Năm nay đánh dấu 6 thập niên nhân loại bắt đầu hành trình khám phá vũ trụ, còn được gọi là thành trì cuối cùng.
Vào ngày 12/4/1961, phi hành gia người Nga Yuri Gagarin trở thành người đầu tiên đi vào vũ trụ.
Ông Gagarin trở thành một biểu tượng người hùng của toàn Liên bang Xô viết lúc đó, và là một biểu tượng cho sức mạnh của chính phủ Liên Xô.
Từ một điểm trên quỹ đạo trong vòng 100 phút, tin tức liên tiếp cho hay ông Gagarin mô tả những gì nhìn thấy trước mắt mà trước đây loài người chưa từng thấy.
‘Trái đất như một màu xanh lam mỏng manh, lơ lửng trên bầu trời đen. Người đầu tiên đi vào không gian, Thiếu tá Yuri Gagarin đã nói sau chuyến hành trình tuyệt vời kéo dài 108 phút. Một sĩ quan Không quân Liên Xô 27 tuổi mà cái tên của anh sẽ đi vào lịch sử.’
Còn 55 năm trước, chinh phục mặt trăng trở thành thành tựu tiếp theo, vào ngày 3/2/1966, phi thuyền Luna 9 của Liên Xô đã hạ cánh trên mặt trăng và truyền những hình ảnh đầu tiên về bề mặt của mặt trăng về cho trái đất.
Sáu tháng sau đó, ngày 10/8/1966, chiếc phi thuyền không người lái Lunar Orbiter 1 NASA trở thành phi thuyền đầu tiên do Mỹ sản xuất bay quanh mặt trăng.
‘Nhiệm vụ quan trọng của vệ tinh này là chụp hình những khu vực có thể đặt chân lên được của mặt trăng cho các phi hành gia Mỹ. Các hình ảnh được lưu trữ sẽ được gởi đi bằng tín hiệu điện tử.’
Sau đó, vào đúng 50 năm trước, NASA đã phóng chiếc phi thuyền Apollo 14, sứ mệnh thứ ba chinh phục mặt trăng của Mỹ.
Apollo 14 là sứ mệnh không gian quay trở lại mặt trăng đầu tiên, sau lần phi thuyền Apollo 13 bị nổ tung trong không gian.
Vào tháng 4/1971, Liên Xô phát triển trạm vũ trụ Salyut 1, đây là trạm vũ trụ đầu tiên của trái đất và là tiền thân của Trạm Không gian Quốc tế ISS.
Đến 45 năm trước, mục tiêu chuyển qua Hỏa Tinh, khi NASA thành công đưa phi thuyền Viking 1 hạ cánh trên bề mặt của hành tinh này. Sau đó phi thuyền này đã sử dụng cánh tay rô bốt để lấy được mẫu đất đầu tiên của sao Hỏa.
Nhưng phải đến cuối năm đó nước Mỹ mới tiết lộ phát kiến mới nhất của mình trong cuộc đua thám hiểm vũ trụ. Không giống như bất kỳ phi thuyền nào trước đó, phi thuyền con thoi Shuttle được thiết kế để có thể tái sử dụng nhiều lần, giảm bớt chi phí chinh phục vũ trụ khổng lồ.
‘Chuyến bay vào quỹ đạo đầu tiên của phi thuyền con thoi được lên kế hoạch vào tháng 3/1979. Sau khi được phóng lên từ Mũi Canaveral bằng hai hỏa tiễn tái sử dụng nhiên liệu rắn và ba hỏa tiễn sử dụng nhiên liệu lỏng, phi thuyền con thoi, nặng hơn 100 tấn, sẽ được đưa vào quỹ đạo trái đất.’
Phi thuyền con thoi đầu tiên được đặt tên là USS Enterprise, mặc dù không giống như tên gọi hư cấu trong truyện Star Trek, phi thuyền này không bao giờ được đưa vào vũ trụ, thay vào đó nó được sử dụng để huấn luyện phi hành gia về tiến trình hạ cánh.
Phải mất thêm 5 năm nữa cho đến khi chiếc USS Columbia bay vào quỹ đạo, đánh dấu một kỷ nguyên mới trong các chuyến bay vào không gian, đó là chiếc phi thuyền tái sử dụng đầu tiên của nhân loại.
Tuy nhiên, vào 35 năm trước, chương trình phi thuyền con thoi này đã gặp một bi kịch, đó là thảm họa của chiếc Challenger.
Phóng viên Dan Molina của đài NBC lúc đó đã tường thuật thảm họa Challenger vào tháng 1/1986.
Từ phòng điều khiển:
"Challenger, hãy tăng tốc lên."
"Nghe rõ. Đang tăng tốc."
