Mái ấm gia đình: Cách xây dựng gia đình an vui ở vùng đất mới?

Linh Lê hiện làm công việc khai vấn cho các gia đình và phụ huynh tại Melbourne.

Linh Lê hiện làm công việc khai vấn cho các gia đình và phụ huynh tại Melbourne. Source: Family Coach Linh Le

Một số gia đình di dân trẻ cảm thấy cô lập vì thiếu vắng cuộc sống quan thuộc ở Việt Nam và sự hỗ trợ của gia đình. Họ thường nắm rõ tin tức ở quê nhà, trong khi không mặn mà với việc khám phá môi trường và cuộc sống ở Úc hiện tại. Chỉ ăn đồ Việt, đi chợ Việt, thu mình trong một cộng đồng nhỏ bé. Việc này hạn chế các gia đình hoà nhập vào xã hội rộng lớn và có tư duy giới hạn.


Đôi nét về khách mời

Chuyên gia khai vấn gia đình Linh Lê từng là giáo viên hướng dẫn với 20 năm kinh nghiệm trong việc quản lý, đào tạo và huấn luyện cho hàng chục thầy cô giáo tại Melbourne.

Chị hiện làm công việc khai vấn cho các gia đình và phụ huynh, đặc biệt là những gia đình di dân đang tái lập cuộc sống tại Úc.

Trong tiết mục Mái ấm gia đình tuần này, chuyên gia khai vấn Linh Lê chia sẻ những kinh nghiệm và các bước để những gia đình người Việt di dân vượt qua nỗi sợ của chính mình và tìm thấy ý nghĩa của cuộc sống tại Úc.


Khó khăn chính là động lực và kỷ niệm đẹp

“Tôi đến Úc năm 12 tuổi và đã cùng gia đình sống tại đây 35 năm. Tôi thấu hiểu khoảng thời gian đầu tiên sống ở một nơi xa lạ khó khăn như thế nào, cả tinh thần vật chất lẫn thể xác.

Nhiều khách hàng của tôi chia sẻ họ cảm thấy lạc long với xã hội, và như bị tước khỏi bầu trời quen thuộc. Dù họ có chuẩn bị bao nhiêu chăng nữa, thì vẫn như bị rớt xuống một hành tinh khác.  

Những gì mình cho là điều quá quen thuộc, bây giờ phải nhường chỗ cho cái mới. Mình không gặp khó khăn hay mất thăng bằng mới là lạ. Lời chia sẻ đầu tiên của tôi là hãy buông đi sự so sánh. Đừng thấy người khác nhìn có vẻ vui vẻ, thích nghi dễ dàng thì nghĩ rằng chỉ có mình gặp khó khăn. Con vịt nào cũng phải đạp nước vất vả thì mới bơi được trên nước", chuyên gia khai vấn Linh Lê nói với SBS.

"Tôi mong bạn hãy nhìn nhận thời gian này như một kỷ niệm khó quên, không những vậy, còn rất đáng quý. Tôi chứng kiến rất nhiều tình bạn đã nảy sinh từ chỗ khó khăn cuả việc lạ nước lạ cái này.
Chúng ta thường mang nỗi sợ bị phán xét và đánh giá chung cuả chính bản thân là Á Châu thì không văn minh bằng Châu Âu hay Châu Úc, hay các nước khác.
Tôi vẫn còn nhớ khi mình vừa đến Úc, hàng xóm nhà tôi là cô Joe. Cô là một phụ nữ cực kỳ tốt bụng và có đến bốn đứa con. Hàng ngày cô chở tôi và em họ của tôi đi học cùng bốn đứa con của mình. Một bé còn ngồi trong ghế trẻ em. Họ là người Úc và ai cũng rất to con. Không biết chồng chất lên nhau như naò mà chúng tôi cũng lôi nhau đến trường được.

Dù sau này khá giả rồi dọn đi, chúng tôi vẫn giữ liên lạc, những khó khăn ngày xưa bây giờ trở thành những kỷ niệm đẹp không thể nào quên. Kỷ niệm đó nhắc tôi về sự ấm áp tình người tại Úc, cho cả hai bên, người trao lẫn kẻ nhận.

