Tổ chức Human Rights Watch cáo buộc Israel theo đuổi chính sách ‘phân biệt chủng tộc’

A Palestinian man is arrested near Jerusalem's Damascus Gate

A Palestinian man is arrested near Jerusalem's Damascus Gate Source: AP

Tổ chức theo dõi nhân quyền này cho rằng đó là các tội ác chống lại loài người. Chính phủ Israel nhanh chóng bác bỏ phúc trình này, nói rằng đây là một phần của một chiến dịch nhằm chống lại Israel.


Bên ngoài Cổng Damascus tại Đông thành Jerusalem, một người Palestine bị một cảnh sát Israel bắt giữ.

Gần như đêm nào cũng xảy những vụ đụng độ tại nơi này, đây là địa điểm tụ tập truyền thống của người Hồi giáo trong tháng chay Ramadan.

Cuộc tranh giành quyền chiếm giữ một khu vực cổng thành này chỉ là lát cắt cho thấy sự căng thẳng âm ỉ giữa người Israel và người Palestine, mà Đông Jerusalem là trung tâm của xung đột.

Tổ chức phi chính phủ Human Rights Watch đã theo dõi cặn kẽ về tình hình gần đây và kết án Israel đã không giảm bớt sự phân biệt với người Palestine.

Bà Elaine Pearson là giám đốc Human Rights Watch tại Úc.

‘Đã xảy ra một sự đàn áp có hệ thống mà một nhóm người đã áp bức một nhóm người khác. Cũng đã xảy ra những hành vi vô nhân đạo. Những điều vô nhân đạo xảy ra với người Palestine chính là việc họ bị cưỡng bức phải ra đi, đó là sự chiếm đoạt đất đai hàng loạt và những hạn chế nghiêm trọng đối với quyền tự do đi lại của người Palestine.’

Trong phúc trình dài 213 trang, một tổ chức tại New York thúc giục các chính phủ hãy đề ra biện pháp trừng phạt Israel cũng như hạn chế hợp tác quân sự với quốc gia này.

Human Rights Watch nói Israel đã liên tục kiểm soát đất đai và cư dân có lợi cho người Do Thái.

Tuy nhiên ông Jamie Hyams, phát ngôn nhân cộng đồng Israel tại Úc đã bảo vệ sự kiểm soát đi lại của Israel đối với người Palestine, ông nói Israel có những mối lo ngại an ninh của họ.

‘Về các giới hạn đi lại tại Tây Ngạn và dải Gaza, thuần túy đó là lý do an ninh, nhằm ngăn chặn những kẻ khủng bố Palestine đi vào Israel và giết hại người Israel, vốn xảy ra trong cuộc nổi dậy Intifada lần thứ hai từ năm 2000 đến năm 2005, khiến hơn 1000 người Israel bị giết và hàng ngàn người khác bị tàn tật, vì các thương tích vĩnh viễn.’

Tại Israel, sự phản hồi với phúc trình này xảy ra nhanh chóng.

Ông Eugene Kontorovich giám đốc Luật Quốc tế tại Diễn đàn Chính sách Kohelet, một cơ quan tư vấn chính sách bảo thủ của Israel.

Phúc trình này chẳng qua là một sự bịa đặt tưởng tượng, tuyên bố sai sự thật và xuyên tạc, về căn bản phúc trình này đậm màu bài Do Thái bởi vì nó được thiết kế để chống lại sự hợp pháp của nhà nước Do Thái.’

Còn Bộ trưởng Chiến lược Israel Michael Biton cũng lên tiếng bác bỏ phúc trình này trên các phương tiện truyền thông quốc gia.

‘Human Rights Watch đã trình bày một thực tế bị bóp méo, đây là một phần của chiến dịch chính trị dai dẳng chống lại Israel trong những năm gần đây.’

Dẫn chứng về tình trạng cưỡng bách ra đi, phúc trình đã nói đến hậu quả của sự hủy diệt nhà cửa của người Palestine.

Những người ủng hộ Israel thì kiên quyết cho rằng sự tiêu hủy nơi ở của người Palestine không quá đáng.

Ông Jamie Hyams nói:

‘Phá hủy nhà cửa là một thực tế tại Israel cũng như tại bất kỳ nước phương Tây nào, nếu có nhà cửa xây dựng mà không xin giấy phép. Thực tế là trong các nghiên cứu khác tỉ lệ nhà không phép bị phá hủy của người Do Thái tại Jerusalem và các khu vực khác cũng nhiều tương đương với tỉ lệ nhà bị phá hủy của người Palestine. ‘

Tuy nhiên Human Rights Watch ghi nhận người Palestine gặp khó khăn cực độ nếu muốn xin giấy phép để xây nhà.

Năm ngoái Úc đã phản đối cuộc điều tra của Tòa án Hình sự Quốc tế về cáo buộc tội ác chiến tranh của cả Israel và nhà cầm quyền Hamas tại Gaza, Úc cho rằng Palestine không phải là một quốc gia.

Đặc phái viên Palestine tại Úc, Izzat Salah Abdulhadi, kêu gọi chính phủ liên bang cần phải mạnh mẽ hơn.

‘Vì vậy, nếu lúc nào Úc cũng có quan điểm chống lại các công cụ quốc tế và các công cụ nhân quyền, thì lâu dài sẽ làm tổn hại đến danh tiếng của Úc, và điều này là rất đáng tiếc.’

  Ông đồng ý với kết quả phúc trình của tổ chức Human Rights Watch.

‘Nhiều trí thức và học giả đã từng mô tả luật pháp và chính sách của Israel là phân biệt chủng tộc và thật không may đây chính là một trường hợp như vậy. Phúc trình này phản ánh đúng thực tế.’

Đặc phái viên ủng hộ tổ chức Human Rights Watch kêu gọi chính phủ Morrison xem xét lại các thỏa thuận song phương với Israel.

Share