Có những người vừa sinh ra cuộc đời đã mỉm cười với họ, nhưng cũng có những mảnh đời phải chịu nhiều thiệt thòi, khó khăn. Tuy nhiên như thủ tướng Anh Winston Churchill từng nói, “ta sống bằng thứ ta thu được, nhưng ta tạo ra cuộc đời bằng thứ ta cho đi.” Thế nên hôm nay, chúng tôi muốn kể cho quý vị nghe một câu chuyện về tấm lòng nhân ái của những người đã tạo lập và duy trì tổ chức từ thiện Westside Charity với tiền thân là công ty Westside Community Services Limited, nhằm giúp đỡ những người thiệt thòi, khuyết tật và kém may mắn trong cuộc sống, qua cuộc chuyện trò với một trong những sáng lập viên của tổ chức – cô Liên Smith.
Hưng Việt: Dạ xin kính chào chị Liên Smith ạ
Liên Smith: Dạ xin chào anh Hưng Việt và cô Mỹ Dung cùng quý thính giả đài SBS.
Hưng Việt: Dạ trước hếtxin chị cho biết mục đích của tổ chức từ thiện Westside Charity?
Liên Smith: Nguyên tên của nó là Westside Community Services Limited, được thành lập hơn 35 năm bởi ông Tony Smith, là người chồng quá cố của tôi.
Hưng Việt: Đó là lý do mà chị muốn thành lập, nhưng mà chắc chắn có những động lực, hay những trãi nghiệm cá nhân thúc đẩy cho chị để chị thành lập tổ chức này phải không?
Liên Smith: Cách đây hai năm công ty Westsidecó một số tiền từ việc bán dịch vụ cho một công ty tầm cỡ quốc tế, rồi mình cũng để dành được nữa, từ đó ban giám đốc quản trị mới quyết định thành lập Westside Charity để sử dụng số tiền này. Mà điểm chính đó là chính mình muốn biết rằng tiền mà mình kiếm rất khó khăn trong ba mươi mấy năm đây, mình tặng cho ai và như thế nào để cho đồng tiền này được sử dụng có hiệu quả tốt nhất. Thiệt ra có nhiều động lực nhưng thôi bây giờ mình cứ bàn tới hai lý do chính thôi.
Thứ nhất là tôi muốn thực hiện nguyện vọng của ông Tony khi ông thành lập công ty này. Ông sinh ra trong một gia đình khá giả, là con trai duy nhất của một bác sĩ, cho nên ông nói là ông được hạnh phúc nhiều hơn những người mà ông gặp trong đời, nên ông muốn làm cái gì trả lại cho xã hội. Và đó là lý do mà ông thành lập công ty. Khi mà ông lập bản nội quy công ty, ông đã suy nghĩ rất kỹ. Nhờ vậy, cho nên ngày hôm nay, Westside charity có quyền làm nhiều mặt lắm, chỉ có cái là mình không có tiền để làm thôi.
Và điều thứ hai có tính cách cá nhân một chút tức là, giống như phần đông quý thính giả, tôi qua đây là người tỵ nạn và đã trải qua rất nhiều khó khăn mới được như ngày hôm nay. Nghĩ lại thì cả một quãng đường thật dài, nhưng mà tôi không bao giờ quên được những ngày cực khổ, cho nên lúc nào tôi cũng mong muốn được giúp đỡ những người hiện nay đang trải qua hoàn cảnh khó khăn như tôi trước đây.
Hồi đó ai cũng cực hết trơn. Tôi nhớ lại mỗi lần mà phải bỏ tiền cho con tôi đi cắm trại hay là đi chơi ở ngoài, thậm chí mua đồ uniform cho nó mặc khó khăn vô cùng. Tôi phải tự may đồ cho nó mặc.
Hưng Việt: Cả hai động lực đó đều cao quý cả. Dạ thưa chị, chị mới vừa đề cập tới là sợ không có đủ tiền để mà làm những điều mình muốn làm, thì đó là một trong những hình thức giúp đỡ, ngoài ra có hình thức trợ giúp nào khác nữa hay không ạ?
