Mái ấm gia đình: Vai trò của nam giới trong gia đình?

pexels-shotpot-7705884.jpg

Nam giới có sẵn sàng nhường sân cho vợ thăng tiến trong sự nghiệp? Credit: Shotpot - Unsplash

Một câu chuyện phản ánh ông chồng có cái nhìn thiên lệch về bình đẳng nam-nữ. Người xưa có câu nói 'giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời' có lẽ không sai trong hoàn cảnh này, khi ông chồng này đã đổi giang sơn từ Việt Nam qua tới Úc, nhưng vẫn duy trì tính cách gia trưởng, kiểm soát người phối ngẫu.


Tiến sĩ Cường Lã là một chuyên gia nghiên cứu xã hội, anh có nhiều nghiên cứu về vấn đề bình đẳng giới và đang hỗ trợ 'phái mạnh' thay đổi bản thân để trở thành người chồng tốt, cha hiền sau các mối quan hệ bạo hành.

Anh chia sẻ góc nhìn của mình về vai trò nam giới trong gia đình và tham vấn cho hoàn cảnh của một phụ nữ là nạn nhân của 'phân biệt giới tính', chịu sự sỉ nhục và thiếu tôn trọng từ người bạn đời của mình.
Cuong La.jpg
Tiến sĩ Cường Lã.

Tâm sự của thính giả

“Em buồn quá, em có cảm giác bị chồng xem thường. Em đang làm bán thời gian ở nhà hàng, vì con cũng còn nhỏ nên lương chỉ khoảng 20 ngàn/ năm, mà lương nhà hàng thì cày lắm cũng có hơn 40 ngàn. Chồng em làm toàn thời gian được 90 ngàn/năm. Có khi ổng nói em 'nếu lấy người cùng trình độ với ổng thì chắc ổng mua nhà được rồi'. Em nghe mà nước mắt tự nhiên rơi.

Chồng em thì là người biết chăm lo gia đình, không có tứ đổ tường. Nhưng là người nóng tính, gia trưởng. Em cảm thấy cuộc sống bị chồng kiểm soát, phải chịu đựng cái nóng tính với gia trưởng của ảnh cũng lâu rồi.

Em vừa có PR nên muốn đi học TAFE miễn phí của chính phủ cho, em muốn học ngành gì về y tế để kiếm tiền nhiều hơn mà đỡ cực một chút. Nhưng chồng em nói đi học thì ai trông con, rồi đi học thì thời gian đâu mà đi làm…”

Chia sẻ của chuyên gia

Câu chuyện trên phản ánh một ông chồng có cái nhìn thiên lệch về bình đẳng nam-nữ. Để thay đổi một ai đó là điều vô cùng khó khăn. Người xưa có câu nói 'giang sơn dễ đổi, bản tính khó dời' có lẽ không sai trong hoàn cảnh này, khi mà ông chồng này đã đổi giang sơn từ Việt Nam qua tới Úc, nhưng vẫn duy trì tính cách gia trưởng, kiểm soát người phối ngẫu, trong đó sự nóng nảy dễ là nguồn cơn của bạo động, của bạo hành về tâm lý, tình cảm, thậm chí cả về thể xác.

Để giải quyết vấn đề này cần phải kiên trì, đi từng bước nhỏ một, hoặc có thể tiến 5 bước rồi lại bị lùi 3 bước cũng là chuyện có thể xảy ra. Một vài gợi ý cụ thể:

1. Trao đổi cởi mở: đề nghị có được buổi nói chuyện nghiêm túc, cởi mở, chân thành với ông xã đề cập tới sự thiên lệch trong đối xử với phụ nữ của ổng. Bạn có thể nhấn mạnh tới những cảm xúc, trải nghiệm làm vợ và những tác động của cái nhìn thiên lệch về bình đẳng nam-nữ trong mối quan hệ vợ chồng.

Đồng thời bạn nên khuyến khích ông xã nói ra suy nghĩ, góc nhìn của ổng. Tuyệt đối bạn phải lắng nghe với tất cả sự bình tĩnh, không cắt lời và với trái tim yêu thương trong lúc lắng nghe. 

2. Giáo dục và nâng cao hiểu biết: nghe thì to tát và không khéo dễ bị chạm tự ái, sĩ diễn của ông xã, nhưng bản chất là giúp chồng hiểu được những khái niệm về bình đẳng giới và những hệ lụy tiêu cực gây ra khi ai đó có góc nhìn thiên lệch giới.

