Điểm phim: "Song Lang" - khi cải lương là chất xúc tác cho một chuyện tình

Song Lang.jpg

Phim Song Lang

Song Lang - bộ phim đầu tay của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Leon Le, đưa người xem về với Sài Gòn của những năm 1980. Chuyện phim nói về một tay giang hồ đòi nợ thuê với một kép hát cải lương, hai con người tưởng chừng hoàn toàn đối nghịch nhau, nhưng chính cải lương là thứ kết nối họ với nhau. Xem phim còn để chiêm ngưỡng cái đẹp dân dã, một mạc và cũng không kém phần kiêu hãnh của nghệ thuật cải lương với những trường đoạn được tái hiện trọn vẹn trong phim.


Song Lang, một bộ phim Việt Nam đầu tay của đạo diễn Việt kiều Leon Lê. Bộ phim kể về hai nhân vật tưởng chừng rất đối nghịch nhau, một bên là một anh kép hát cải lương yêu nghề, có lòng tự trọng và kiêu hãnh, Linh Phụng, một bên là Dũng “thiên lôi”, một tay đòi nợ thuê lầm lì ít nói. Hai con người tưởng chừng không có liên quan gì đến nhau, cơ duyên run rủi thế nào mà họ va vào nhau khi Dũng Thiên lôi đến đoàn hát để đòi nợ và gặp Linh Phụng ở đó. Và từ đây, từ chỗ ghét nhau, họ lại dần dần nảy sinh tình cảm, mà cải lương chính là chất xúc tác, là thứ nối kết giữa họ.

Xem phim

Cải lương đã được đạo diễn khéo léo lồng ghép vào phim, mượn câu chuyện sân khấu để nói về câu chuyện cuộc đời, và thân phận con người. Cải lương là thứ nguyên liệu để dẫn dắt câu chuyện, dẫn dắt mạch phim. Trong phim khán giả cũng sẽ được thưởng thức những trường đoạn cải lương được tái hiện rất trọn vẹn.

Song Lang không phải là một bộ phim có đề tài quá mới lạ hay gây sốc, nhưng nó thực sự cuốn hút người xem. Cuốn hút đầu tiên là cách kể chuyện. “Song Lang” – là một dụng cụ giữ nhịp dùng trong cải lương, nhưng cũng có ‎nghĩa là “hai chàng” - hai gã đàn ông cô độc tình cờ tìm thấy nhau sau một đêm rồi lạc mất nhau vĩnh viễn. Dù đây là một bộ phim về tình cảm đồng tính, nhưng yếu tố đồng tính không được dùng để câu khách, hoàn toàn không có những đụng chạm thể xác trong phim, mà được thể hiện đầy tinh tế và lãng mạn với lối diễn xuất đầy hòa hợp qua khả năng diễn xuất bằng mắt giữa hai diễn viên Isaac và Liên Bỉnh Phát. Từ cái nhìn tò mò và giận dữ của lần đầu chạm mặt, cái nhìn mỉa mai lần thứ hai lặp lại cho đến những cái nhìn bắt đầu thấu hiểu tâm can của nhau sau một đêm ở cùng trên căn gác cũ, hai nhân vật đã thể hiện trọn vẹn cho thấy họ thực sự đã tìm thấy nhau.
song-lang-backdrop.jpg

