Mái ấm gia đình: 'Gà mái đá gà cồ', nam giới là nạn nhân của bạo hành gia đình

couple-gb20527daf_1920.jpg

Nam giới thường cảm thấy tự tin và xấu hổ khi giãi bày chuyện mình bị bạo hành. Credit: Pixabay

'Mày là cái thằng ngu, thằng hèn, thằng ăn bám. Tao bảo lãnh mày qua đây, mà mày không được cái nước gì'. Nam giới, nhóm thường được cho là phái mạnh cũng bị 'lép vế' trong các gia đình di dân mới đến Úc.


Chị Trương Thiên Kim, chuyên viên tham vấn về vấn nạn bạo hành gia đình (project officer) tại Hội phụ nữ Việt Úc AVWA chia sẻ với SBS những câu chuyện thực tế trong cộng đồng người Việt từ quá trình làm việc nhiều năm trong lĩnh vực này.

Nói đến bạo hành gia đình, người ta hay nghĩ đến phụ nữ đóng vai trò nạn nhân. Trong quá trình giúp đỡ các nạn nhân bạo hành trong cộng đồng gốc Việt, chị Thiên Kim chia sẻ từng tiếp xúc với một số nạn nhân là nam giới.

Nhóm này không phổ biến như nữ giới và thường gặp phải rào cản tâm lý khi tìm sự giúp đỡ.

Khi nam giới trở thành nạn nhân của bạo hành gia đình, họ thường khó tìm kiếm sự giúp đỡ, cảm thấy xấu hổ khi phải thừa nhận dễ tổn thương và lo sợ không ai tin mình.

"Rất nhiều anh qua đây theo diện bảo lãnh hôn nhân, đi cùng với con cái phụ thuộc dưới 18 tuổi. Các anh chia sẻ bị vợ mình mạt sát, sỉ nhục nhiều lần tại các bữa tiệc hay nơi công cộng. Với đàn ông, việc bị vợ khinh khi, gọi là 'thằng hèn, thằng ngu, thằng ăn bám' trước mặt người khác là một sự sỉ nhục.
Con cái của các anh này đi theo cha cũng có nguy cơ bị mẹ kế bạo hành, ức hiếp.
Khi tôi chia sẻ câu chuyện phụ nữ bị nam giới bạo hành, một nạn nhân nam từng gọi điện cho tôi và chia sẻ câu chuyện của anh.

Anh rất bức xúc và tức giận khi phái nam thường không được cảnh sát hay mọi người tin tưởng khi tố cáo các hành vi bạo hành với mình.

Anh này đã ngoài 40 tuổi và kết hôn với một cô vợ Việt quen biết trong thời gian về Việt Nam chơi. Anh bảo lãnh vợ qua đây và hai người có với nhau một đứa con một tuổi.

Sau đó người mẹ vợ qua chơi Úc chơi. Bà nghe lời xúi giục của người quen ở nhà thờ rằng nếu con gái bà tố cáo bị chồng bạo hành thì sẽ được chia một nửa gia sản, và được bảo lãnh thêm mẹ ở lại Úc. Bà mẹ vợ sau đó lập âm mưu cùng với con gái để biến con mình thành nạn nhân bị bạo hành.
christopher-catbagan-GJsyfWI2XQ0-unsplash.jpg
1/3 nam giới là nạn nhân của bạo hành gia đình tại Úc. Credit: Unsplash
Sáng hôm đó, như mọi ngày, anh này hôn chào vợ đi làm như bình thường. Đến chiều anh trở về nhà thì nhận được án lệnh không được phép tiếp xúc gần với vợ mình và không được vào ngôi nhà của chính mình. Anh cũng không được tiếp xúc với con và phải quan sát con từ xa tại công viên, cùng với một nhân viên xã hội khác.
Vợ anh tố cáo với cảnh sát bị anh đánh đập, gây thương tích và có giấy của bác sĩ. Trong khi anh chưa từng có hành vi như vậy.
Vụ án có nhiều tình tiết đáng nghi và phức tạp. Anh này sau đó nhờ luật sư bào chữa cho mình và được minh oan", chị Thiên Kim kể lại với SBS.

Vấn đề là khi anh chia sẻ, nhiều người không tin anh và cho rằng vợ anh mới là nạn nhân. Anh rất tức giận khi nam giới thường bị chịu thiệt trong vấn đề này và cho rằng một số phụ nữ có nhiều mưu mẹo để gài chồng vào tròng".

Ngoài ra, chuyện bạo hành gia đình thường gặp phải với những di dân gốc Việt mới qua Úc sau này, theo dạng bảo lãnh vợ chồng. Trong đó có những trường hợp người chồng lớn tuổi bảo lãnh các cô vợ trẻ qua đây. Họ kiểm soát không cho vợ ra ngoài, hay sinh hoạt xã hội và học tiếng Anh vì sợ vợ bỏ mình.

"Đây là vấn nạn bạo hành không chỉ phổ biến với cộng đồng người Việt mình, mà còn với các nhóm di dân khác.

Trong quá trình làm việc và đào tạo với các cộng đồng đa sắc tộc khác, tôi cũng nghe những câu chuyện tương tự", chị Thiên Kim chia sẻ với SBS.

Hành vi kiểm soát, bạo hành về tinh thần, tài chánh cũng bị liệt vào bạo hành gia đình. Chuyên gia tham vấn về bạo hành gia đình Thiên Kim từ AVWA nhấn mạnh, bạo hành về tình dục cũng là chuyện tế nhị, mà nhiều vợ chồng gốc Việt cho rằng đây là chuyện "xấu chàng, hổ thiếp, vạch áo cho người xem lưng".

"Khi người phối ngẫu bị buộc phải quan hệ quá nhiều, theo hình thức cưỡng bức mà họ không muốn, hoặc bị ép buộc coi một số phim ảnh khiêu dâm mà họ không thích, đây bị coi là bạo hành tình dục".

Liên lạc với chuyên viên hỗ trợ bạo hành gia đình Thiên Kim qua số 03 7065 7420, hoặc

Mời quý vị nhấn vào audio để nghe phần phỏng vấn.

Share