Du học ở Úc (137) Tăng cơ hội nghề nghiệp sau khi ra trường

What make you more employable?

What make you more employable? Source: Pixabay

Theo bảng xếp hạng QS Graduate Employability Rankings 2017, sinh viên tốt nghiệp từ Đại học Sydney có cơ hội việc làm cao nhất ở Úc, và cao thứ 4 so với các đại học trên toàn thế giới.


Bảng xếp hạng này được thực hiện sau khảo sát với 37 ngàn nhà tuyển dụng, 21 ngàn nhân viên đang làm việc ở nhiều vị trí khác nhau trên toàn thế giới. Bảng xếp hạng dựa trên 3 yếu tố:

  1. hình ảnh, danh tiếng của các trường đại học này trong thị trường lao động
  2. mức độ kết nối với các nhà tuyển dụng
  3. chất lượng các công việc mà sinh viên trường đó đảm nhận.
Karen Cavanaugh, Giám đốc phát triển nghề nghiệp trung tâm việc làm, ĐH Sydney cho biết:“Nhà tuyển dụng đánh giá cao những sinh viên nào có thể chứng tỏ cho họ thấy họ có những kỹ năng nghề nghiệp có thể áp dụng được vào thực tế, ví dụ như kỹ năng giao tiếp tốt, khả năng hợp tác và thích ứng với môi trường mới”.

Dưới đây là những thứ giúp bạn chuẩn bị tốt nhất cho việc tìm kiếm công việc tương lai của mình do Đại học Sydney gợi ý:

Tham dự các hội chợ việc làm. Tại đó, sinh viên sẽ có cơ hội kết nối với những nhà tuyển dụng hàng đầu tại Úc và quốc tế. Đó là dịp để bạn đặt câu hỏi cho họ về những gì mà mình thắc mắc, đồng thời cũng để bạn gặp gỡ và biết thêm về các đối thủ cạnh tranh của mình, họ là ai, có những điểm mạnh điểm yếu thế nào…

Karen Cavanaugh cho biết:“Chúng tôi khuyến khích các sinh viên xây dựng những kỹ năng mà các nhà tuyển dụng tìm kiếm và phải có bằng chứng rõ ràng cho những kỹ năng đó ngay từ năm đầu tiên bằng cách tham gia vào những hoạt động ngoại khóa của các câu lạc bộ ở trường”.

Với sinh viên ở từng ngành học khác nhau thì trường cũng có những chương trình riêng, ví dụ như với sinh viên ngành Kiến trúc, Thiết kế thì có Tin Shed’s Gallery - một không gian triển lãm đương đại, là nơi mà các sinh viên có thể trưng bày các tác phẩm của họ với những kiến trúc sư, những nhà thiết kế đang hoạt động trong lĩnh vực của họ. Nó cũng tạo cơ hội để các sinh viên trao đổi và tranh luận với những người trong ngành thông qua việc thực hiện các triển lãm được nghiên cứu bài bản, sản xuất các ấn phẩm và các hoạt động có liên quan.

Với sinh viên ngành luật thì có Social Justice Program, trong đó, nhà trường phối hợp với các trung tâm trợ giúp pháp lý dành cho cộng đồng cũng như các công ty luật, tạo điều kiện cho các sinh viên thu thập kinh nghiệm thực tế thông qua những hoạt động có ý nghĩa cho cộng đồng.

Như vậy thì như các bạn đã thấy, dù bạn học ngành nào thì cũng đều cần có những chương trình tạo điều kiện cho các bạn thực hành, trình bày những sản phẩm, công trình thực tế và những kỹ năng của mình để tiếp cận các nhà tuyển dụng bằng cách này hay cách khác.

Cũng theo đại học Sydney, 6 cách để tìm và giữ được một công việc tốt:

Thứ nhất: Thái độ và đam mê với công việc chính là yếu tố quyết định. Cụ thể, nhà tuyển dụng muốn biết bạn có tư duy phát triển hay không? Bạn có thành thật nhìn nhận những điểm mạnh và điểm yếu của mình hay không? Có sẵn sàng học hỏi cái mới từ người khác, đồng thời chia sẻ hiểu biết của mình cho người khác hay không.

