Suy thoái kinh tế vì COVID tại Úc có thể ảnh hưởng lên nữ giới suốt đời

Early education workers rallying before the pandemic hit

Early education workers rallying for fair pay even before the pandemic hit Source: AAP

Phúc trình của Viện Grattan nói mặc dù kinh tế phục hồi nhanh hơn dự kiến, đã giúp thay đổi phần nào sự bất lợi của nữ giới, nhưng tỉ lệ thất nghiệp vẫn còn cao và mức lương của họ vẫn quá thấp.


Bà Sandra Bell là giám đốc một trung tâm chăm sóc trẻ em Randwick Open Care for Kids, tại Đông Nam Sydney. Cô đã làm việc tại đây 41 năm.  

Bà đã là một người bà của đứa cháu 18 tuổi, và năm 2020 khiến cuộc sống của bà trải qua nhiều thử thách.

‘Không dễ dàng chút nào. Nhất là đối với nữ giới, COVID đã khiến gánh nặng càng nặng thêm và khiến mọi thứ trở nên khó khăn hơn.’

Bà Bell làm việc trong lĩnh vực mà nhân viên nữ chiếm ưu thế, và cũng là một trong những lĩnh vực trả lương thấp nhất.

‘Tôi đã 73 tuổi, tôi rất muốn về hưu vào cuối năm nay nhưng vẫn không thể được, tôi còn món nợ tiền nhà phải trả và tôi là người mẹ đơn thân suốt 30 năm qua.’

Bà Helen Gibbons, thuộc Công Đoàn nói nhân viên trong lĩnh vực chăm sóc trẻ em bị ảnh hưởng nặng nề nhất.

‘Các cô giáo mầm non chỉ được nhận nửa chừng tiền lương JobKeeper. Họ không thuộc nhóm nhận được các dịch vụ hỗ trợ của chính phủ, họ cũng không được làm việc lâu dài. Người ta muốn họ đi làm mỗi ngày bởi vì công việc của họ thật sự ý nghĩa đối với cộng đồng trong thời điểm dịch bệnh. Nhưng họ được cho làm ít giờ hơn và không bảo đảm sẽ được giữ lại làm việc lâu dài. Tất cả những điều đó cộng thêm sự lo ngại về sức khỏe và an toàn khi phải đi làm hàng ngày, và khó có thể giữ khoảng cách an toàn với đồng nghiệp.’

 Bà nói phụ nữ chiếm 96% lực lượng lao động nhận mức lương thấp.

‘Họ phải tìm cách chăm lo công việc gia đình, như bất cứ người nào khác, và điều này khiến họ giảm ngày làm, giảm giờ làm, để có thời gian chăm sóc và dạy dỗ con cái, bên cạnh đó chăm sóc và dạy dỗ những đứa bé khác ở nhà trẻ’.

Một phúc trình mới cho biết dịch bệnh đã khiến gánh nặng của người phụ nữ tăng thêm gấp ba lần.

Theo các chuyên gia kinh tế thuộc Viện Grattan, vào đỉnh điểm của đại dịch, 8% phụ nữ bị mất việc, trong khi đó tỉ lệ này ở nam giới là 4%.

Ngoài ra họ còn phải gánh chịu những trách nhiệm khác mà không được trả lương, như theo dõi việc học ở nhà của con. Trung bình mỗi người phụ nữ gánh chịu thêm một tiếng đồng hồ làm việc không lương mỗi ngày nhiều hơn so với nam giới.

Và chính phủ cũng không hỗ trợ họ.

Chương trình JobKeeper không trả lương cho những người làm việc công nhật ngắn hạn – mà số này phần lớn là phụ nữ, họ là lao động thuộc những lĩnh vực bị đại dịch tàn phá nặng nề nhất.

Giám đốc điều hành Viện Grattan bà Danielle Wood nói sự suy thoái do COVID gây ra là chưa từng có

‘Khủng hoảng y tế đã khiến chính phủ phải phong tỏa nhiều vùng, chúng tôi thấy các lĩnh vực thuộc về dịch vụ là bị tàn phá nặng nề nhất -  chẳng hạn lĩnh vực chăm sóc tại bệnh viện, lĩnh vực nghệ thuật, du lịch, giáo dục. Mà những nơi này nhân viên nữ chiếm phần lớn. Mặt khác các trường học chuyển sang học từ nhà, vài trung tâm giữ trẻ đóng cửa tại Victoria, khiến gánh nặng chăm sóc con cái không được trả lương càng đặt nặng lên vai người phụ nữ’.

Chưa nói đến 1 triệu người làm cha mẹ đơn thân tại Úc còn bị ảnh hưởng tồi tệ hơn.

Bà Danielle Wood nói trong số đó có tới 80% là phụ nữ.

‘Vào đỉnh điểm của sự phong tỏa, họ bị giảm giờ làm đến 30% so với trước khi dịch bệnh xảy ra. Hiện nay đã phục hồi đôi chút nhưng nhóm này vẫn nhận được ít giờ làm hơn trước đến 10%. Vì vậy khi chúng ta nhìn thấy một nhóm người vốn đã bị bất lợi về tài chánh, còn phải gặp thách thức về công ăn việc làm, thì quả là một điều đáng lo lắng.’

Phúc trình có nhiều điểm tương tự với biện pháp mà Lao Động tiết lộ, nhằm giúp thu hẹp khoảng cách về lương bổng giữa nam và nữ tại Úc.

Kế hoạch của Lao Động có bốn điểm then chốt, bao gồm tăng cường sự minh bạch về việc trả lương tại công ty, cũng như thúc đẩy những biện pháp hỗ trợ cho các lĩnh vực nghề nghiệp có đông người lao động là nữ giới.

Thủ lãnh Lao động Anthony Albanese nói những lực lượng lao động này đã cứu nước Úc trong dịch bệnh.

‘Nếu bạn nhìn vào những lĩnh vực như chăm sóc trẻ em hay chăm sóc cao niên, và các dịch vụ khác có nhiều phụ nữ làm việc, thì chúng đều là những lĩnh vực được trả lương thấp. Tại sao lại như vậy?  Trong khi đó là những công việc mà nước Úc phải dựa vào thì mới có thể vượt qua dịch bệnh. Khi thoát khỏi đại dịch này rồi, chúng ta cần phải nhận diện những biện pháp khiến nước Úc mạnh mẽ hơn. Và một trong những biện pháp đó là cần phải xét lại về những nhân viên thuộc các nghề nghiệp nói trên.’

Nếu không có sự thay đổi nào xảy ra thì cảnh báo là ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ vẫn còn kéo dài trong tương lai, cho những ai bị tổn thương về tài chánh đang chật vật phục hồi từ cú shock COVID-19.

Share