Điểm cuốn hút thứ hai là về thị giác, toàn bộ phim sử dụng gam màu vàng nâu, đậm chất retro đầy hoài cổ, đưa người xem về lại Sài Gòn những năm 1980. Từng hình ảnh, từng khung hình, từng góc máy đều được tính toán để thể hiện những y nghĩa‎ cài cắm cũng như đẩy cảm xúc của người xem. Phải nói rằng đạo diễn Leon Le đã rất chỉn chu và tinh tế khi từng chi tiết nhỏ trong phim đã được sắp đặt một cách kỹ lưỡng. Từ cửa hàng cho thuê băng đĩa, chiếc loa phường sáng sáng ra rả những lời cổ động, ngõ phố nhỏ chằng chịt dây điện, quán hủ tiếu đêm với những cái chén ăn họa tiết ngày xưa, người xích lô chở khách sau buổi diễn, cho đến cảnh sinh hoạt của khu phố khi sáng sáng có người đi thu tiền điện từng nhà, đám trẻ con chơi nhảy dây, tạt lon, bà bán thuốc lá với cái quầy thuốc nhỏ trước cửa rạp hát, và đặc biệt những cảnh hậu trường của sân khấu cải lương như tái hiện lại một thời vàng son của nghệ thuật cải lương ở Sài Gòn.
songlang_08.jpg
Lời thoại trong phim cũng rất ít, phim không dài dòng kể lể, hay giáo điều như nhiều phim Việt hay mắc phải. Mà phim chuyển tải ‎ nghĩa chính bằng góc quay, bằng diễn xuất của diễn viên. Và điều đó khiến cho mạch phim cũng như là cái sự phát triển cảm xúc của hai nhân vật chính rất dễ chịu cho người xem.

Hai nhân vật chính của phim cũng đã làm rất tròn vai. Isaac và Liên Bỉnh Phát đều là lần tiên xuất hiên trong Song Lang với vai trò diễn viên điện ảnh. Isaac đã bỏ qua được cái mác ca sĩ nhạc trẻ khi hóa thân vào anh kép Linh Phụng. Anh thể hiện những trường đoạn cải lương, những biến động cảm xúc nội tâm, sự bồn chồn nôn nao khi cầm món quà trên tay đợi Dũng thiên lôi đến, cái ánh mắt tìm kiếm khi nhìn về phía khán giả, sự cô độc lẻ loi khi rời nhà hát, những lúc đó Isaac đã diễn tả được những cung bậc cảm xúc rất trọn vẹn.
still-song-lang-02.jpg
Còn Dũng Thiên lôi, bình thường cộc lốc, lầm lì, nhưng luôn ẩn chứa bên trong một sự đa cảm và một con người nghệ sỹ chờ đợi được đánh thức. Cái chất nghệ sỹ ấy được thể hiện trong căn hộ nhỏ cũ kỹ những luôn có cây xanh của Dũng, nét mặt thẫn thờ và cũng đầy khao khát khi ngồi dưới hàng ghế sân khấu trong buổi diễn, ánh mắt và đôi tay đầy đam mê khi cầm cây đàn nguyệt gảy cho Linh Phụng ca, và khi Dũng ngồi khóc câm lặng trên mái nhà cạnh dưới bóng chiều tà dưới bầu trời cao rộng như bao trùm lấy anh càng làm nổi bật lên sự nhỏ bé, cô đơn của Dũng.

Song Lang - bộ phim đầu tay của đạo diễn người Mỹ gốc Việt Leon Le đem lại nhiều ngạc nhiên thú vị lẫn mến mộ tài năng và tấm lòng anh dành cho nguồn cội Việt của mình. Ít ai biết rằng Linh Phụng chính là tên trong khai sinh của Leon Le – nghĩa là chim phượng hoàng. Anh là nghệ sỹ sân khấu Broadway ở Mỹ, và anh cũng chính là người hướng dẫn điệu bộ sân khấu cho Isaac và ca những trường đoạn cải lương trong phân cảnh của Linh Phụng để cho Isaac hát nhép theo. Và Song Lang chính là hiện thực hóa giấc mơ về đam mê cải lương của vị đạo diễn trẻ này.

Đạo diễn Leon Le đã chia sẻ một cách khiêm tốn rằng Song Lang “đơn giản là một câu chuyện tình”, một câu chuyện tình chinh phục người xem bằng những thước phim giàu cảm xúc, qua đó còn khiến người xem rưng rưng trước tình yêu dành cho văn hóa cội nguồn của một một người trẻ gốc Việt.


Share