Ánh mặt trời đầu tiên của ngày chiếu xuống hòn đảo Lesbos, và soi rõ nhóm người tị nạn cuối cùng đi vào khu trại mới.
Họ sử dụng bất kỳ miếng vải nào có thể để bọc vài món đồ dùng ít ỏi.
Sau khi trại tị nạn trên đảo bị cháy, hàng ngàn gia đình phải sống cảnh màn trời chiếu đất ngay trên đường phố trong nhiều tuần qua.
Giấc ngủ của họ bị gián đoạn bởi tiếng còi của cảnh sát, và giới chức mặc trang phục chống bạo loạn.
Người đàn ông này cho biết họ không còn bất kỳ sự lựa chọn nào khác ngoài việc phải chuyển chỗ ở, và tương lai đối với họ càng bất định hơn bao giờ hết.
‘Tôi đã sống ở đây một năm rưỡi. Nhưng giờ thì phải đi vào trại tập trung. Tôi không biết mình sẽ còn phải ở đây bao lâu nữa – một năm, hai năm hay ba năm, nếu vẫn ở mãi trong trại thì quả là một vấn đề cho cuộc sống của tôi.’
Hơn 12,000 người bị mất nhà cửa khi trại tị nạn Moria, vốn nổi tiếng với những vụ phá hoại, bị cố tình đốt cháy và thiêu hủy toàn bộ.
Trước đó vài chục người trong trại đã bị xét nghiệm dương tính với coronavirus và phải cách ly.
Giờ đây tất cả người tị nạn đang sống trong trại Moria buộc phải chuyển đến một khu trại mới dựng lên, nằm ở cuối đường thuộc vùng Mavrovouni.
Ông Douglas Herman, thuộc tổ chức ReFOCUS Media Labs, là người chuyên huấn luyện những người tị nạn ở đảo Lesbos trở thành những nhà báo công dân.
Ông có mặt tại trại Moria khi những người tị nạn ở đây chuẩn bị rời đi.
‘Phía sau lưng tôi là những người tị nạn đang thu dọn hành lý. Họ phải đứng trước một sự lựa chọn nghiệt ngã. Hoặc họ đi vào khu trại mới gần đây, và biết rằng mình có thể sẽ bị giam giữ lâu dài ở trong đó, sau khi đã trải qua 14 ngày cách ly. Hoặc họ tiếp tục sống lang thang trong rừng, hay trên đường phố cho đến khi nào cảnh sát tới áp giải họ đi vào trại.’
Những di dân mới đến hầu hết là người Phi Châu, Afghanistan và Syria. Họ đã phải chờ đợi rất lâu để được đi vào ở trong khu trại trên đảo.
Họ bị lục soát toàn thân và làm xét nghiệm virus, nhằm ngăn ngừa sự lây nhiễm lan rộng thêm nữa trong trại tị nạn.
Bộ trưởng Di trú Hy Lạp, ông Notis Mitarachis nói những người tị nạn bị nhiễm virus sẽ được chăm sóc.
‘Cho tới nay đã có 135 người bị dương tính với virus, họ được cách ly tại một khu vực đặc biệt và được nhận sự hỗ trợ y khoa thích hợp. Các hòn đảo của Hy Lạp và bản thân nước chúng tôi trong năm năm qua đã gánh lấy áp lực di dân cho toàn bộ Âu Châu. Điều quan trọng nhất lúc này là Âu Châu phải thể hiện sự đoàn kết với chúng tôi, để giúp giảm bớt áp lực tại các hòn đảo của Hy Lạp kéo dài suốt năm năm qua.’
Bản thân dịch bệnh coronavirus không phải là một vấn đề lớn lao, nếu so sánh với điều kiện sống tệ hại được ghi nhận trong khu trại mới.
‘Nhiều người đã vào ở và gọi điện thoại cho chúng tôi nói rằng, ở đó rất tệ, không có toilet, không có điện, không có nước uống và nước để tắm rửa.’
Nhiều người chờ đợi hàng năm trời tại đảo Lesbos, cho đến khi yêu cầu tầm trú của họ được xét duyệt, để rồi phải tuyệt vọng rời khỏi hòn đảo.
Nhiều quốc gia thành viên EU đã đồng ý nhận tất cả trẻ em vị thành niên không có người lớn đi kèm đang sống trên đảo Lesbos, nhưng chính phủ Hy Lạp nói trại tị nạn này là sự lựa chọn duy nhất của rất nhiều người khác nữa.