Đối với một sinh viên quốc tế đến từ Honduras như Carolina (tên nhân vật đã được thay đổi), thì Úc dường như là một thiên đường để học tập, làm việc, và khám phá cuộc sống.
Nhưng cô sinh viên 23 tuổi này đã sớm nhận ra cuộc sống nơi đây không như giấc mơ cô hằng mong đợi.
“Mong muốn giờ đây của tôi là có thể rời bỏ công việc này, vì mỗi lần tôi nghĩ đến chuyện họ đang lợi dụng tôi như thế nào, tôi lại thấy khó chịu.”
Cô sinh viên này đã làm việc công việc phục vụ bàn kiêm nhân viên pha chế café ở một nhà hàng tại Sydney trong gần 18 tháng qua, đồng thời đang theo học một khóa học về lãnh đạo và quản lý tại trường SELC, một trường ngôn ngữ tư thục dành cho sinh viên quốc tế.
Trước khi đại dịch COVID-19 xảy ra, Carolina đã làm việc với mức lương $20/giờ, nhưng khi mọi doanh nghiệp phải tạm ngưng hoat động, mức lương của cô đã giảm xuống chỉ còn $11/giờ.
“Tôi được trả $11/giờ vì doanh thu nhà hàng không cao. Họ nói với tôi đó là mức lương họ có thể trả, nếu không họ buộc phải cho tôi nghỉ.”
Câu chuyện của cô không phải là trường hợp duy nhất.
Một khảo sát mới nhất về chuyện cắt xén lương được thực hiện trên 5,000 sinh viên quốc tế tại Úc đã cho thấy, vấn nạn này vẫn còn phổ biến trong giới sinh viên quốc tế.
Khảo sát chỉ ra có hơn 77% số sinh viên bị trả lương thấp hơn mức lương quy định tối thiểu.
26% chỉ nhận được $12/giờ hoặc thấp hơn, chủ yếu là những sinh viên Trung Quốc.
Phó giáo sư Basina Farbenblum đến từ Đại học NSW nói những con số vừa rồi phản ánh một thực tế còn nghiêm trọng hơn.
“Rõ ràng để thấy rằng việc cắt xén lương vẫn là chuyện thường tình của doanh nghiệp đối với sinh viên quốc tế. Tôi cho rằng việc bóc lột thể hiện bản chất của nó là nô lệ thời hiện đại, và nó xảy ra khi những sinh viên quốc tế trở nên đặc biệt dễ tổn thương khi họ ở trong hoàn cảnh rất cần tiền. Nhiều sinh viên quốc tế bị mắc kẹt ở đây và điều đó không nằm trong kế hoạch của họ, họ không thể về nhà bởi nhiều lý do. Lúc đó hành vi bóc lột sẽ bộc lộ đối với những người không có sự giúp đỡ.”
Gần 2/3 (khoảng 62%) sinh viên quốc tế không muốn tiếp cận các dịch vụ hỗ trợ, vì hầu hết sợ sẽ bị mất việc, hoặc không muốn bị ảnh hưởng đến visa.
Đó là lý do vì sao Carolina không muốn nêu tên thật.
“Tôi không biết liệu tôi có cần luật sư hay không, tôi không biết câu chuyện sẽ đi đến đâu nhưng nếu chuyện này ảnh hưởng đến visa của tôi thì cách an toàn nhất là giữ im lặng bỏ qua, vì bạn sẽ không lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra nếu bạn lên tiếng.”
Tác giả của nghiên cứu trên cho biết khuynh hướng của sinh viên quốc tế là không lên tiếng báo cáo chủ nhân, và điều đó đã khiến các doanh nghiệp cảm thấy được dễ dàng cho qua chuyện quỵt lương, và đó là lý do vì sao tình hình chỉ trở nên tệ hơn nếu kinh tế mở cửa trở lại.
Allan Fels, cựu chủ tịch của Lực lượng bảo vệ lao động di dân, cho rằng nên sớm có bản án tù dành cho những người cố tình trả lương thấp hơn quy định
“Việc này quan trọng hơn bao giờ hết. Đại dịch coronavirus đã khiến mọi chuyện trở nên tệ hại, sẽ có nhiều áp lực cho giới chủ doanh nghiệp buộc họ phải cắt bớt lương trả nhân viên và điều đó sẽ dẫn đến nhiều tình trạng bóc lột hơn. Tổ chức của chúng tôi nhận thấy việc trả lương thấp dưới mức quy định đã xảy ra rộng khắp đối với hàng ngàn hàng ngàn lao động di dân giữ visa tạm thời, đặc biệt là những sinh viên quốc tế.”
Bộ trưởng Giáo dục Dan Tehan nhấn mạnh chính phủ đang tập trung giải quyết tình trạng bóc lột nhân viên.
“Chúng tôi không muốn thấy những chuyện tương tự xảy ra ở Úc, đó là lý do chúng tôi tập trung nhân lực cho Bộ làm việc công bằng để loại bỏ bất cứ hình thức bóc lột nào.”
Phát ngôn nhân về Giáo dục của Lao động, bà Tanya Plibersek nói đảng đối lập cũng xem xét vấn đề này một cách nghiêm túc.
“Chúng tôi đã bắt đầu xem xét mọi giải pháp có thể ngăn chặn tình trạng bóc lột nhân viên tại thời điểm khó khăn này.”
Như đối với Carolina, thông điệp của cô là cảnh báo những nhân viên quốc tế khác phải cẩn thận, nhận thức được mình được nhận những gì và không để cho chủ nhân lợi dụng.