Do đó, tôi mong các gia đình di dân trẻ hãy mạnh dạn nhận sự giúp đỡ cuả những người xung quanh. Bà con xa không bằng láng giềng gần. Cộng đồng của mình bây giờ là những người gần bên mình.

Gần nhất là gia đình, bạn bè, nếu có. Sau đó là láng giềng, hàng xóm, cộng đồng nơi làm việc hoặc nhà trường, các hội đoàn, hội phụ huynh, hội sinh viên, tôn giáo, hướng đạo, văn nghệ, các sở thích riêng, như hội làm vườn".
Nên tham gia vào các cộng đồng, nhóm sinh hoạt một cách tích cực. Không chỉ nghĩ họ có giúp được mình gì không, mà xem rằng mình có giúp được họ gì không.
Nên tham gia vào các cộng đồng, nhóm sinh hoạt một cách tích cực. Không chỉ nghĩ họ có giúp được mình gì không, mà xem rằng mình có giúp được họ gì không. Source: SBS Vietnamese

Bốn điều quan trọng giúp thích nghi và khám phá môi trường sống

Nên tham gia vào các cộng đồng, nhóm sinh hoạt một cách tích cực

Đừng chỉ nghĩ họ có giúp được mình gì không, mà xem rằng mình có giúp được họ gì không. Thật ra ai cũng có một điều gì đó đem đến cho cộng đồng của mình, chỉ là chúng ta có nhận ra hay không. Hãy đặt nhiều câu hỏi nhiều, trao tặng nhiều hơn.

Đừng chọn “dễ và tiện” mà chọn cơ hội để có kinh nghiệm xã giao

Nếu có lựa chọn thì các bạn hãy làm việc tại công sở chứ đừng làm tại nhà, học trực tiếp chứ đừng chọn trực tuyến, đi xe công cộng chứ đừng đi xe nhà.

Tôi nhớ ngày xưa, các chị các mẹ của chúng ta mới qua Úc thường chọn công việc nhận hàng về may gia công tại nhà. Mọi người dều nghĩ rằng lương cao, kiếm được nhiều tiền, lại không phải ra ngoài giao tiếp với ai, có thời gian chăm sóc gia đình, con cái, nấu nướng. Nhưng đó lại là một thiệt thòi với người phụ nữ khi không có cơ hội giao tiếp và học hỏi.

Tam Độc và Tam Bảo

Đừng Chê; Đừng Than; Đừng Trách

Nên Khen; Nên Cổ võ; Nên đặt trọng tâm tìm giải pháp

Hãy chú tâm vào trải nghiệm hơn là đạt được mục đích

Mục đích của chúng ta thường nằm trong tương lai. Chúng ta nên biết rõ mục đích của mình là mau chóng thích nghi và có được cuộc sống an vui. Nhưng nếu chúng ta chỉ chú tâm vào mục đích thì vì việc bây giờ mình chưa có gì sẽ làm mình thấy mệt mỏi, nản lòng và nặng nề. Từ đó việc tham gia cộng đồng sẽ khó khăn hơn.

Trải nghiệm nằm trong hiện tại. Khi ta chú tâm vào việc trải nghiệm, làm sao ngay bây giờ mọi thứ diễn ra được tốt đẹp, thì chúng ta sẽ hăng hái hơn mà không cảm thấy mệt mỏi. Từ đó, hành động sẽ được tích cực hơn.