Giải thích lý do đặt thái độ và đam mê công việc lên hàng đầu trong các tiêu chí tuyển dụng, Theodora Chan, cựu sinh viên Đại học Sydney, hiện là đồng sáng lập một công ty truyền thông cho biết: “Tôi có thể dạy cho nhân viên những kiến thức và kỹ năng liên quan đến công việc, dạy họ cách sử dụng các hệ thống và quy trình khác nhau. Nhưng điều tôi không thể trang bị cho họ chính là tinh thần sẵn sàng học hỏi, một thái độ khiêm tốn, tinh thần kỷ luật”.

Thứ hai: Tham gia vào các hoạt động ngoại khóa. Chỉ dựa vào bằng cấp của bạn thôi thì chưa bao giờ là đủ. Edward Ovadia, cựu sinh viên ngành Arts – người đã gặt hái được thành công trong sự nghiệp báo chí của mình nhận xét: “Ngày càng khó để trở nên nổi bật giữa một rừng ứng viên, vì thế, chỉ cạnh tranh dựa trên một tấm bằng không bao giờ là đủ. Ngoài bằng cấp, bạn phải tham gia vào những hoạt động ngoại khóa, học hỏi các kỹ năng mềm, có nhiều trải nghiệm, đó mới chính là những thứ giúp bạn trở nên khác biệt”.

Thứ ba: Ngoài phạm vi trường học, bạn cần có những việc làm thêm, các việc làm tình nguyện, hay đơn giản là những buổi họp mặt. Bạn cần được kết nối với những người như là mentor của mình, tạm gọi là những người đi trước có thể chia sẻ kinh nghiệm cho bạn. Đó có thể là những người đang làm việc tại các công ty mà bạn đang nhắm đến.

Theodora Chan cho biết: “Có rất nhiều thứ tôi ước gì mình đã biết trước ngay khi bắt đầu sự nghiệp. Có quá nhiều quyết định sai lầm mà tôi hoàn toàn có thể đã tránh được nếu như được hướng dẫn từ một người giàu kinh nghiệm. Đó là những người đã phạm sai lầm như tôi, học từ sai lầm đó”.
Thứ tư: Mở rộng kỹ năng, sẵn sàng thích ứng. Bên cạnh kỹ năng chuyên môn, các nhà tuyển dụng ngày nay tìm kiếm ứng viên có nhiều kỹ năng khác để hỗ trợ, ví dụ như có quan hệ tốt, biết cách kể chuyện, có khả năng lãnh đạo, quản lý sự thay đổi…

Ngoài ra, các vị trí cũng ngày càng đòi hỏi ứng viên phải cùng lúc có nhiều kỹ năng khác nhau. Theodora Chan lấy ví dụ như một nhân viên digital ở công ty cô cũng phải biết viết lách, dùng các phần mềm như Photoshop, biên tập video, quản lý các kênh truyền thông xã hội và code HTML…

Thứ năm: Giữ gìn các mối quan hệ bạn có được ở trường đại học. Những người học cùng khóa, cùng ngành với nhau, sẽ có nhiều cơ hội hợp tác với nhau trong công việc sau này. Ví dụ như các bạn bè cùng học với Chan, giờ đây là giám đốc Marketing của các nhãn hàng, số khác lại là biên tập viên uy tín của các tờ báo. Đó là những người hỗ trợ tốt nhất cho công việc kinh doanh của một công ty marketing như của Chan.

Thứ 6: Biến công việc của bạn thành “sự nghiệp”, nghĩa là không chỉ hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Với một “sự nghiệp”, bạn cần có đủ sự dũng cảm và tự tin để đưa ra những gợi ý về chiến lược và hành động, chủ động sáng tạo để tìm ra giải pháp cho các vấn đề mà không cần người khác phải nhắc nhở hay yêu cầu.

 

 


Share