Bi kịch xảy ra chỉ hơn một phút sau khi chiếc Challenger được phóng.
Từ phòng điều khiển:
"1 phút 15 giây, vận tốc 2,900 feet một giây, độ cao chín hải lý, khoảng cách tầm thấp bảy hải lý”.
Từ phòng điều khiển sau đó là một sự im lặng.
Và rồi một phúc trình tang thương mà lạnh lẽo cất lên:
‘Chúng tôi vừa nhận được thông tin từ nhân viên động lực học của chiếc phi thuyền rằng phi thuyền đã nổ, giám đốc điều hành vừa xác nhận điều này, và chúng tôi đang kiểm tra với lực lượng khắc phục để xem có thể làm được gì vào lúc này.’
Toàn bộ bảy phi hành gia trên chiếc phi thuyền Challenger bị chết, và chương trình con thoi bị tạm ngưng lại gần 3 năm.
Khoảng 1 tháng sau bi kịch này, Liên Xô phóng module cốt lõi của trạm không gian Mir vào quỹ đạo, và những phi hành gia đầu tiên đã lên đến trạm không gian vào giữa tháng Ba.
Hai mươi năm sau, vào năm 2001, trạm không gian Mir được tháo bỏ khỏi quỹ đạo, nó rơi xuống phương nam Thái Bình Dương.
Còn đúng 15 năm trước, vào ngày 19/1/2006, NASA đã cho ra đời sứ mệnh chinh phục mang tên New Horizons, phóng chiếc phi thuyền đầu tiên đến sao Diêm Vương.
‘Chúng tôi đã khởi động và cất cánh phi thuyền New Horizons của NASA, trong chuyến hành trình kéo dài 10 năm viếng thăm Sao Diêm Vương và xa hơn nữa.’
Phi thuyền đã đến Diêm Vương Tinh vào tháng 7/2015, nay nó đang nằm ở một chốn xa xôi của Thái Dương Hệ, thuộc Vành đai Kuiper, một cái vòng tròn giống hình bánh rán bao gồm các vật thể băng giá xoay quanh mặt trời.
Còn 10 năm trước, vào tháng 7/2011, phi thuyền con thoi mang tên Atlantis của NASA đã hạ cánh, kết thúc chương trình phi thuyền con thoi của cơ quan không gian này.
‘Một phi thuyền không giống với bất cứ điều gì, đã khơi dậy trí tưởng tượng của cả một thế hệ, phi thuyền con thoi đã có một chỗ đứng chắc chắn trong lịch sử, và đây là chiếc phi thuyền con thoi cuối cùng được kéo vào bến cảng.’
Và 5 năm trước, ngày 15/1/2016, phi hành gia Tim Peake đã làm nên lịch sử, trở thành người Anh đầu tiên đi vào không gian.
Người đàn ông 43 tuổi này đã mạo hiểm đi ra khỏi Trạm Không gian Quốc tế để giúp sửa chữa.
"Tim này, thật là ngầu khi nhìn thấy lá cờ của nước Anh ở bên ngoài trái đất, vì nước Anh đã khám phá hầu hết thế giới. Bây giờ nước Anh sẽ khám phá vũ trụ.”
"Cảm ơn Scott, thật tuyệt vời khi tôi được mang bộ đồng phục này”.
Một vài sứ mệnh về chinh phục vũ trụ mới được lên kế hoạch cho năm 2021 - bao gồm việc phóng phi thuyền Artemis 1, đây là giai đoạn đầu tiên trong kế hoạch đưa con người trở lại mặt trăng của nước Mỹ.
Còn phi thuyền Al Amal của các Tiểu vương quốc Ả rập Thống nhất là sứ mệnh liên hành tinh đầu tiên của thế giới Ả Rập. Chiếc phi thuyền này được lên kế hoạch để đi vào quỹ đạo sao Hỏa vào ngày 9/2 năm nay.
Còn phi thuyền thăm dò Perseverance của NASA sẽ hạ cánh xuống miệng núi lửa Jezero trên sao Hỏa vài ngày sau đó, và tìm kiếm bất kỳ dấu hiệu nào của sự sống cổ đại có thể đã được bảo tồn trong các trầm tích bằng đất sét tại đây.
Đến tháng 3/2021, Tổ chức Nghiên cứu Không gian Ấn Độ có kế hoạch phóng chiếc phi thuyền thứ ba lên mặt trăng.
Và cuối cùng, người kế nhiệm của viễn vọng kính Hubble nổi tiếng, Kính viễn vọng Không gian James Webb, sẽ ra mắt vào tháng 10/2021 - muộn hơn so với kế hoạch tới 14 năm, cùng một ngân sách thâm hụt đáng kể.