Vào tháng 4/2016, anh Omid Masoumali, 24 tuổi, một người tị nạn gốc Iran tại trung tâm tạm giữ Nauru đã đổ xăng lên quần áo và châm lửa tự thiêu trước mặt các nhân viên Liên Hiệp Quốc, để phản đối cách giới hữu trách đối xử với những tầm trú nhân trên đảo.
Bà Katie Robertson thuộc Trung tâm Luật Nhân quyền cho biết trạng thái tâm thần của anh Masoumali không ổn định.
“Gần ba năm sống tại Nauru với tư cách tị nạn được công nhận, bị giam giữ vô thời hạn, không có triển vọng tái định cư, và tương lai vô định,” bà nói. “Omid đã trở nên tuyệt vọng.”
Người đàn ông tị nạn gốc Iran này đã được đưa đến một bệnh viện trên đảo, nơi các bác sĩ nói rằng họ không thể chữa trị cho anh ta.
Hơn 30 tiếng sau, anh được chuyển đến bệnh viện Royal Brisbane and Women’s Hospital để chăm sóc đặc biệt. Thế nhưng hai ngày sau, anh đã qua đời vì bị suy nội tạng và bỏng tới 60% cơ thể.
Giờ đây, điều tra viên Queensland, ông Terry Ryan sẽ tìm hiểu xem, liệu chính phủ Úc đã có thể làm nhiều hơn để cứu mạng anh Masoumali hay không.
Bà Sarah Atkinson, luật sư của hôn thê anh Masoumali, nhận định đây là một cuộc điều tra quan trọng.
“Omid đã tự thiêu và chết hai ngày sau đó trong một bệnh viện ở Brisbane,” bà nói.
“Phải mất hơn 24 giờ để thu xếp, và hơn 30 giờ để chuyển anh ta đến Brisbane trong tình huống khẩn cấp này.”Cuộc điều tra sẽ diễn ra trong năm ngày kể từ thứ Hai 25/2. Hai mươi bốn nhân chứng sẽ tham gia đối chất tại phiên điều trần.
Placards being held outside court in Brisbane , where an inquest was held into the death of Iranian Omid Masoumali Source: AAP
Nhân chứng đầu tiên là hôn thê của anh, cô Pari. Cô cho biết anh là một người đàn ông lịch lãm, thông minh, đáng yêu, và không có ý định tự tử. Đôi tình nhân này đã chạy trốn vì bị đàn áp ở Iran.
Cô Pari cũng kể với tòa án về các điều kiện ngột ngạt và bẩn thỉu tại trung tâm tạm giữ ở Nauru, cũng như việc thiếu các dịch vụ y tế và sức khỏe tâm thần.
Ngay cả khi được chứng nhận tư cách tị nạn, cô Pari và hôn phu cảm thấy như là những tù nhân tại Nauru, vì họ không được phép rời đảo. Trong một cuộc trò chuyện với nhân viên của Liên Hiệp Quốc, cô biết rằng mình sẽ bị mắc kẹt tại Nauru trong một thời gian dài.
Luật sư của gia đình anh Masoumali là ông George Newhouse nói rằng gia đình muốn biết nguyên nhân vì sao anh lại quyết định châm lửa tự thiêu.
“Gia đình đang tuyệt vọng muốn biết chuyện gì đã xảy ra với Omid trên đảo, và liệu sự phó mặc hay trì hoãn chăm sóc y tế đã góp phần dẫn đến cái chết của anh ấy, ông nói.”
“Họ muốn bảo đảm rằng điều này sẽ không bao giờ xảy ra với bất cứ gia đình nào nữa.”
“Khi chúng ta đứng đây hôm nay, nhiều người phụ nữ và đàn ông vẫn đang chờ đợi mỏi mòn tại Nauru và Papua New Guinea để được chăm sóc y tế khẩn cấp,” Katie Robertson.
Cuộc điều tra chỉ giới hạn trong việc xem xét quá trình chăm sóc y tế cho nạn nhân, và sẽ không kiểm tra các nghĩa vụ của Úc đối với người tị nạn ở Nauru. Thế nhưng bà Robertson hy vọng nó sẽ giúp thúc đẩy một cuộc đối thoại rộng lớn hơn.
“Không gì có thể thay đổi quá khứ và mang Omid trở lại, nhưng chúng ta có thể rút ra những bài học, đưa ra những thay đổi, nhằm tránh khỏi những tấn thảm kịch như thế này,” bà nói.
“Khi chúng ta đứng đây hôm nay, nhiều người phụ nữ và đàn ông vẫn đang chờ đợi mỏi mòn tại Nauru và Papua New Guinea để được chăm sóc y tế khẩn cấp.”
Anh Masoumali là một trong 12 người đã chết kể từ khi các trung tâm tạm giữ trên đảo Manus và Nauru hoạt động trở lại vào năm 2012.