Liên Smith: Dạ ngân quỹ hạn hẹp cho nên Westside Charity chỉ trợ giúp được một số người, đặc biệt chú trọng là những thanh thiếu niên trong hoàn cảnh khó khăn và có khuyết tật để họ có thể đi học và kiếm thêm được việc làm. Thường là mình giúp tiền hết, nhưng mà không phải là mình đưa tiền, rồi ai muốn làm gì làm đâu. Thường thường những người mà nhận tiền này, thì họ là đoàn thể, tư nhân hay là cơ quan, họ phải báo cáo bằng chứng cụ thể để chứng tỏ rằng là họ đã dùng tiền như thế nào và thường thường là phải dùng theo đồng ý hai bên, tức là Westside Charity và họ.
Hai năm qua Westside Charity cũng hỗ trợ một số chương trình xã hội của cơ quan Communify, là một trong những cơ quan bất vụ lợi, để giúp đỡ gần 20 người tỵ nạn và phiếu thực phẩm cho những người không có gia cư và mất việc làm, đặc biệt là vào thời điểm Covid, tặng phiếu thực phẩm cho hơn 1000 người.
Ví dụ như cách đây hai năm khi Covid ảnh hưởng nhiều người, có một người nhân viên sau sáu tháng được trợ cấp bởi Westside Charity ảnh được huấn luyện để cho trở thành đầu bếp hay phụ bếp gì đó ở nhà hàng người Việt. Rồi cũng có nhiều trường hợp tương tự như vậy nữa, với những người thanh niên tìm việc khó khăn vì họ có khuyết tật, thì mình giúp đỡ đoạn đầu sáu tháng, sau đó người chủ thấy là họ đã huấn luyện rồi thì cứ tiếp tục mướn người đó.Xin lắng nghe đôi lời chia sẻ của cô Ngọc chủ nhà hàng Cam Ranh, Darra.
Chị Ngọc Source: Supplied
Hưng Việt: Dạ xin kính chào chị Ngọc
Cô Ngọc: Dạ xin chào anh Việt
Hưng Việt: Thưa chị, xin chị có thể xác nhận là trước đây là công ty Westside có tài trợ cho nhà hành Cam Ranh một số tiền để gửi một anh Việt Nam tới đây huấn luyện để làm nhân viên ở trong nhà hàng này đúng không ạ?
Cô Ngọc: Dạ, có.
Hưng Việt: Thưa chị anh đó tên gì và được làm những công việc gì ở nhà hàng này?
Cô Ngọc: Dạ anh đó tên Nguyễn Việt, thì anh làm ở đây là 15 tiếng/tuần thì anh phụ trong bếp, cái gì mình cũng chỉ cho anh làm hết. Thì anh làm được trong vòng sáu tháng. Hết tiền tài trợ thì anh nghỉ luôn.
Hưng Việt: Xin cảm ơn chị rất nhiều đã giúp chúng tôi chi tiết này.
Cô Ngọc: Dạ cảm ơn anh Việt.
Xin mời quý thính giả trở lại cuộc mạn đàm với cô Liên Smith…
Hưng Việt: Westside Charity còn giúp đỡ các trường học, trong đó có học sinh là con em Việt Nam của chúng ta . Vậy thì xin chị cho biết thêm về những hoạt động này? Và những phản ứng từ đồng hương của chúng ta ra sao?
Liên Smith: Trong tài khóa 2021-2022, thì Westside Charity đã trợ giúp năm trường tiểu học. Ba trường ở vùng miền Tây Brisbane, đông người Việt mình. Một trường phía Bắc và một trường phía Nam. Một số học sinh là con em người Việt mình học trong các trường đó. Công ty tặng một số tiền cho mỗi trường giúp đỡ những gia đình túng thiếu để có thể trả tiền uniform, mua đồ ăn buổi sáng và trưa, đóng tiền đi cắm trại, đóng tiền đi học bơi rồi đóng dùm cho các em những cái cần đóng mà phụ huynh không có.
Các thầy cô và các cô hiệu trưởng biết ai là người cần sự giúp đỡ. Không cần phải nêu danh lên chỉ cho biết cái số các em cần giúp đỡ là bao nhiêu, giúp đỡ như thế nào rồi từ đó mình nói chuyện và quyết định là số tiền là bao nhiêu. Tùy theo số người, và nhu cầu của các em nữa.
