Kêu gọi Úc sử dụng tài năng của người tị nạn trong quá trình phục hồi hậu COVID

Talar Hagob fled war-torn Syria with her family and now lives in Sydney.

Talar Hagob fled war-torn Syria with her family and now lives in Sydney. Source: SBS

Nhiều người kêu gọi nước Úc hãy nhìn nhận 70 triệu người tị nạn trên thế giới là ‘nguồn nhân lực đầy tài năng’. Một người từng là tị nạn nói những kỹ năng mềm và nhân tài trong số người tị nạn có thể giúp nước Úc vượt qua khủng hoảng.


Khi Úc dần phục hồi từ đại dịch Covid-19, ông Nirary Dacho thúc giục nước Úc đừng quên một nguồn nhân lực tài năng gồm khoảng 70 triệu người tị nạn.

Ông Dacho đào thoát khỏi Syria và tới Sydney năm 2015. Ông nói nước Úc không nên tránh né trách nhiệm đối với người tị nạn sau đại dịch, và ông nói thêm rằng người tị nạn có thể đóng một vai trò quan trọng trong quá trình khôi phục kinh tế cho quốc gia.

Ông Dacho nói khi mọi thứ được an toàn, chính phủ liên bang nên xem xét tăng số lượng người tị nạn vào Úc, nếu họ có những kỹ năng có thể sử dụng trong giai đoạn phục hồi và hậu phục hồi.

Cao Ủy Tị nạn Liên Hiệp quốc UNHCR tung ra phúc trình thường niên mang tên Xu hướng Toàn cầu hồi tháng Sáu năm ngoái, cho biết tới cuối năm 2018, toàn thế giới có 70.8 triệu người bị buộc phải rời bỏ nhà cửa và quê hương cố quốc.

Hơn 41 triệu người trong số đó đang lưu lạc trên khắp thế giới và hơn 25 triệu người được công nhận là người tị nạn.

Chương trình di dân nhân đạo Úc mỗi năm nhận 18,750 người tị nạn và các trường hợp nhân đạo khác.

Ông Dacho đến Úc trong đợt Úc nhận một lần duy nhất 12,000 người Syria và Iraq, dưới thời chính phủ Abbott năm 2015.

Sau đó, ông đồng sáng lập tổ chức Refugee Talent, là một trang mạng chuyên kết nối người tị nạn với các cơ hội việc làm.

Việc kinh doanh này của ông đã giúp ông lọt vào danh sách 30 doanh nhân dưới 30 tuổi thành công nhất do quỹ Ford bầu chọn, tại khu vực Á châu - Thái Bình Dương năm 2017.

Tuy nhiên ông Dacho nói vẫn còn tồn tại nhiều rào cản, để có thể nhận ra tiềm năng thực sự của người tị nạn đóng góp cho kinh tế Úc.

Cô Talar Hagob cũng đã chạy trốn khỏi Syria với gia đình, nay cô sống ở Sydney.

Cô gái 24 tuổi đến từ thành phố Aleppo, một trong những nơi bị chiến tranh tàn phá kinh khủng nhất.

Từ khi đặt chân đến Úc vào ba năm trước, cô Hagob đã theo đuổi các vị trí thiết kế đồ họa, cô tìm việc làm thông qua trang mạng Refugee Talent. Tuy nhiên hiện nay cô làm việc tại văn phòng Cao ủy Tị nạn Liên Hiệp Quốc của Úc đặt tại Sydney.

Cô đang theo học thiết kế kiến ​​trúc tại một trường đại học.

Cô Hagob nói cô vẫn còn gia đình ở Trung Đông đang chờ đợi trong tuyệt vọng, vì vậy cô thật sự lo lắng cho họ, cũng như cô lo ngại về những hiểu lầm của người Úc đối với người tị nạn.

Tổng trưởng Ngân khố Josh Frydenberg hồi đấu tháng xác nhận kinh tế Úc đang trên đường suy thoái, phúc trình do Tổ chức Hợp tác Kinh tế và Phát triển cho biết kinh tế Úc có thể thu nhỏ thêm 6.3% nếu xảy ra đợt nhiễm coronavirus lần thứ hai.

Phó giáo sư Betina Szkudlarek, thuộc khoa Kinh doanh trường Đại học Sydney nói những người tị nạn mới đến Úc và những người tị nạn đang bơ vơ trên thế giới có thể đóng vai trò quan trọng trong việc khôi phục kinh tế Úc.

Phó giáo sư Szkudlarek nói nhiều nghiên cứu cho biết mặc dù người tị nạn thường khó gia nhập vào thị trường việc làm, nhưng họ lại thành công trong việc tự thành lập doanh nghiệp và trở thành những doanh nhân tuyệt vời.

Cô nói có rất nhiều ví dụ trên thế giới về những công ty thành công nhất đều do người tị nạn lập ra.

Trang mạng của Quốc hội Liên bang Úc viết "Úc đã tham gia vào chương trình tái định cư UNHCR từ năm 1977 và liên tục được xếp hạng là một trong ba quốc gia tái định cư hàng đầu trên thế giới."

Dưới sự điều hành của chính phủ hiện tại, chương trình di dân nhân đạo hàng năm của Úc nay tăng từ 13.750 người lên 18.750 người một năm.

Share