Chuyện Queensland: Mong cho những cái Tết yên vui

Quang cảnh vài cửa hàng chợ Tết Inala 2022

Quang cảnh vài cửa hàng chợ Tết Inala 2022 Source: Supplied

Trong thời điểm đặc biệt của những ngày cuối năm Tân Sửu chuẩn bị bước sang năm mới Nhâm Dần, Hưng Việt và Mỹ Dung muốn được chia sẻ cùng quý thính giả những hoài niệm của các đồng hương ở Brisbane về cái Tết ấm cúng của ngày xưa và niềm hy vọng cho một cái Tết bình an.


Là người Việt mà, nghe thấy tới Tết, ai mà không thấy háo hức, trông chờ. Nhưng kể từ khi có đại dịch COVID-19, bao nhiêu gia đình phải chịu cảnh ly tán. Hàng triệu người đã tử vong. Những người còn sống sót thì lại lâm vào cảnh kẻ nơi này, người chốn kia. Chưa bao giờ mà đường ranh biên giới lại trở nên một chướng ngại cách trở khó khăn đến như vậy. Hơn bao giờ hết, sự trùng phùng trở nên quý giá biết bao nhiêu. Càng trân quý và hạnh phúc hơn khi gia đình được đoàn viên trong dịp Tết năm nay.

Chúng tôi muốn được chia sẻ cùng quý thính giả những hoài niệm về cái Tết ấm cúng của ngày xưa và niềm hy vọng một cái Tết bình an trong tương lai của các đồng hương ở Brisbane.

Trước tiên là gia đình của chị Trần thị Nhàn, với bốn chị em gái lần lượt kẻ trước người sau, cách nhau hơn 20 năm mới được đoàn tụ để cùng đón Xuân ở thành phố này, đặc biệt có một chị, sau muôn vàn khó khăn do đại dịch đã vừa mới định cư vào tháng 5 năm 2021.

Hưng Việt: Trước hết, xin chị có thể vui lòng cho biết là chị sang Úc đã được bao lâu rồi?

Nhàn Trần: Dạ thưa anh, em qua Úc gần 28 năm, em đi diện đoàn tụ với hai đứa con em.

Hưng Việt: Thưa chị, lần cuối cùng mà tất cả các anh chị em trong gia đình chị, 10 người con và 2 bác cùng sum họp lại quay quần để mà ăn Tết, chắc chắn là ở Việt Nam rồi, nhưng mà vào năm nào?

Nhàn Trần: Cái Tết cuối cùng tất cả tổng cộng tụi em là 9 chị em, tại có một người em trai của em mất lúc nhỏ. Năm đó là trước khi em qua Úc là Tết năm 1994. Tết đó là Tết cuối cùng đầy đủ anh chị em và quan trọng là ba em còn sống nữa. Cho nên cái Tết đó là Tết vui nhất của em.

Hưng Việt: Chị có thể kể lại một, hai kỷ niệm trong cái dịp ăn Tết lần đó hay không? Gia đình có làm những sinh hoạt gì đặc biệt không thưa chị?

Nhàn Nguyễn: Dạ hồi lúc mà mẹ em còn sống thì năm nào mẹ em cũng gói bánh chưng rồi mấy chị em phụ vô. Nhưng từ lúc mà mẹ em mất thì không còn gói bánh chưng nữa. Nhưng mà mỗi lần Tết nhất mà gặp nhau như vậy thì cũng rất là vui. Coi như là chị em gặp nhau. Rồi ba em còn sống nữa cho nên cái năm đó là em thấy em vui nhất luôn.
Bốn chị em chị Trần Thị Nhàn (chị Nhàn mặc áo xanh, bên trái)
Bốn chị em chị Trần Thị Nhàn (chị Nhàn mặc áo xanh, bên trái) Source: Supplied
Hưng Việt: Bây giờ trở về hiện tại thì chị và gia đình ba cô em gái ở Brisbane này trong Tết Nhâm Dần sắp tới có dự định tổ chức họp mặt Xuân hay đón giao thừa gì không?

Nhàn Trần: Không riêng gì Tết Nhâm Dần, mọi năm Tết nào từ ngày em qua bên Úc đến giờ em cũng tổ chức Tết để họp mặt gia đình. Mỗi năm Tết của em thì thành viên nó tăng lên. Nếu tính tổng cộng lớn nhỏ luôn là 23 người. Tám đứa con nít với 15 người lớn. Kể luôn cháu nội cháu ngoại của em.