"Ví dụ, trời đang mùa đông rất lạnh mà mình đã hứa với trường cuả con là sẽ đến trường làm cỏ. Nhưng mà bây giờ mình chẳng muốn đi, vì nghĩ rằng đi tới đấy cũng chẳng biết ai, tiếng Anh thì không biết. Mình chỉ muốn cuốn  vào mền rồi than vãn, phải chi thế này, thế kia. Thay vì vậy, chúng ta hãy chú tâm vào trải nghiệm. Làm sao mình cảm thấy thoải mái, ấm áp hơn? Người nào sẽ là người mình có thể nói chuyện được? Mình sẽ nói gì? Nếu không biết nói thì ai có thể giúp mình?", chị Linh Lê nói với SBS.
Chuyên gia khai vấn gia đình Linh Lê.
Chuyên gia khai vấn gia đình Linh Lê. Source: Linh Le

Nỗi sợ ngăn cản chúng ta hành động

Các nhà nghiên cứu về hành vi của con người cho rằng nguyên thuỷ con người chúng ta chỉ có 4 nỗi sợ có THẬT. Vì bốn việc này ảnh hưởng đến sự sinh tồn của một con người.

Hai cái sợ thuộc về thể xác là sợ té, hay rớt xuống và sợ tiếng động lớn. Vì hai việc này đe doạ sự sinh tồn cuả các em bé.

Và hai cái sợ thuộc về tinh thần. Cái sợ thứ nhất là không được yêu thương. Cái thứ hai là sợ không được thuộc về hay cảm giác không là một phần cuả một cộng đồng nào đó.

Nhưng dần dần khi chúng ta lớn lên, có nhiều trải nghiệm khác nhau và bắt đầu hiểu về cuộc sống thông qua chính trải nghiệm riêng của mình. Từ đó, chúng ta có những suy nghĩa riêng cho mỗi sự vật, hiện tượng xảy ra trong cuộc sống.

Chúng ta học cách muốn đạt được gì đó phải đi kèm điều kiện.

Ví dụ, nếu muốn được thương thì phải ngoan, muốn quà thì phải giỏi, muốn người khác nghe mình thì phải đúng, muốn được yêu chuộng thì phải đẹp. Do vậy, khi những người xung quanh la mắng, nạt nộ chúng ta là hư, dở, sai, xấu thì ta sẽ cho rằng mình chưa đủ. Đó là cảm giác: chưa đủ ngoan, chưa đủ giỏi, chưa đủ đẹp, mình phải cố gắng hơn.
Trong tiềm thức của mình vẫn luôn cho là mình chưa đủ. Chưa đủ giỏi tiếng anh, chưa biết cách giao tiếp, chưa hiểu về tập tục cuả Úc, cuả người Việt đã định cư lâu tại Úc, chưa đủ để thuộc về một cộng đồng nào đó, như là nơi làm việc, trường học…
Với những suy nghĩ đó, khi chúng ta đã trưởng thành, ra đời, thế giới cuả ta bắt đầu lớn ra, với ước mơ, rồi di dân đến Úc, nhưng trong tiềm thức của mình vẫn luôn cho là mình chưa đủ. Chưa đủ giỏi tiếng anh, chưa biết cách giao tiếp, chưa hiểu về tập tục cuả Úc, và cuả người Việt đã định cư lâu tại Úc, chưa đủ để thuộc về một cộng đồng nào đó, như là nơi làm việc, trường học…

Cảm giác này khiến chúng ta thiếu tự tin đi, thu nhỏ mình lại, không nỗ lực với cuộc sống. Trong khi chỉ khi có nỗ lực sống thì mình mới có cảm giác gắn kết với đời sống.

Vấn đề chính khiến người Việt không thể hòa nhập mà chuyên gia khai vấn Linh Lê đề cập là nỗi sợ bị phán xét và đánh giá chung cuả chính bản thân là Á Châu thì không văn minh bằng Châu Âu hay Châu Úc, hay các nước khác.

"Nên chúng ta luôn mặc cảm và hoài nghi rằng mình chưa đủ hay, chưa đủ giỏi, chưa đủ đẹp, chưa đủ nhanh, chưa đủ tự tin... Từ đó việc tích cực sống trong xã hội mới càng khó khăn hơn", chuyên gia khai vấn Linh Lê chia sẻ.

Mời nghe toàn bộ phần phỏng vấn của khách mời Linh Lê trong phần audio. 

Share