Ali Zarghami là sinh viên y khoa năm thứ ba tại Đại học Monash ở Melbourne. Anh mơ ước đi theo chuyên ngành y tế khẩn cấp.
Nhưng Ali thừa nhận, trước đây mình chưa hề có ý muốn trở thành bác sĩ.
"Trước đây, tôi muốn trở thành lính cứu hỏa, giống như ông của mình, vì bố tôi mỗi ngày đều kể những câu chuyện về ông cho tôi nghe. Tôi muốn trở thành người sẽ chạy vào các tòa nhà bị cháy và cứu sống những người ở đó."
Ali sinh ra ở Iran. Vào năm ba tuổi, bố mẹ đã đưa anh đến Úc để xin tị nạn.
Ít lâu sau, mẹ anh được chẩn đoán mắc bệnh tim hiếm gặp và phải điều trị lâu dài ở bệnh viện.
Anh nói rằng chính những trải nghiệm của mình với các bác sĩ và y tá người Úc đã khơi dậy trong anh niềm đam mê bước chân vào ngành y.
Suốt thời gian trưởng thành, tôi đã dành nhiều thời gian trong môi trường bệnh viện và vì chúng tôi không có gia đình nào ở Úc, nên các bác sĩ và y tá ở đó giống như gia đình thứ hai đối với chúng tôi theo cách mà họ chăm sóc cho chúng tôi vậy.
Tại trường trung học, anh tham gia vào chương trình Hands on Health của Đại học Monash. Ở đó, anh đã có kinh nghiệm trong việc cung cấp thuốc men, thực hành dùng kim tiêm trên người giả và thậm chí tập lắp xương giả.
Anh nói từ lúc đó, mình đã bị cuốn hút bởi ngành này.
"Đối với tôi, việc đó đã thực sự củng cố ý tưởng rằng đây chính là công việc mà tôi có thể nhìn thấy bản thân mình làm trong tương lai."
Chương trình này được thiết kế nhằm giới thiệu cho sinh viên đến từ gia đình xin tị nạn, người tị nạn, người thổ dân và có hoàn cảnh kinh tế khó khăn được tiếp cận với nghề y.
Các ứng viên thành công được mời đến dành hai ngày tại khuôn viên trường Đại học ở Clayton, để trải nghiệm cuộc sống như một sinh viên y khoa thực thụ.
Họ được tặng những chiếc áo tương tự của sinh viên đại học y mặc trong các vị trí lâm sàng và ống nghe.
Trong suốt khóa học, họ tham gia vào các hoạt động như khâu vết thương trên cánh tay giả, thực hành C-P-R trên người giả, tham dự các bài giảng và gặp gỡ những sinh viên y khoa khác.
Khi các hạn chế do COVID-19 đe dọa ngừng chương trình trong năm thứ chín hoạt động, Đại học Monash đã đưa ra một chương trình trực tuyến tương tự.
Giáo sư Karen Adams, từ khoa Sức khoẻ Người Thổ dân của Monash Gukwonderuk, điều hành chương trình.
Bà phát biểu rằng khoảng cách không còn là rào cản đối với những sinh viên muốn thử sức với chuơng trình này.
"Chúng tôi biết rằng khi đưa chương trình này trực tuyến, có tiềm năng cho trẻ em khắp các tiểu bang , từ các vùng nông thôn và vùng sâu vùng xa tham gia."
Chương trình này truyền cảm hứng ước mơ về ngành y cho những sinh viên có thể chưa từng nghĩ đến.
Học sinh lớp 10 tại phía đông Melbourne, Phoebe Nelson nói rằng nhiều bạn bè của mình thiếu tự tin khi cân nhắc bậc đại học.
"Các bạn ấy không nghĩ rằng họ có thể làm được. Vì vậy, họ không muốn phải trải qua những rắc rối và sau đó sẽ bị bẽ mặt nếu quyết định không theo nghề đó nữa."
Nhưng Phoebe biết em ấy có thể làm được.
Tham gia chương trình trực tuyến trong tháng này, em nói rằng nó đã nâng cao sự tự tin và khiến em biết rằng mình đang đi đúng con đường để đạt được sự nghiệp trong ngành y tế.
"Em chắc chắn muốn làm một cái gì đó trong khoa nhi, hoặc trong khoa khẩn cấp, như có thể là một y tá khoa cấp cứu, hoặc thậm chí có thể là một nhân viên y khoa."
Phoebe đang đi theo con đường của chị gái Ruby.
Hiện là sinh viên điều dưỡng năm nhất, Ruby cũng đã hoàn thành chương trình Hands on Health hồi năm lớp 10.
Cô nói rằng có em gái cũng học ngành điều dưỡng sẽ là một lợi ích lớn.
"Điều đó có nghĩa là chúng tôi có thể thực hành với nhau, và chúng tôi có thể chia sẻ ý tưởng và em ấy có thể giúp góp ý cho tôi."
Mặc dù không phải mọi sinh viên chương trình Hands on Health sau đó đều sẽ theo sự nghiệp trong lĩnh vực y tế, nhưng các nhà tổ chức cho biết họ hy vọng ít nhất sẽ mang lại sự quan tâm giáo dục bậc đại học.
Giáo sư Karen Adams cho biết những sinh viên không có thành viên trong gia đình học đại học cũng ít có khả năng đăng ký.
Bà nói các chương trình như thế này được thiết kế để vượt qua khoảng cách giáo dục giữa các thế hệ.
Chúng tôi biết rằng những người có điều kiện kinh tế khó khăn, sinh viên người thổ dân và sinh viên đến từ gia đình những người xin tị nạn và người tị nạn ít có khả năng vào đại học. Vì vậy, việc này thực sự mang lại cơ hội công bằng cho mọi người.
Hiện chương trình này đến nay đã có 250 sinh viên,
Mặc dù còn vài năm nữa Ali Zarghami mới có thể bắt đầu sự nghiệp ở khoa cấp cứu, anh cho biết mình đã có động lực để đi đến lúc đó.
"Khi bạn nghĩ về những hy sinh của cha mẹ bạn, bạn muốn chắc chắn rằng mình không lãng phí cơ hội và cố gắng làm những điều tốt nhất có thể với cuộc sống của mình. Vì vậy, y khoa dường như là lựa chọn khá tốt trong việc đó."