Chẳng hạn bạn có thể chia sẻ những tài liệu liên quan như sách báo nói về chủ đề này để cung cấp góc nhìn khác biệt.
Khuyến khích ông xã nói ra những điểm thiên kiến trong suy nghĩ về nữ giới của ổng và chỉ ra những nhận thức sai lầm một cách tế nhị và khéo léo tránh xung đột.
3. Bạn thay đổi trước bằng cách làm gương và minh chứng về sự bình đẳng trong hành động và lựa chọn của mình để ông xã thấy và hiểu được bạn mong muốn được đối xử như thế nào cho bình đẳng.

Chẳng hạn bạn chủ động phân chia việc nhà, đưa ra các quyết định có sự đồng thuận của ông xã, đồng hành, ủng hộ, khuyến khích ông xã được cống hiến hết mình đạt được ước mơ và hoài bão của ổng.

4. Khuyến khích tự vấn bản thân: động viên chồng tự nói ra những gì liên quan tới niềm tin, giả định/phán xét hoặc những thiên vị của ông xã liên quan tới phụ nữ.

Giúp ông xã nhận ra những tình huống thực tế mà thiên lệch về giới hiện hữu (ví dụ như làm dâu mà không có làm rể, trinh tiết với phụ nữ chứ không với đàn ông, đàn bà ở nhà nội trợ, đàn ông ra ngoài kiếm tiền) rồi dựa vào đó khuyến khích ông xã nói ra quan điểm của mình, từ đó bạn thảo luận và chỉ cho ông xã biết điểm vô lý và không phù hợp cần thay đổi. 

5. Tìm kiếm sự giúp đỡ của chuyên gia tâm lý, tư vấn về hôn nhân gia đình, lựa những người có hiểu biết về bình đẳng giới. Chuyên gia cũng giúp vợ chồng trao đổi khách quan, an toàn và chuyên nghiệp hơn. 

6. Lôi kéo chồng tham gia vào những hoạt động giúp có cái nhìn cảm thông và nâng cao hiểu biết về giới, chẳng hạn tìm những bộ phim hoặc cùng đọc sách mà trong đó có góc nhìn và trải nghiệm đa chiều về giới, hoặc dự những buổi nói chuyện về bình đẳng giới hoặc kết nối với những người hoặc nhóm có quan điểm tiến bộ trong việc đối xử bình đẳng với phụ nữ. 

7. Thiết lập ranh giới giữa đâu là ranh giới của hành vi chấp nhận được và đâu là ranh giới của hành vi không chấp nhận (ví dụ nói to lớn tiếng, thể hiện cảm xúc nóng giận có thể tạm chấp nhận, nhưng thượng cẳng chân, hạ cẳng tay, lời nói xúc phạm tới danh dự, nhân phẩm là điều không thể chấp nhận và có thể có can thiệp của những chuyên gia chống bạo hành, bao gồm cả cảnh sát).

Quan trọng của thiết lập ranh giới là để cả hai phía có được sự hiểu biết chung và cam kết thay đổi. Và trên hết là phải thực tậm, cầu thị, không chỉ trích, lên án, biết lắng nghe và đặt để vào đó là trái tim yêu thương.

Tất nhiên thảo luận về chuyện này không hề dễ dàng, và không khéo lại châm ngòi cho những bất hòa trong gia đình.
Vậy nên mỗi một bà vợ hãy cân nhắc thời điểm nào phù hợp, mức độ cần thảo luận sao cho trong ấm, ngoài êm và gia đình hạnh phúc, ông xã cởi mở, chấp nhận thay đổi, ngay cả khi nhỏ nhất thì bạn cũng nên khen ngợi, khuyến kích và có phần thưởng kịp thời.
LISTEN TO
bat binh dang gioi image

Mái ấm gia đình: Bình đẳng giới có tồn tại trong gia đình di dân Úc gốc Việt?

SBS Vietnamese

08/06/202315:55
Đàn ông khó chấp nhận 'ở nhà nuôi con'?

Phải rất thận trọng khi tiếp cận câu hỏi này bởi nếu không ta sẽ vơ đũa cả nắm và quy chụp rằng tất cả đàn ông Việt đều là như vậy. Có rất nhiều đàn ông Việt tốt, mẫu mực làm chồng, làm cha, hết lòng vì vợ vì con.

