã không may bị lạc và bị bỏ lại.

Gia đình của Đoan bước sang một cuộc sống mới tại Mỹ, nhưng biến cố 30 tháng 4 năm 1975 vẫn âm thầm tác động lên những ngóc ngách trong cuộc sống của họ, mối quan hệ trong gia đình và cả những mối quan hệ còn sót lại ở Việt Nam. Bản thân cô Đoan Hoàng, khi từng bước lần lại quá khứ để thực hiện bộ phim tài liệu Oh Saigon, đã phát hiện ra rằng “tôi thật ngây thơ khi nghĩ rằng vết thương chiến tranh có thể lành lại”.

Biến cố lịch sử 30 tháng 4 năm ấy đã khiến người cha của Đoan, ông Nam, một cựu thiếu tá không quân phục vụ trong chế độ VNCH, trở thành một con người khác. Ông sống lặng lẽ và an phận trên đất Mỹ, không bạn bè, không họ hàng. Ông dường như đã đánh mất bản sắc của chính mình, ông không thấy mình là ai tại Mỹ, nhưng cũng không còn có thể gọi Việt Nam là tổ quốc. “Ba không có lựa chọn nào lúc đó: một là bị bắt hoặc bị giết bởi cộng sản, hoặc là đưa gia đình đến một nơi mà không phải là nhà của mình.” Ông đại diện cho rất nhiều người thuộc chế độ cũ phải rời bỏ Việt Nam, dù hiện tại đã có một cuộc sống ổn định nhưng không thể thực sự hòa nhập, và trong lòng vẫn luôn đau đáu một nỗi nhớ thương với Sài Gòn, với những ngày tháng cũ.


Người mẹ của Đoan, trong bộ phim đã rất dũng cảm đối diện lại quá khứ, về những lỗi lầm của bà, đó là đã luôn giấu diếm về Vân, người con gái của bà với người chồng đầu tiên, và việc bà không đưa được Vân theo khi cả nhà lên chuyến phi cơ cuối cùng rời Việt Nam.

Vân, cô chị gái cùng mẹ khác cha của Đoan Hoàng, nhân vật khiến người xem không khỏi thương xót khi bị lạc gia đình và bị bỏ lại Việt Nam một mình lúc mới 15 tuổi. Sáu năm sau Vân cũng tìm cách vượt biên sang Mỹ. Chiếc tàu của cô bị đắm, bị cướp, nhiều người trên tàu bị chết, bị hãm hiếp, nhưng rồi cuối cùng cô cũng đặt được chân đến Mỹ. Sang đến Mỹ, Vân không thể sống hòa hợp được với mẹ và dượng. Trong phim không giải thích rõ cuộc sống hiện tại của Vân, nhưng những cảnh quay trong căn phòng bừa bộn của Vân mang lại cảm giác về một người vẫn đang phải cố gắng sắp xếp lại cuộc đời mình. Vân khi đã có con, trở thành mẹ nhưng cô vẫn chưa bao giờ thực sự tha thứ cho mẹ mình. Vân nói với Đoan “chị biết mẹ yêu chị, nhưng mẹ yêu bản thân mẹ nhiều hơn. Chị là một người mẹ yêu con, chị không bao giờ bỏ con mình.”

Người xem còn được thấy một câu chuyện của một gia đình ở giữa hai chiến tuyến. Hành trình trở về Việt Nam của Đoan Hoàng sau 25 năm đã tìm lại những người anh em của ông Nam, người anh từng phục vụ chế độ miền Bắc Cộng sản, luôn tin tưởng vào Hồ Chí Minh, trong khi người em trai, ông Dũng, tuy chiến đấu cho VNCH nhưng ông không tin vào chiến tranh, “không tin cả cộng sản hay tư bản. Nhưng chính phủ bắt chúng ta phải đánh nhau cho họ dù chúng ta có muốn hay không”.

Và sau cùng, dù là chiến tuyến nào, thì rốt cuộc tất cả những người liên quan trong bộ phim này đều là gia đình, đều là những người máu mủ ruột thịt. Cuộc đoàn tụ gia đình tại Việt Nam lần đầu kể từ biến cố 30 tháng 4, hình ảnh anh em của ông Nam lần đầu gặp nhau, tuy vẫn còn sự ngại ngùng nhưng đầy xúc động, và bà mẹ bắt đầu giới thiệu với tất cả mọi người về Vân ... tất cả những điều ấy đem lại cho chúng ta hi vọng về một sự chữa lành những sang chấn, những tổn thương sau ngần ấy năm từ khi chiến tranh chấm dứt.

Share