Hưng Việt: chị dự định Tết họp mặt sẽ có sinh hoạt gì thưa chị?

Nhàn Trần: Dạ, nếu mà Tết trúng vô ngày thường thì em tổ chức vào cuối tuần cho các cháu có mặt đầy đủ. Để mình giữ truyền thống của Tết Việt Nam thì con cháu chúc tuổi cha mẹ ông bà, rồi người lớn lì xì cho con nít để cho các cháu biết truyền thống Việt Nam như thế nào.

Hưng Việt: Rồi có chơi bầu cua cá cọp này kia không thưa chị?

Nhàn Trần: bên này không có bàn bầu cua cá cọp nên các cháu cũng ngồi chơi bài cào hay nó chơi cái gì…em không biết…cũng không phải lô tô. Bên này không có lô tô

Hưng Việt: Có mà, có lô tômà bầu cua cá cọp nữa. Chị ra tiệm Inala chị hỏi mua có đó.

Nhàn Trần: Dạ năm ngoái mấy cháu cũng hỏi để bửa nào mua cái bộ bầu cua cá cọp về chơi Tết

Hưng Việt: Thưa chị, trong lúc mà các anh chị em và các cháu quây quần ở đây đó, gia đình có làm viber, livestream gì với các anh chị còn lại ở Việt Nam để mình cùng chia sẻ không khí Tết ở hai bên hay không ạ?

Nhàn Trần: Dạ thưa có anh. Mỗi khi Tết hay là Noel thì thường thường con em, con gái, con dâu nó hay quay film xong rồi livestream hoặc là post lên Facebook cho gia đình ở Việt Nam thấy, chia sẻ Tết bên Úc là như thế nào. 

Hưng Việt: Mà họ cũng có thể cho mình biết họ ăn Tết ở Việt Nam ra sao đúng không ạ?

Nhàn Trần: Dạ đúng rồi. Ở Việt Nam có ăn Tết, họp mặt đại gia đình,  bên đó cũng livestream, chụp hình gửi lên Facebook cho bên này coi.

Hưng Việt: cuối cùng thì chị có thể cho thính giả của chúng tôi được biết ước mong của chị nhân dịp Tết Nhâm Dần này là thế nào ạ?

Nhàn Trần: Dạ em mong là Tết Nhâm Dần năm 2022 này thì mọi người mọi nhà được bình an, dồi dào sức khỏe, hạnh phúc, mọi điều may mắn và em mong cho đại dịch Covid này chóng qua để mình có thể trở lại cuộc sống bình thường.

Hưng Việt: Để chị có thể trở về Việt Nam ăn Tết lần nữa cũng như các anh chị còn ở Việt Nam có thể trở qua đây để mà sum vầy với gia đình bên này. Chúng tôi xin thành thật cám ơn chị Nhàn rất là nhiều và kính chúc chị cùng các anh chị trong gia đình và các cháu được dồi dào sức khỏe trong năm Nhâm Dần sáp tới và mọi điều thành công tốt đẹp.

Nhàn Trần: Em cũng cám ơn anh Việt và cám ơn quý thính giả đã lắng nghe buổi nói chuyện của hai anh em chúng tôi.
Gia đình anh Trần Minh Hoàng (anh Hoàng đứng hàng trên cùng, áo hường, đeo kính)
Gia đình anh Trần Minh Hoàng (anh Hoàng đứng hàng trên cùng, áo hường, đeo kính) Source: Supplied
Kế đó là gia đình của anh Trần Minh Hoàng. Sau ba lần gia đình lần lượt chia nhau ra đi, đến năm 90 thì đoàn tụ tại Úc. Thoạt đầu chỉ vỏn vẹn 10 người gồm có ông bà cụ và tám anh chị em nhưng nay đã lên đến hơn 40 người. Nhưng nếu tính cả đại gia đình, thì cũng đã gần đến trăm thành viên ở Úc.

Hưng Việt: Thưa anh,Tết Nhâm Dần năm nay, có anh chị em nào ở xa mà vì COVID-19 nên không thể về Brisbane được để cùng ăn Tết với gia đình không ạ?

Minh Hoàng: Thực ra thì có ông anh thứ năm ổng đi làm xa ở bên Western Australia, trong thời gian vừa rồi dân số Queensland bị covid hơi nhiều nên bên Perth, Western Australia họ lockdown bên đó, cấm người ta vô, cho nên bây giờ vô cũng kẹt mà ra cũng khó, nên ảnh thà là ở lại bên Queensland này.

