Cuộc đấu tranh quyền lực liên quan đến việc ai là Tổng thống hợp hiến của Venezuela đã chia rẽ quốc gia này và thế giới trong năm nay.
Tình trạng bất ổn bắt đầu từ tháng 1, sau khi phe đối lập phản đối ông Nicolas Maduro tuyên thệ nhậm chức tổng thống Venezuela nhiệm kỳ thứ hai, cáo buộc ông là một nhà độc tài và kết quả bầu cử được cho là bất hợp pháp.
Lãnh đạo phe đối lập Juan Guaidó ngay sau đó tuyên thệ nhậm chức tổng thống lâm thời.
"Tôi thề sẽ đảm nhận tất cả các quyền lực của hành pháp quốc gia với tư cách là tổng thống lâm thời của Venezuela, nhằm chấm dứt một chính phủ phản quốc và bảo đảm có các cuộc bầu cử tự do. "
Hoa Kỳ là một trong hàng chục quốc gia công nhận ông Guaido là nhà lãnh đạo hợp hiến của Venezuela. Nhưng sau khi cuộc đảo chính của phe đối lập thất bại vào tháng Tư, ông Maduro tiếp tục kiểm soát các hoạt động của nhà nước Venezuela.
Năm 2019 chứng kiến các cuộc biểu tình chết chóc khắp châu Mỹ Latin. Mặc dù tình hình ở mỗi quốc gia mang những nét riêng, nhưng tất cả đều có điểm tương đồng.
Thay vì bị châm ngòi bởi sự phản đối các hệ tư tưởng cánh tả hay cánh hữu, người biểu tình đã đáp lại sự đồng thuận ngày càng tăng về nạn bất bình đẳng, tham nhũng và các biện pháp thắt lưng buộc bụng của chính phủ.
Nhiều quốc gia Mỹ Latin đang trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế, sau thời kỳ thịnh vượng trên toàn khu vực vào đầu những năm 2000.
Hồi tháng 10, các cuộc biểu tình bùng phát ở Chile nhằm phản đối việc giá vé tàu điện ngầm tăng 3% đã khiến hàng chục người chết trong bạo lực.
Sau 2 tuần bất ổn, Tổng thống Sebastian Pinera cam kết sẽ mang lại sự ổn định cho đất nước, nhưng đến giữa tháng 12 tình hình vẫn chưa chuyển biến tích cực.
"Là tổng thống của tất cả người dân Chile, tôi luôn phải đặt vấn đề lợi ích, nhu cầu, mong muốn và hy vọng của người Chile lên hàng đầu." Tổng thống Sebastian Pinera phát biểu.
Tình trạng chết chóc cũng được ghi nhận trong bối cảnh bất ổn ở Haiti, Colombia, Ecuador và Bolivia.
Bolivia đã chứng kiến nhiều tuần lễ biểu tình sau cuộc bầu cử gây tranh cãi hồi tháng 10. Làn sóng phản đối cho rằng tổng thống Evo Morales đương nhiệm đã gian lận trong cuộc bầu cử.
Ông Morales phủ nhận mọi cáo buộc, tuy nhiên, cuối cùng ông vẫn từ chức do áp lực từ phía quân đội và phe đối lập, và phải xin tị nạn ở Mexico sau đó chuyển sang Argentina.
Tổng thống lâm thời của Bolivia, Jeanine Anez, hồi cuối tháng 11 đã ký ban hành một dự luật mở đường cho việc tổ chức cuộc bầu cử mới mà không có ông Morales.
"Người dân Bolivia thân mến, hãy yên tâm rằng chính phủ này sẽ không đàm phán về cuộc đấu tranh của các bạn. Chúng tôi có nhiệm vụ tổ chức các cuộc bầu cử rõ ràng, công bằng và minh bạch. Chúng tôi đảm bảo sẽ làm điều đó. " bà Jeanine Anez phát biểu.
Mối quan tâm của quốc tế trong năm nay cũng hướng đến số vụ cháy trong rừng mưa Amazon. Dữ liệu vệ tinh được công bố vào tháng Bảy cho thấy cứ một phút thì có một diện tích rừng kích thước gần bằng một sân bóng đá bị cháy rụi.
Các nhóm bảo vệ môi trường đổ lỗi cho tổng thống cực hữu của Brazil Jair Bolsonaro, với các thay đổi lớn trong chính sách môi trường, bao gồm cả việc mở cửa rừng Amazon để phát triển.
Ông Bolsonaro bác bỏ những lời chỉ trích, cho rằng các tổ chức phi chính phủ đang cố tình dựa vào các vụ cháy rừng để chỉ trích sau khi chính phủ của ông đã cắt giảm tài trợ cho họ.
"Tôi cảm thấy rằng lý do có thể được đặt ra bởi các tổ chức phi chính phủ, vì họ cần tiền. Ý định của họ là gì? Là đem đến vấn đề cho Brazil"
Các chuyên gia nói rằng có mối liên hệ trực tiếp giữa các cuộc đấu tranh kinh tế ở Mỹ Latinh, tình trạng bất ổn trong năm 2019 và biến đổi khí hậu.
"Các bạn có thể thấy điều này, đặc biệt là ở Brazil, chính phủ cánh hữu này hỗ trợ các công ty khai thác gỗ và chủ trang trại, để họ càng nhanh chóng cắt giảm diện tích Amazon và phá hủy môi trường, như vậy thì sẽ xuất khẩu được nhiều hơn và GDP sẽ tăng. Dĩ nhiên là tất cả những điều đó ảnh hưởng lớn đến môi trường"
Đó là phát biểu của Peter Ross, một giảng viên cao cấp về nghiên cứu người Mỹ Latinh tại Đại học New South Wales. Ông nói rằng biến đổi khí hậu đang tác động lớn đến con người.
"Sông băng ở Andes đang biến mất. Điều này ảnh hưởng đến những người sống dựa vào nguồn nước từ sông băng. Chúng ta cũng có thể thấy những điều tương tự xảy ra ở các khu vực ở Trung Mỹ, không phải sông băng, mà là những tình trạng biến đổi khí hậu khác, khiến con người phải di chuyển chỗ ở. "
Ông Ross nói, việc nhiều người phải di dời chỗ ở đang làm gia tăng tình trạng bất ổn xã hội trên khắp lục địa. Ông cho rằng điều này sẽ còn tiếp tục.
"Trước kia người ta có thể đến Hoa Kỳ. Nhưng bây giờ với chính quyền của tổng thống Trump thì việc đó không còn dễ dàng nữa, với các chính sách đóng cửa biên giới. Vì vậy, tôi cho rằng những gì chúng ta sẽ thấy ở Mỹ Latinh là tình trạng bất ổn xã hội gia tăng."
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại