Nghiên cứu cho thấy nghệ thuật có ích cho học sinh về cả học thuật và kỹ năng xã hội

10 year old student Mila plays the oboe during an online lesson

10 year old student Mila plays the oboe during an online lesson Source: AAP

Một nghiên cứu mới từ trường Đại học Monash cho thấy, âm nhạc và nghệ thuật là một phần thiết yếu cho sự phát triển của học sinh, đặc biệt là đối với những người đến từ các cộng đồng có nguồn gốc tị nạn.


Nữ sinh 19 tuổi Yadavi Jeyakumar nói rằng từ khi còn nhỏ, múa đã là một phần to lớn trong cuộc sống của cô.

Từ các bài múa truyền thống trong văn hóa Tamil Nadu của gia đình cô, cho đến các điệu hip-hop ở trường tiểu học và trung học.

“Em học múa Ấn Độ khi còn rất nhỏ, khoảng năm tuổi gì đó, và sau đó em tham gia học múa ở trường. Tại trường học em tiếp xúc với nhiều điệu múa kiểu Tây phương, và sau đó ở trường múa em lại học Bollywood và thử bharatanatyam.”

Gia đình Jeyakumar nhập cư vào Úc trong những năm cuối thập niên 1990s từ một thị trấn ven biển tại Sri Lanka.

Mặc dù sinh ra và lớn lên tại Úc, Yadavi nói rằng học và biểu diễn múa giúp cô “tìm được cội nguồn” và hòa nhập với môi trường trong suốt những năm đi học.
Đó là những kỷ niệm rất đẹp, em gặp rất nhiều bạn bè ở trường bởi vì nó như là một sở thích chung của chúng em. Và chúng em đã trở nên thân thiết rất nhanh chóng, và sau đó trong các bữa trưa chúng em thường đùa vui và tự sáng tạo ra các điệu múa.
Cuộc nghiên cứu mới của Đại học Monash cho thấy cô chỉ là một trong số rất nhiều người có được những tác động tích cực từ âm nhạc và nghệ thuật.

Nghiên cứu này do Tiến sỹ Renee Crawford dẫn đầu, đồng thời phát hiện ra rằng âm nhạc và nghệ thuật còn tạo ra nhiều cơ hội cho học sinh thành công trong hệ thống giáo dục tại Úc.

Và nó đặc biệt có ích cho những học sinh có nguồn gốc di dân và có tiếng Anh là ngôn ngữ thứ hai.
Các em có thể học được rất nhiều từ nghệ thuật như nuôi dưỡng sự sáng tạo, trí tưởng tượng, và sự tiếp nhận về cảm xúc. Nó cũng có thể giúp phát triển về mặt tư duy và học thuật.
"Các lợi ích mà việc tham gia nghệ thuật mang đến, không chỉ thể hiện ở mảng âm nhạc, mà còn cả ở kết quả về học tập và sức khỏe.”

Nghiên cứu này theo sau một thông báo của chính phủ hồi đầu năm về việc thay đổi học phí đại học. Theo đó một số khóa học nghệ thuật và nhân văn sẽ có học phí tăng lên tới 113 phần trăm.

Những thay đổi này được đưa ra nhằm khuyến khích học sinh theo đuổi các ngành cần nguồn nhân lực và thiết yếu cho nền kinh tế như giáo dục, toán học, khoa học, điều dưỡng và kỹ thuật. Học phí cho một số trong các ngành này sẽ được giảm tới hơn nửa.

Tuy nhiên Tiến sỹ Crawford nói rằng tất cả học sinh đều cần có cơ hội tiếp cận các môn học nghệ thuật.

“Chúng ta có mối tập trung gọi là “cần phải quay trở về các môn căn bản - Tiếng Anh, toán, khoa học”, mà không nhận ra rằng một số những ích lợi tuyệt vời đến từ nghệ thuật có thể có mối liên hệ với những môn học căn bản này.”

Jeyakumar cũng cảm thấy các chương trình âm nhạc và múa giúp cô xây dựng cơ chế lành mạnh trước các áp lực trong cuộc sống.

“Với những bài hát mới mà em thấy sôi động, mà em chưa từng nghe trước đó, nó sẽ rất là thú vị sáng tạo ra điệu múa cho nó, và nó khiến em rất vui. Nếu em cảm thấy căng thẳng thì nó thực sự là một cách giải căng thẳng rất tốt, bởi vì cảm giác như là mình đi vào một không gian khác vậy.”

Morgan Graham làm việc với giới trẻ trong tổ chức Trao đổi Văn hóa và Thông tin, có trụ sở tại ngoại ô Parramatta ở Sydney.

Cô nói rằng các chương trình âm nhạc và nghệ thuật cung cấp cho những học viên từ các cộng đồng đa sắc tộc, một công cụ an toàn để tìm hiểu sâu sắc hơn về cội nguồn cũng như bản thân mình.
Âm nhạc và nghệ thuật là một quá trình chia sẻ câu chuyện, chia sẻ trải nghiệm, chia sẻ kỹ năng. Và tôi nghĩ thông qua nghệ thuật, những người mới tới, những gia đình di cư và tị nạn, có thể tôn vinh văn hóa của mình và chia sẻ văn hóa đó với những người khác.
Cô Graham nghĩ rằng việc giảm các hỗ trợ cho các chương trình âm nhạc và nghệ thuật có thể mang đến một ý niệm rằng nó chỉ dành cho một số đối tượng ít ỏi trong xã hội.

“Nghệ thuật nên có thể dễ dàng tiếp cận đối với tất cả mọi người, đến từ mọi hoàn cảnh kinh tế-xã hội. Tôi nghĩ nó rất quan trọng rằng mọi người có thể theo đuổi chương trình giáo dục mà giúp họ sáng tạo và quảng bá tác phẩm của mình."

Giám đốc học viện múa Powerhouse Elite Australia, Keira Bury bày tỏ lo ngại rằng, việc tăng học phí cho các khóa học âm nhạc và nghệ thuật sẽ khiến nhiều người từ bỏ theo đuổi ngành sáng tạo này.

“Nó trở thành một yếu tố quyết định về việc tại sao tôi nên học khóa này? Liệu sau này tôi có thể kiếm đủ tiền để việc học trở nên xứng đáng? Do đó tôi cảm thấy rằng chúng ta đang sắp mất đi nhiều nghệ sỹ tiềm năng, bởi vì họ cảm thấy họ cần học một ngành gì đó nghiêm túc hơn, những ngành mà họ được cung cấp thêm hỗ trợ tài chính và cơ hội.”

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 



Share