Vai trò của đàn ông hay đàn bà có sự khác biệt rất lớn giữa những người sinh sống ở thành thị, nông thôn, vùng miền khác nhau, xuất xứ khác nhau trong thành phần xã hội, sự nuôi dạy của gia đình, và hoàn cảnh sống họ trải qua, cũng như lựa chọn của mỗi các nhân góp phần tạo ra những phiên bản khác nhau trong mối quan hệ giới nam và nữ khi nhìn về đàn ông nói chung.

Vì vậy, những ý tố mà tôi nêu ra tới đây có thể có ít nhiều ảnh hưởng tới thực tế là tại sao ít đàn ông Việt chịu ở nhà đóng vai nội trợ, chăm sóc.
pexels-annushka-ahuja-8055155.jpg
Việc nhà có phải là việc của phụ nữ? Credit: Unsplash
1. Mong đợi từ văn hóa, xã hội: dưới nghìn năm chịu ách đô hộ của người phương Bắc, văn hóa Việt chị nhiều ảnh hưởng từ văn hóa Trung Hoa, trong đó có Khổng Giáo, theo đó Khổng Tử nêu ra thuyết Tam cương ngũ thường và tam tòng tứ đức để làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt chính trị, an sinh xã hội và gia đình thời phong kiến. Thuyết này truyền sang Việt Nam vào thời nhà Hán và có ảnh hưởng tới tầng lớp quan lại và gia đình quyền quý nước ta. Tam tòng gồm ba nội dung mà người phụ nữ phải thực hiện trong suốt cuộc đời của họ từ khi nhỏ đến lúc về già: Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Tại gia tòng phụ nghĩa là từ khi sinh ra đến lúc trước khi lấy chồng thì người con gái phải phụng dưỡng cha mẹ, nghe theo lời khuyên bảo của người cha đặt biệt là trong việc sắp đặt hôn sự.

Cho dù những quy định trên từ rất xa xưa, và có những gò bó, trọng nam-khinh nữ nên một số không còn phù hợp, nhưng sự ảnh hưởng của những quy định trên lên cách cư xử trong xã hội giữa người nam và người nữ vẫn còn rất lớn.

2. Yếu tố kinh tế có ảnh hưởng tới quá trình ra quyết định liên quan tới trách nhiệm chăm sóc. Nhiều nam giới họ tự cảm thấy áp lực phải có chỗ đứng trong nghề nghiệp, trong xã hội và kiếm nhiều tiền như là một phần thước đo của sự thành công và từ đó cũng để giúp đỡ gia đình về tiền bạc.

Vì vậy, người đàn ông ngồi nhà trông con bị xem là bất tài, vô dụng, là không phù hợp với khuôn vàng thước ngọc CHUẨN MEN.

3. Văn hóa công sở: Nhiều quốc gia Đông Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, trong đó có ảnh hưởng tới Việt Nam) họ có những quy định và mong đợi người làm việc nhiều giờ (sếp Nhật hay ngồi phía ngoài, khi đèn sếp chưa tắt thì nhân viên chưa về).

Kiểu văn hóa làm việc này hạn chế đàn ông tham gia chia sẻ việc nhà và chăm sóc con cái. Khi người đàn ông Việt sống ở Úc, họ cũng mang theo lối nghĩ này.

4. Khác biệt thế hệ: đáng chú ý là thái độ và cách hành xử giữa nam và nữ không phải là một trục cố định mà nó biến thiên theo thời gian.

Những người trẻ tuổi hơn trong xã hội Việt Nam ngày nay cũng có xu hướng cởi mở hơn và sẵn sàng gạt bỏ, lên án những mong đợi truyền thông áp lên người nam-nữ và nhiều trong số những bạn trẻ sẵn sàng đón nhận cái nhìn cở mở, công bằng trong việc chia sẻ công việc nhà, chăm sóc con cái.

Điển hình là nếu bạn theo dõi mục 'Bạn muốn hẹn hò' phát sóng trên TV ở Việt Nam, dễ dàng nhận thấy những tiêu chuẩn bị lên án từ các cô gái trẻ là – gia trưởng, là không biết làm việc nhà, là không tâm lý, không yêu trẻ.

Chính từ những đòi hỏi này (nhất là dự báo đàn ông Việt Nam có nguy cơ ế do nhiều cặp đôi chọn sinh con trai dẫn tới trai thừa, gái thiếu) đã giúp ích cho các chàng trai trẻ Việt Nam dù muốn, dù không cũng buộc phải thay đổi, nếu họ muốn chiếm trọn trái tim cô gái.
Mời quý vị nghe toàn bộ nội dung cuộc trò chuyện với khách mời trong Audio.

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like 
Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

Share