Hưng Việt: Thưa anh như vậy, trong cái rủi là ông anh thứ 5 đó không đi làm việc thường xuyên như lúc trước nữa, nhưng có cái may là trong dịp Tết năm nay thì tất cả các anh chị em cùng hai bác có thể đoàn tụ ở Brisbane này để mà thưởng Xuân phải không ạ?

Minh Hoàng: Dạ đúng vậy.

Hưng Việt: Thế thì thưa anh trong dịp Tết đoàn viên như vậy, gia đình anh có những sinh hoạt gì để hưởng chút hương vị đầu Xuân như ở bên nhà hay không ạ?

Minh Hoàng: Dạ đúng ra thì truyền thống Việt Nam mình bên gia đình cháu chưa có ai quên. Mặc dù cháu đi lúc đó cũng còn nhỏ khoảng 8 tuổi thôi. Nhưng tại vì bên phía ông bà cha mẹ cô chú hay tất cả những người lớn đều theo truyền thống Việt Nam, cho nên mình cũng phải theo truyền thống Việt Nam của mình. Bên Úc này thì không như bên Việt Nam mình là ăn ba ngày Tết hay là nghỉ 10 ngày. Còn mình bên này làm thì phải đi làm, Tết thì vẫn là Tết.

Đúng ra thì bình thường ở bên này thì gia đình cháu ngày 30 Tết là Giao thừa, bố má cháu thường làm buổi tiệc ở nhà, sau đó ăn xong rồi mới đi nhà thờ. Bên đạo công giáo thì có lễ Giao thừa. Lễ giao thừa xong họ có bắn pháo bông và bắn pháo Việt Nam của mình. Sau đó trở về nhà bố má cháu chơi tới khuya. Hồi trước thì cũng có bầu cua cá cọp hay là lô tô hay là có đánh bài.

Mùng một Tết, ngày hôm sau, ai đi làm thì cứ đi làm. Bố má cháu thì cũng ở nhà, ai có rảnh thì tới chúc Tết. Ai đi làm không tới được, thì chiều tối qua chúc Tết. Gia đình cháu thì có ba người chị em họ. Má cháu là cô ruột nhưng mà coi như mẹ ruột vậy vì từ nhỏ họ ở chung với bố má cháu. Thì nếu cộng thêm mấy người đó thì thêm mỗi lần tiệc tùng thì cũng khoảng 50 người. Dạ cũng có gia đình nhà cháu thôi.

Còn chưa tính bên bố cháu thì có sáu anh em ruột tất cả đều ở bên Úc này hết. Tính ra là đông lắm. Em ruột của ông nội, tức là ông chú. Họ có tám người, sáu người bên Úc. Gia đình họ cũng đông nữa, chứ không phải là ít. Nên mỗi lần mà tụ tập vô thì rất là khó. Nếu ăn là cả ngày, trưa đến chiều tối. Người nào tới trước thì người đó ăn, tới sau ăn sau vậy thôi. Tết mà tổ chức  chung không thể nào lo xuể hết được. Chỉ có mỗi lần giỗ ông bà nội thì mới tổ chức cho toàn thể mọi người trong gia đình. Chứ đúng ra lúc trước khi còn ông bà nội thì Têt linh đình lắm.

Hưng Việt:  Theo như anh kể thì gia đình của anh rất quyết tâm giữ những truyền thống tốt đẹp của người Việt mình, thì như vậy thưa anh đến Tết chắc các cháu cũng được hướng dẫn để theo những tập tục cổ truyền về Tết của người Việt mình, các anh chị cũng dẫn các cháu đi hội chợ Tết phải không ạ?

Minh Hoàng: Dạ đúng vậy, thật ra thì mấy đứa nhỏ này thì cũng chẳng biết Tết Việt Nam mình là gì. Nhưng mà khi nó lớn lên thì nó phải theo cha mẹ. Mỗi lần có chợ Tết thì nó cũng ra ngoài đó. Nó cũng biết đó là chợ Tết, Vietnamese market, Vietnamese Festival. Chợ Tết của mình thì nó thuộc về Tây nhiều hơn tại kiểu cách chơi trò chơi. Việt Nam mình theo cháu nhớ là hồi xưa đi chợ Tết thì lúc nào cũng có múa Lân đi vòng vòng rồi có những trò chơi như là bầu cua cá cọp hay trò chơi rút thăm gì đủ thứ hết, rồi lô tô. Mình cũng có gian hàng lô tô ở đây, nhưng nếu so với ở Việt Nam mình thì thay đổi cũng khác vì mình bây giờ cũng theo truyền thống của Úc phần nào, chứ không chuyên về truyền thống Việt Nam mình không. Rồi cũng bánđồ ăn như bên Việt Nam. Tết ở đây cũng không còn như Tết ở Việt Nam.