Trong tài khóa 2022-23, chương trình này sẽ nới rộng ra thêm năm trường nữa, tức là tổng cộng mình có 10 trường.
Hỏi về phản ứng của người đồng hương thì thiệt ra người Việt mình hình như cũng không có ai mà biết đến Westside Charity là ai. Rồi các em đi học thì cũng hổng biết ai chỉ biết là ở trường trả dùm cho cái này, trường trả dùm cho cái kia. Mà như vậy thì thôi cũng được rồi.
Tuy nhiên, phản ứng từ các cô thầy Hiệu trưởng và các thầy cô thì rất quý hóa và rất là khích lệ. Ví dụ như có một trường họ nói rằng họ phải gây quỹ cả năm mà chỉ được một nửa phần quỹ mình tặng họ. Rồi một trường khác thì nói rằng, họ rất vui mừng vì các em học sinh sẽ tập trung học tập hơn vì các em không có đói bụng. Quỹ này để giúp mua đồ ăn, các em đi tới trường mà không có gì bỏ bụng thì họ cho đồ ăn buổi sáng. Rồi con nít mà anh thấy hông, nó chạy nhảy hồi là nó đói bụng lại. Rồi giờ trưa thì có khi có em không có đồ ăn. Có một trường hợp mà tôi thấy rất là tội nghiệp, cô hiệu trưởng kể, có một em học sinh đó lớp 5, đứa em gái thì học lớp 2, lớp 3 gì đó, nhưng đồ ăn đem theo thì lúc nào cũng thiếu, cho nên đứa anh đó mới nhịn ăn, cho đứa em, rồi lúc nào nó cũng mệt mỏi. Thì anh biết đó, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau. Mình không biết được là đời sống của các em ở nhà như thế nào. Thì đó là những người mà mình nên giúp đỡ. Westside Charity cảm thấy việc mình làm hữu hiệu.
Hưng Việt: Những hoàn cảnh đó rất thương tâm mà chúng ta biết các trường học gây quỹ để có những sinh hoạt này kia trong trường thì họ thường làm những cái fêtes, phải không? Nhưng không phải trường nào cũng có phương tiện và có nhân lực.
Liên Smith: Anh biết tại sao không? Có nhiều trường họ có một ban Phụ Huynh học sinh. Ban P&C chuyên việc gây quỹ, fêtes, bán đồ ăn và làm cái này, làm cái kia… Có những trường hoàn toàn không có… Có nhiều lý do lắm anh Hưng Việt. Thứ nhất là những trường đó cha mẹ không có thì giờ để làm cái gì hết, họ phải đi làm. Có những trường cha mẹ không đi làm, thì họ lại có vấn đề, có thể là ngôn ngữ, có thể là vấn đề sức khỏe, thể xác lẫn tinh thần. Thì luôn tiện đây chia sẻ với quý thính giả và anh Việt luôn. Tôi có hỏi thầy cô hiệu trưởng tại sao chính phủ không giúp đỡ những trường này? Thì câu trả lời như vầy, chính phủ chỉ giúp đỡ trả tiền lương cho thầy cô, xây dựng trường học và lo những cấu trúc lớp học này nọ thôi. Còn mà đi vô cái chuyện miếng cơm ăn cái áo mặc của các em học sinh, đó là phụ huynh chứ không phải là của chính phủ. Thì nghe cũng đúng chứ không phải không.
Hưng Việt: Chị vừa đề cập đến chuyện chính phủ giúp đỡ cho các trường học. Riêng về tổ chức Westside Charity, thưa chị có được tài trợ của chính phủ hay không? Bởi các tổ chức tư nhân? Hay bởi các cá nhân nào đó hay không?
