Khủng hoảng ở Congo bắt nguồn từ đâu?

Chiến tranh ở Cộng hòa Dân chủ Congo đã bùng nổ, một lần nữa nó trở thành tiêu đề toàn cầu sau khi phiến quân được Rwanda hậu thuẫn chiếm giữ thành phố Goma ở phía đông. Nhưng chu kỳ bạo lực kéo dài này ở Congo bắt nguồn từ đâu và sẽ đi về đâu?


Cộng hòa Dân chủ Congo là một quốc gia mà tên gọi đã trở thành đồng nghĩa với xung đột, nghèo đói và bóc lột.

Quốc gia Trung Phi này là quốc gia lớn thứ hai ở châu lục - có diện tích tương đương Tây Âu - và cực kỳ giàu khoáng sản quan trọng, thiết yếu đối với các thiết bị điện tử hiện đại, bao gồm cả máy tính xách tay hoặc điện thoại thông minh của bạn.

Mặc dù vậy, đây vẫn là một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới.

Và giờ đây, một cuộc xung đột kéo dài ở khu vực phía đông của quốc gia này đã lên đến đỉnh điểm mới...

Tuần này, nhóm phiến quân M23 được Rwanda hậu thuẫn đã chiếm giữ thành phố Goma ở phía đông, làm leo thang một cuộc khủng hoảng nhân đạo trên diện rộng.

"Hiện có 6 triệu người phải di dời ở miền Đông Congo. Đây là một thảm họa nhân đạo, trong đó khoảng 2 triệu người bị ảnh hưởng trực tiếp bởi xung đột với nhóm vũ trang M23. Họ không biết sẽ tìm thức ăn, nước uống hay chăm sóc y tế ở đâu. Họ cũng không biết ngày mai sẽ ra sao. Khu vực này bị quân sự hóa nghiêm trọng, súng ống có mặt ở khắp nơi. Một thế hệ người Congo đã sống trong hoàn cảnh bấp bênh như vậy suốt 29 năm qua, chỉ biết đến chiến tranh và bất ổn."]]

Đó là lời của Jason Stearns, Phó Giáo sư tại Đại học Simon Fraser và Giám đốc Nhóm Nghiên cứu về Congo tại Đại học New York.

Nhưng vòng xoáy bạo lực ở Congo bắt đầu từ đâu?

"Thực ra, nó bắt nguồn từ thời kỳ thuộc địa. Congo từng trải qua một giai đoạn thuộc địa vô cùng tàn bạo, ban đầu là tài sản riêng của Vua Bỉ Leopold II, sau đó được chuyển giao cho chính phủ Bỉ. Những chính quyền này đã tạo ra một hệ thống mà nhà nước đứng tách biệt và không chịu trách nhiệm trước người dân, thay vào đó chỉ khai thác và bóc lột họ. Giai đoạn hậu thuộc địa cũng không khá hơn. Chỉ trong vòng sáu tháng sau khi giành độc lập, Thủ tướng đầu tiên của Congo đã bị ám sát với sự tiếp tay của Bỉ và Mỹ."

Sau khi giành độc lập vào năm 1960, Congo tiếp tục chịu đựng ba thập kỷ dưới chế độ độc tài của Tổng thống Mobutu Sese Seko. Điều này dẫn đến Chiến tranh Congo lần thứ nhất vào năm 1996, khi một liên minh các nước châu Phi, trong đó có Rwanda, cùng nhau lật đổ ông. Một lãnh đạo mới được Rwanda và Uganda đưa lên cầm quyền, nhưng sau đó ông này nhanh chóng mất sự ủng hộ từ hai nước này, dẫn đến việc các nước láng giềng của Congo tiếp tục hậu thuẫn các nhóm nổi dậy nhằm chiếm thành phố Goma vào năm 1998, mở màn cho Chiến tranh Congo lần thứ hai kéo dài suốt năm năm.

Cuộc xung đột này đã khiến hơn 5,4 triệu người thiệt mạng.

Và giờ đây, sau ba năm nổi dậy, nhóm M23 – được Rwanda hậu thuẫn – lại một lần nữa chiếm giữ thành phố Goma.

"Những gì đang diễn ra với cuộc nổi dậy của M23 và sự thất thủ của Goma thực chất chỉ là một phần trong chuỗi xung đột kéo dài giữa nước láng giềng nhỏ bé của Congo là Rwanda và Congo. Một lần nữa, Goma lại rơi vào tay phe nổi dậy do Rwanda hậu thuẫn. Đối với nhiều người dân Goma, đây là cảnh tượng lặp đi lặp lại. Đây đã là lần thứ năm chuyện này xảy ra."