Mỗi lần lì xì thì tụi nó mừng lắm. Tụi nó kêu là Letter Lucky red pocket. Cả gia đình lì xì chung hết luôn. Mỗi lần kêu tên gia đình nào là con cái người đó ra rồi lì xì, bố má cháu trước, rồi tới ông anh, bà chị kế rồi xuống từ từ. Đó cho nên là cũng rất là vui.

Hưng Việt: Cuối cùng thì anh có những ước nguyện gì cho năm mới này không ?

Minh Hoàng: Cháu lúc nào cũng cầu nguyện thế giới này không còn Covid nữa. Tại vì vấn đề này xảy ra ảnh hưởng cả thế giới và ảnh hưởng rất nhiều người, mất vì căn bệnh này. Nên cháu cầu mong năm nay thì sẽ không còn Covid nữa, sống một cuộc sống bình thường như mọi năm vậy. Người nào cũng được an bình, và cũng mong rằng trên thế giới này thì không còn chiến tranh.

Cầu mong là bố má cháu lớn tuổi thì sống lâu trăm tuổi. Anh em trong gia đình thì người nào cũng sức khỏe dồi dào. Bây giờ muốn kiếm tiền mà không có sức cũng không được.

Hưng Việt: Ước nguyện mà cầu cho thế giới này thoát khỏi nạn dịch thì hầu như ai trong chúng ta cũng đều có ước mong đó hết. Chúng tôi xin thành thật cảm ơn anh Hoàng rất là nhiều. Kính chúc anh chị và các cháu cùng hai bác và các anh chị trong gia đình cùng toàn thể quý quyến được nhiều sức khỏe và bình an trong năm mới.

Minh Hoàng: Cháu cũng cám ơn chú và thính giả lắng nghe lời tâm sự của cháu về Tết ta của chúng ta. Cháu cũng có ước nguyện là tất cả mọi người sức khỏe dồi dào, sang năm Nhâm Dần này thì mọi người làm ăn phát tài, gia đình hòa thuận,  con cháu được ngoan ngoãn, việc làm tấn tới.

Theo quan niệm của người Việt ta, thì dù giàu hay nghèo, ai ai cũng cố gắng sắm sửa ba ngày Tết cho tươm tất. Tết đến thì việc về quê đoàn viên với gia đình, sắm sửa chuẩn bị rộn ràng trong mấy ngày Tết cũng là một trong những thú vui của mọi người. Cũng chính nhờ đó khiến cho không khí Tết khác hẳn những ngày thường cho dù Tết tha hương.

Mọi năm Tết ở chợ Inala, khu người Việt ở Brisbane này thường luôn tấp nập người mua kẻ bán, thậm chí trong những ngày cận Tết Woolworths cũng bày bán trái cây hoa quả theo cách thức của Tết Nguyên đán. Chưa kể là còn có một đội múa Lân nhảy múa vòng vòng các gian hàng trong siêu thị.

Để xem năm nay bà con mình đón Tết thế nào, bây giờ chúng tôi sẽ đưa quý thính giả dạo quanh một vòng chợ Inala.

Chợ Tết năm nay có vẻ không tấp nập như mọi năm. Thậm chí mấy hôm sát ngày đưa ông Táo, Inala còn đượm một không khí khá yên vắng.
Tiệm báo Inala Plaza News của ông Hứa Vĩnh Cơ tức Vinh
Tiệm báo Inala Plaza News của ông Hứa Vĩnh Cơ tức Vinh Source: Supplied
Chúng tôi hiện đang ghé thăm tiệm báo Inala Plaza News của ông Hứa Vĩnh Cơ tức Vinh.

Hưng Việt: Trước hết xin anh Vinh có thể cho biết tình hình buôn bán năm nay.

Vinh: Tại vì cái vụ Covid đó, nên khách hàng cũng đi shop ít lại. Người ta cũng tránh né đó nên buôn bán cũng hơi xuống. Không có giống mấy năm trước.