Liên Smith: Hoàn toàn không anh Hưng Việt ạ. Với số tiền mà chúng tôi có, những công việc mà chúng tôi hoạt động thì có thể là khoảng chừng năm năm nữa thì chắc là hết tiền. Thì bây giờ mình phải nghĩ ra cái chuyện làm thế nào để mà tiếp tục được. Ông Robert Reilly, là ông xã của tôi thì hàng năm ông đều tài trợ từ tiền riêng của ông vào trong chương trình Westside Charity và tôi cũng làm như vậy. Thì đại khái là bây giờ mình chưa nghĩ ra được cách nào để mình có thể gây quỹ thì mình chỉ làm những gì mà mình có thể làm được thôi. Thì để nói luôn tiện đây để khoe với anh Hưng Việt với lại quý vị thính giả, cái cách mà tôi nghĩ để tự mình gây quỹ. Gần đây tôi có đem một số cây kiểng của ông chồng của tôi sưu tầm hơn 40 năm nay. Một số cây rất là quý và một số cây tôi cũng học để gây giống nữa. Những cái này thiệt ra là hình thức giải trí của tôi thôi, nhưng mà đến chừng cái vườn nó quá nhiều tôi mới đem ra bán, thì một cái sự bất ngờ rất vui là tôi gây quỹ nhiều hơn tôi tưởng tượng được. Cho nên là tôi hăng hái làm vườn hơn nữa. Chồng của tôi lúc đầu ổng rất là lưỡng lự về cái chuyện mà… trời ơi cái gì mà bán cây, mình là dân sưu tập mà đem bán chi. Nhưng mà ông thấy là mỗi lần mình bán cây lại có tiền giúp đỡ những người đáng được giúp đỡ thì ông lại vui hơn nữa.
Hưng Việt: Chị có nghĩ đến chuyện có một ngày Open Day mở cửa khu vườn này - bởi vì chúng tôi biết có nhiều người thích cây kiểng - mời đồng hương tới xem, rồi có thể họ muốn mua thì chị bán để gây quỹ cho Westside Charity.
Liên Smith: Dạ. Cho nên một ngày màmở cửa cho quý đồng hương tới thì quá vui. Đó là một cái niềm mơ ước rất hãnh diện cho tôi và ông xã tôi. Đến đây thì mình trao đổi kinh nghiệm làm vườn đó anh. Theo tôi nghĩ đó thì kinh nghiệm tôi rất là nhỏ, nhưng ông xã tôi thì kinh nghiệm khá nhiều. Và tôi tin chắc rằng những người tới thăm cũng có rất nhiều kinh nghiệm để họ chia sẻ lại với những người khác và cho cá nhân của tôi nữa.
Thì luôn tiện đây thì cũng để cho quý vị biết là ông xã tôi đã viết một số sách về trồng loại cây Tillandsias - cây sống bằng không khí. Thì những quyển sách của ông xuất bản cho Bromeliad Society of Queensland. Số kỳ trước cách đây 7, 8 năm đã bán hết. Rồi kỳ mới phát hành trở lại đây và bổ sung thêm chi tiết mới nữa.
Hưng Việt: Và cuối cùng chị còn có điều chi muốn chia sẻ thêm với quý thính giả hay không ạ?
Liên Smith: Tôi chỉ muốn chia sẻ kinh nghiệm cá nhân của mình đó là nhiều khi niềm vui của mình không phải từ những gì mình có mà là những gì mình san sẻ.
Hưng Việt: “Happiness is from giving”.Thưa đó là một cái tâm rất là quý cả anh lẫn chị đã có được và thựa hiện được thì điều đó là quý vô cùng nữa. Và cuối cùng thì thay mặt thính giả, chúng tôi xin thành thật cám ơn chị Liên rất là nhiều đã dành thời giờ quý báu của chị. Dạ xin kính chúc anh chị được nhiều sức khỏe bình an trong mùa đại dịch và luôn luôn đạt được những sở nguyện mà mình đã ấp ủ, muốn thực hiện trong rất nhiều năm nay.
Liên Smith: Tôi xin chào và cũng xin đặc biệt cám ơn anhHưng Việt, cô Mỹ Dung và quý thính giả đài SBS, vì đây là một cơ hội tôi thấy rất là quý báu để cho tôi có thể chia sẻ được việc làm của mình. Tôi hy vọng là sẽ gặp anh Hưng Việt và đồng hương của mình tới thăm vườn trong một ngày gần đây.
Để hiểu rõ thêm về chi tiết hoạt động của Westside Charity xin mời quý vị vào trang mạng của công ty
Hoặc liên lạc trực tiếp với cô Liên Smith qua số: 0422 125 302
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
READ MORE
Chuyện Queensland: Quán Cafe Ô Mai