Khi đại dịch Covid-19 vừa mới bắt đầu, thì Waikit Yung đã phải sống qua ngày trong chiếc xe hơi của mình.
Anh sinh viên người Hồng Kông này tới Úc sáu năm trước, sau đó anh chuyển tới tiểu bang Tasmania vào năm 2018 để học nghề nấu ăn chuyên nghiệp tại trường TAFE.
Waikit Yung đã tốt nghiệp hồi cuối năm ngoái, nhưng hơn nửa năm nay vẫn chưa tìm được việc làm.
‘Khi dịch bệnh xảy ra, tôi sống trong một căn nhà thuê, nhưng sau đó, tôi phải dọn ra ngoài và bắt đầu sống trong chiếc xe hơi của mình, vì tôi đã hết tiền.’
Vợ và con gái của anh Waikit hiện sống tại Trung Quốc.
Kể từ khi tới Úc, anh và người vợ vẫn duy trì mối quan hệ xa xôi cách trở như vậy suốt sáu năm trời.
Chỉ có những kỳ nghỉ, anh mới có thể đi tới Trung Quốc thăm vợ.
‘Vợ và con gái tôi sống cùng nhà mẹ đẻ của cô ấy. Họ rất an toàn. Đây là câu chuyện không hiếm lạ gì với người Trung Quốc. Nhưng đúng là nó thật sự khó khăn.’
Khi đại dịch xảy ra và sự đi lại bị giới hạn trên khắp thế giới, anh Yung đã không gặp vợ con gần một năm nay.
Mục đích của anh là tìm việc làm, để trở thành một đầu bếp tại Tasmania, sau đó anh có thể mang gia đình nhỏ của mình tới Úc đoàn tụ.
Anh quyết định sống tại Tasmania, chứ không chuyển tới các thành phố lớn như Sydney hay Melbourne.
‘Tôi tìm việc mỗi ngày nhưng nay không còn giữ được sự tự tin nữa, tôi chỉ hy vọng có thể tìm được một công việc. Tôi thích cuộc sống và phong cách sống của Tassie. Đây cũng là nơi tôi đã tốt nghiệp, có nhiều bạn bè và tôi hy vọng một ngày nào đó mình sẽ có một ngôi nhà ở đây, hằng ngày cả nhà sẽ đi ra bãi biển và con gái tôi sẽ chạy nhảy trên cát.’
Anh Waikit nay đang sống tại Úc với một loại visa tạm thời.
Anh đã nộp hồ sơ visa 485 dành cho những người tốt nghiệp tại Úc, và đang đợi kết quả.
Vì vậy, anh không được nhận tài trợ JobKeeper hoặc một khoản tiền nào từ Centrelink.
Anh là thành viên của nhà thờ Anh giáo Wellspring tại Sandy Bay, một trong những quận nội ô của thành phố Hobart.
Khi mới đầu đại dịch, nhà thờ đã lập ra một quỹ từ thiện mang tên “Show Hope”, nhằm cung cấp các bữa ăn nóng sốt, rau quả và đồ dùng thiết yếu cho các sinh viên quốc tế đang gặp khó khăn.
Nhà thờ có thể tìm cho anh Waikit một nơi ở tạm thời, và đổi lại, anh cống hiến thời gian tới nhà thờ giúp đỡ nấu ăn, nơi “Show Hope” cung cấp bữa ăn cho hơn 700 sinh viên mỗi tuần.
Anh Waikit hy vọng khi anh nói lên kinh nghiệm của mình, sẽ khuyến khích nhiều người gặp khó khăn tìm kiếm được một nơi có thể giúp đỡ họ.
‘Tôi hy vọng mình cũng có khả năng giúp đỡ những người ở trong hoàn cảnh giống tôi.’
Ông Sam Gough là phụ tá mục sư tại nhà thờ Anh giáo Wellspring.