Có nhiều hãng xưởng công nhân bị hạn chế working nên hàng cung cấp hơi kẹt, có khi tới hơn 2 tuần, thì mình cũng phải chịu thôi, nó không chở tới thì mình phải cancel order của mình thôi, còn nếu người khách chờ được thì chờ.

Hưng Việt: Thưa anh, trong dịp Tết này bà con mình thường mua vé lotto hoặc scratchy để tặng cho bà con để mà cầu may năm mới đó, thì anh thấy lượng bán lotto và scatchy có tăng lên hay không ạ?

Vinh: Christmas hay New Year thì đại khái nó cũng giống như vậy. Nhưng năm nay khách hàng ít có lui tới thì cũng bán xuống hông như mấy năm trước đâu tại vì khách bây giờ vô mua xong người ta đi, người ta sợ. Anh dòm cái car park là anh thấy ít rồi

Hưng Việt: Chúng tôi thành thật cảm ơn anh Vinh rất nhiều. Kính chúc cơ sở thương mại của anh năm mới sẽ thành công phát tài và mọi điều may mắn nha.

Vinh: Thank you

Bây giờ chúng ta ghé sang tiệm vàng Bảo Bảo kiêm dịch vụ chuyển tiền về Việt Nam của ông Nguyễn Văn Hải để hỏi thăm về nhu cầu của đồng hương gởi tiền về Việt Nam giúp đỡ hay làm quà biếu cho bà con để mừng Tết năm nay.

Chúng tôi hiện đang tại tiệm vàng Bảo Bảo Inala, và tiếp chuyện chúng tôi là anh Trương Ngọc Lâm, quản lý của tiệm vàng Bảo Bảo.

Lâm: Xin chào quý thính giả của đài SBS, em tên Lâm, là đại diện cho tiệm gửi tiền của Bảo Bảo 

Hưng Việt: Trước hết xin em Lâm cho biết là so với các năm trước thì số lượng bà con gửi tiền về Việt Nam cho gia đình ở bển ăn Tết nhiều hơn hay ít hơn hay cũng same same như năm ngoái.

Lâm: Dạ theo em thấy thì hiện tại lượng khách cũng same same như năm ngoái, chỉ là khách ở đây gửi về nhiều khoản nhỏ khác hơn cho bà con ở Việt Nam có thể là để hỗ trợ cho dịch Covid vừa rồi.

Hưng Việt: Tức là số người thì bằng nhau nhưng số lượng gửi về nhiều chỗ hơn.

Lâm: Dạ

Hưng Việt: Cám ơn em Lâm và tiệm Bảo Bảo rất là nhiều nha. Kính chúc tiệm năm mới sẽ buôn bán phát tài thịnh vượng. Mọi sự như ý 

Lâm: Em cũng kính chúc cho quý thính giả đài SBS nhiều sức khỏe.
Tiệm Bảo Bảo (chủ nhân Nguyễn Văn Hải – áo đen - và đại diện Trương Ngọc Lâm)
Tiệm Bảo Bảo (chủ nhân Nguyễn Văn Hải – áo đen - và đại diện Trương Ngọc Lâm) Source: Supplied
Riêng về phần những đồng hương đi chợ Tết thì chúng tôi đã có tiếp xúc với anh Nhân Trần và anh Tiêu Tuấn Hiền khi hai anh vừa sắm Tết xong.

Trước hết là anh Nhân Trần…

Hưng Việt: Thưa anh, anh thường đi chợ Tết ở Inala này mỗi năm, năm nay anh thấy là không khí chợ Tết có tấp nập như mấy năm trước không hả anh?

Nhân Trần: Dạ, hình như là mình thấy giảm hơn mọi năm. Thứ nhất, bà con mình sợ về bệnh dịch Covid. Thứ hai nữa là tình hình kinh tế gia đình có thể thay đổi, cho nên bà con của mình đi ít hơn. Nhưng cái văn hóa và phong tục Tết vẫn còn nằm trong lòng của người Việt mình. Theo Nhân nghĩ thì vui Tết trong lòng của mọi người vẫn có nhưng mà nỗi lo lắng của bà con hiện tại là bệnh Covid nó làm cho mọi người có thể e ngại gặp nhau, thì cũng mong rằng cơn mây đen này kéo đến nhưng rồi nó sẽ tan và bà con mình sẽ sum họp lại như Tết mọi năm mà thôi.

Hưng Việt: Thưa anh cũng bởi đại dịch Covid này đó, cái vấn đề cung cấp hàng hóa có hơi bị trở ngại một chút, bởi vậy anh thấy hàng hóa cung cấp cho các cửa tiệm chợ Tết năm nay có đầy đủ hay thiếu sót gì nhiều không anh?

Nhân Trần: Nếu mà tính theo kiểu phong phú trước khi dịch đó, thì nó thiếu thốn rất nhiều. Nhưng nếu nói với tình hình hiện tại Covid, thì hàng hóa theo Nhân nghĩ đó vẫn đầy đủ không thiếu cái gì hết. Nhưng mà ăn thua là mình có chịu tốn kém chút xíu không, tại vì hàng hóa bây giờ hơi mắc hơn chút vì do Covid rồi những vật liệu nó tăng, rồi nhân viên thì giảm, mà bây giờ muốn hàng nhanh thì phải chịu chi phí hơi cao. Nhìn hội chợ Tết xung quanh thì anh cũng thấy bánh chưng rồi bông, rồi mứt… không có thiếu gì hết. Nhưng mà cái niềm vui của mình hơi bị hụt hẫng. Bà con hiện tại có người thì mất việc làm, có người thì mất cơ sở làm ăn, rồi thân nhân có thể là ở phương xa mất một vài người gì đó. Thành ra nỗi buồn đó thì họ vẫn còn, gánh lo âu thì họ vẫn có. Nhưng mà Nhân nghĩ chắc mọi người cũng nên gác cái phiền muộn đó qua một bên. Mình vui theo những giây phút hiện tại đi, rồi cuộc sống sẽ trở nên vui vẻ hơn. Như ông bài mình ngày xưa đó, cứ vui ba ngày Tết đi rồi tính sau.

Hưng Việt: Cám ơn anh Nhân Trần, xin kính chúc anh chị và gia quyến sang năm Nhâm Dần được mọi sự tốt đẹp và an khan thịnh vượng và nhất là bình an, mạnh khỏe.

Nhân Trần: Dạ cám ơn anh. Sẵn dịp đây em cũng chúc đài luôn luôn có sức khỏe và luôn luôn cũng phấn khởi vui vẻ như vầy để mà bà con có những tiếng nói trong cộng đồng và những người dân như vầy có tiếng nói để mà mình cùng nhau vui Tết. Xin cám ơn anh rất nhiều.Sau đó, anh Tiêu Tuấn Hiền cho biết những cảm nghĩ của anh về không khí chợ Tết năm nay như sau.

Tuấn Hiền: Trongmùa dịch thìảnh hưởng rất nhiều tất cả mọi ngành buôn bán. Nhưng mà cộng đồng người Việt mình, cùng các cửa hàng cố gắng buôn bán những thực phẩm Việt Nam, nhứt là trong mùa Tết. Thì cái đó cũng là một niềm vui cho cộng đồng người Việt mình cũng có nơi để mà mua sắm chuẩn bị đón một cái Tết Nguyên Đán cổ truyền của Việt Nam

Hưng Việt: Thay mặt cho thính giả, chúng tôi thành thật cám ơn anh Hiền và cháu rất là nhiều. Xin kính chúc anh chị, gia đình và thương nghiệp của anh sang năm mới được thành công thắng lợi và mọi sự như ý, nhứt là được bình an, mạnh khỏe

Tuấn Hiền: Dạ em cũng thay mặt cho gia đình gửi lời cảm ơn đến anh Việt, cũng như tất cả anh chị em trong đài SBS đã cho em cơ hội được nói lên những cảm nghĩ hiện tại tuy là ngắn ngủi nhưng mà đó cũng là tâm nguyện để mà nói lên những gì trong mùa đại dịch này. Em cũng chúc anh và gia đình cũng như tất cả các anh chị được nhiều sức khỏe, an lành và bình an. 

Và cuối cùng Hưng Việt và Mỹ Dung kính chúc toàn thế Ban quản trị và nhân viên chương trình Việt ngữ đài SBS cùng quý thính giả khắp nơi của chương trình một Năm Mới Nhâm Dần An Khang, Thịnh Vượng và tràn đầy Hạnh Phúc.

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Quang cảnh vài cửa hàng chợ Tết Inala 2022
Quang cảnh vài cửa hàng chợ Tết Inala 2022 Source: Supplied



Share