Mặc dù chính phủ Rwanda nhiều lần phủ nhận mối liên hệ với phong trào M23, nhưng nhóm này thực chất phát triển từ những lực lượng nổi dậy trước đây vốn được Rwanda hậu thuẫn. Các chuyên gia Liên Hợp Quốc cũng cho biết đã phát hiện sự hiện diện của quân đội Rwanda hỗ trợ các nhóm nổi dậy trong khu vực.

Với việc lực lượng này hiện kiểm soát Goma – thành phố có 1,5 triệu dân – thế giới đang dần chú ý đến cuộc xung đột vốn lâu nay bị lãng quên này.

"Việc để dư luận quốc tế tập trung vào mình sẽ gây bất lợi cho Rwanda, nên hầu hết mọi người đều nghĩ rằng họ sẽ không chấp nhận rủi ro bị phản ứng dữ dội. Khi chuyện này xảy ra vào năm 2012, Rwanda đã bị đình chỉ viện trợ trị giá 204 triệu Mỹ kim. Rwanda là một quốc gia nhỏ phụ thuộc vào viện trợ. Ngoài ra, nước này còn rất chú trọng đến hình ảnh quốc tế. Cụm từ “Visit Rwanda” xuất hiện trên áo đấu của Arsenal ở Anh và Paris Saint-Germain ở Pháp. Nhưng có lẽ qua ba năm cuộc nổi dậy này, Rwanda đã nhận ra rằng thực tế chẳng ai lên án họ cả. Mọi người đều đang chú ý đến những vấn đề khác như xung đột ở Gaza hay Ukraine. Không ai thực sự quan tâm đến điều này."

Nhưng động cơ của Rwanda khi ủng hộ những phiến quân này là gì và họ sẽ đạt được lợi ích gì khi kiểm soát lãnh thổ ở miền đông Congo?

Trước hết, Cộng hòa Dân chủ Congo nằm trên một vùng đất giàu khoáng sản quan trọng bao gồm thiếc, coban, tantal và - có lẽ quan trọng nhất - vàng.

"Khoảng một thập kỷ trước, giá vàng thế giới tăng mạnh và tiếp tục tăng, trong khi Congo bắt đầu sản xuất nhiều vàng hơn. Ngân sách quốc gia của Rwanda chỉ khoảng 3,5 tỷ USD, nền kinh tế của nước này khá nhỏ, không có nhiều tài nguyên. Nhưng chỉ riêng năm ngoái, Rwanda đã xuất khẩu hơn 1 tỷ USD vàng và các khoáng sản khác, chủ yếu là vàng. Chúng ta không biết chính xác con số, nhưng ước tính phần lớn số vàng này đến từ miền Đông Congo. Tất cả đều được vận chuyển từ Rwanda sang Dubai."

Trong khi đó, hàng triệu người dân Congo vẫn tiếp tục chịu đựng đau khổ.

"Đây không phải là một cuộc chiến mà những cái chết xảy ra trên chiến trường hay trong chiến hào. Rất nhiều cái chết diễn ra trong những hoàn cảnh tưởng chừng như tầm thường: người dân phải rời bỏ nhà cửa, không còn nguồn nước sạch, mắc bệnh do nguồn nước ô nhiễm, và trẻ em yếu ớt chết vì tiêu chảy hoặc viêm phổi. Chỉ vì những cái chết này không gây chấn động như bom đạn không có nghĩa là chúng kém bi thảm hơn. Đã có hàng nghìn, thậm chí hàng chục nghìn người chết vì hậu quả nhân đạo của cuộc xung đột này."

Vậy cuộc chiến này sẽ đi về đâu?

Giáo sư Stearns cảnh báo rằng nếu cộng đồng quốc tế không can thiệp để ngăn chặn cuộc nổi dậy này cũng như vai trò của Rwanda trong cuộc tắm máu, thì chiến tranh và đau khổ ở Congo sẽ tiếp diễn.

"Có những người ở Rwanda công khai ủng hộ việc sáp nhập lãnh thổ, nhưng chính phủ nước này chưa bao giờ tuyên bố như vậy. Hiện tại, khả năng đó chưa xảy ra. Nhưng Rwanda có cách tiếp cận rất đặc trưng: họ tiến từng bước nhỏ, đánh giá tình hình, và nếu không gặp phải sự kháng cự nào, họ sẽ tiếp tục lấn tới. Nếu cộng đồng quốc tế vẫn tiếp tục thờ ơ, thì có thể chúng ta sẽ thấy kịch bản đó trở thành hiện thực."

Đồng hành cùng chúng tôi tại  và cập nhật tin tức ở Nghe SBS Tiếng Việt trên ứng dụng miễn phí SBS Audio, tải về từ  hay

Share