Ông nói thật khó khăn khi ông tiếp cận các sinh viên để đề nghị giúp đỡ họ, bởi vì họ cảm thấy hổ thẹn và tội lỗi.
‘Một vài sinh viên không muốn đi tới nhận sự giúp đỡ, vài người còn xin lỗi tôi và nói họ không thể nhận thực phẩm nữa. Khi tôi đề nghị sẽ mang bữa ăn tới cho họ thì họ trả lời rằng: ‘không cần đâu ạ, tôi không thể nhận đâu’, thậm chí khi tôi biết rằng lúc đó họ không còn đồng nào và họ rất tuyệt vọng.’
Cô Shushmita Roy chuyển tới Tasmania từ Bangladesh, cô theo học ngành Kỹ thuật Tin học tại trường đại học Tasmania từ năm 2018.
Cô cũng tham gia làm việc thiện nguyện tại Show Hope mới hai tháng nay, khi cô bắt đầu nhận các bữa ăn nấu sẵn và rau quả.
Lúc đó, cô đã thuyết phục một người bạn thân của mình tới nhà thờ nhận sự giúp đỡ này, nhưng người bạn của cô từ chối.
‘Anh ấy có nghe nói về Show Hope, và tôi cũng kể cho anh nghe rất nhiều lần, vài người bạn cũng nói với anh về chương trình từ thiện này. Anh rất cần được giúp đỡ, chúng tôi ai cũng hiểu hết, nhưng anh ta cảm thấy xấu hổ, anh không muốn xuất hiện ở đó. Thậm chí hôm nay tôi đã gọi anh ấy tới, vì biết lúc này anh đang gặp khủng hoảng ghê lắm, nhưng anh ấy vẫn không xuất hiện. Anh ấy nghĩ người ta sẽ nhìn vào anh, cười cợt anh và đơn giản là việc này đối với anh sẽ rất nhục nhã.’
Cô Anita Lincolne-Lomax cũng là thành viên của nhà thờ Wellspring.
Cô giúp đỡ việc đi mua và trao tặng những cái mền cho sinh viên vì nhiều sinh viên hỏi xin chăn mền khi họ tới lấy thức ăn.
Cô nói nhiều người Úc bị hiểu sai khi cho rằng sinh viên quốc tế xuất than trong các gia đình giàu có.
‘Họ đến từ những gia đình khiêm tốn, cha mẹ họ đôi khi phải đi vay mượn khắp nơi để cho con cái được tới Úc học, với hy vọng rằng cơ hội học tập tại Úc có thể giúp đổi đời, phá vỡ chu kỳ nghèo đói truyền qua nhiều thế hệ ở quê nhà.’
Trường TAFE tại Tasmania nói sẽ quan tâm đến các sinh viên quốc tế, trường đại học Tasmania cũng nói đã hỗ trợ tiền bạc và các voucher mua thức ăn, tổng trị giá hơn 2 triệu đô la cho sinh viên quốc tế.
Nhà thờ Anh giáo Wellspring nói sẽ tiếp tục thực hiện chương trình Show Hope càng lâu càng tốt.
‘Đây là thời điểm đầy bất định, chúng tôi sẽ tiếp tục nỗ lực hết sức có thể, chừng nào chúng tôi còn sức để làm. Chúng tôi sẽ tiếp tục giúp đỡ mọi người bất kỳ khi nào họ cần, và bất kỳ khi nào chúng tôi vẫn còn tiền, cho đến khi chúng tôi hết tiền thì thôi.’
Và anh Waikit Yung vẫn quyết tâm tìm việc tại Tasmania và đưa vợ con tới Úc sống.
‘Kế hoạch là nếu tôi có việc làm và sống ổn định rồi, thì tôi có thể đưa vợ con và cha mẹ mình tới Úc. Tôi yêu cuộc sống của nước Úc.’
Và quý vị có thể cập nhật tin tức mới nhất về coronavirus bằng tiếng Việt tại sbs.com.au/coronavirus