Hàng chục ngàn học sinh Úc bỏ học hôm nay để tạo áp lực lên chính phủ trong việc phải có hành động thực sự về hậu quả của hiện tượng thay đổi khí hậu.
Đây là lần thứ hai diễn ra một vụ bãi khóa của học sinh Úc trong 4 tháng qua.
Họ muốn thấy chính phủ liên bang Úc, hãy có hành động để đối phó với tình trạng thay đổi khí hậu, trước khi mọi việc quá trễ.
Các học sinh có 3 đòi hỏi chính yếu, đó là ngưng việc khai thác mỏ than Adani, cấm mọi chuyện thăm dò than đá và khí đốt và cam kết theo đuổi mục tiêu năng lượng tái tạo là 100 phần trăm.
Học sinh tổ chức cuộc xuống đường tại Sydney là Vivienne Paduch, 15 tuổi, cho biết, những người trẻ quá chán ngán trước việc chính phủ chẳng lo lắng về tương lai của môi trường.
“Chúng tôi biết rằng sự kiện thay đổi khí hậu là vấn đề lớn nhất hiện nay, đó là vấn nạn lớn nhất mà thế hệ chúng tôi sẽ đối phó, thế nhưng chẳng có gì được thực hiện.
"Mọi chuyện chính phủ làm cho đến nay, là yêu cầu một chính sách tái sinh rác rưởi mà thôi”, Vivienne Paduch.
Chính phủ cần phải có biện pháp tích cực đối với vấn đề biến đổi khí hậu, đó là lý do khiến Sabine Payne một sinh viên đại học tham gia cuộc xuống đường.
Cô cho biết cần phải có hành động ngay bây giờ, trước khi mọi chuyện trở nên quá trễ.
“Không may là chẳng có Lao động hay Tự do, hoặc bất cứ ai thực sự làm điều gì cả".
"Tôi muốn nói là, họ chẳng có một lập trường dứt khoát đối với bất cứ đề nghị khai thác mỏ than nào, chẳng hạn như mỏ Adani hay bất cứ mỏ than nào nhỏ hơn".
"Quả là đau nhói con tim khi thấy, chính phủ không chỉ không lắng nghe người dân, mà cũng chẳng lắng nghe các nhà khoa học và các sự kiện hiển hiện ra đó, bởi vì đó là chuyện thuộc thẩm quyền của họ, trong việc đề ra sự thay đổi”, Sabine Pyne.
Phong trào hành động của giới trẻ Úc đã được các nghiệp đoàn ủng hộ, một số chính trị gia, các học giả, phụ huynh học sinh và giáo chức trên toàn nước Úc.
Trong khi nhiều người muốn việc phản đối diễn ra ngoài giờ học, thì họ hiểu rằng nhu cầu của những người trẻ, cần phải nói lên nguyện vọng của họ về tương lai của hành tinh nầy.
Chủ tịch Hiệp hội Giáo dục Đại học Toàn quốc, tiến sĩ Allison Barnes là một trong các nhà lãnh đạo, khuyến khích mọi người nên tham gia vào cuộc xuống đường nầy.
Bà cho biết muốn thấy mọi người, ủng hộ lời kêu gọi đổi mới của sinh viên học sinh.
“Thật là một sự kiện lớn lao, khi những người trẻ đi đầu trong sự kiện thay đổi khí hậu".
"Tôi nghĩ có nhiều người họach định kế hoạch hiện chẳng làm gì cả, khi họ cần phải hành động mạnh mẽ, về nhu cầu cần giảm bớt hậu quả của thay đổi khí hậu".
"Chúng tôi thúc giục mọi người trong cộng đồng hãy ủng hộ cuộc bãi khóa của các học sinh, hãy đồng hành với các em và chắc chắn rằng, các em học sinh tham dự cuộc xuống đường, sẽ không gặp bất lợi trong việc học tập, vì chuyện bãi khóa nầy”, Alyson Barnes.
Trong khi đó, lãnh tụ đối lập tại tiểu bang New South Wales là ông Micheal Daley cũng tuyên bố ủng hộ phong trào hành động của giới trẻ.
Ông cho biết, những người trẻ có quyền hạn về mặt dân chủ khi lên tiếng phản đối và nếu con cái ông lớn hơn một chút, ông sẽ cho phép chúng nghỉ học và tham gia vào cuộc biểu tình nữa.
“Các học sinh trẻ tuổi nầy muốn bày tỏ ý kiến của các em, chúng là con cháu của quí vị hoặc cuả tôi nữa, hay là con trẻ của nhà bên cạnh, chúng đều là những nhà lãnh đạo học sinh trẻ rất nhạy cảm và rất quan tâm".
"Những gì tôi nói hôm qua là chúng cần được phép của cha mẹ, cần báo cho trường học biết chúng ở đâu và xuống đường một cách an toàn rồi trở về trường học, thì tôi không nghĩ có gì sai trái khi chúng cho thấy tài năng lãnh đạo của tuổi trẻ và tham dự một cuộc biểu tình về một trong các vấn đề quan trọng nhất”, Michael Daley
Thế nhưng không phải mọi chính khách đều ủng hộ việc sinh viên học sinh bãi khóa để phản kháng.
Thủ tướng Scott Morrison công khai chỉ trích sinh viên học sinh bỏ học để đi biểu tình trong cuộc xuống đường đầu tiên hồi năm rồi và ông cho rằng học sinh có bổn phận là ở trong lớp học.
"Ngoài các cuộc phản đối là một kinh nghiệm lớn lao, nó còn là việc học hỏi tuyệt vời, vì vậy các bạn hãy tham gia vào chuyện nầy nữa”, Vivienne Paduch.
Còn Thủ hiến New South Wales là bà Gladys Berejiklian lên án chuyện học sinh bỏ học, để tham dự cuộc biểu tình về thay đổi khí hậu tại Sydney.
Bộ trưởng Giáo dục Rob Stokes cũng cho rằng, học sinh nên ở lại trường.
Trong số những người tham dự có ngôi sao nhạc rock là Jimmy Barnes và Thị trưởng Sydney là bà Clover Moore cũng được nhìn thấy có mặt, trong số các học sinh giơ các biểu ngữ nhiều màu sắc.
Bà Thủ hiến chỉ trích lãnh tụ đối lập Michael Daley khi ông nầy ủng hộ học sinh tổ chức việc xuống đường trong tuần nầy.
Trong khi đó, bộ Giáo dục cho biết, mọi học sinh tại các trường công tham gia bãi khóa, có thể bị biện pháp kỷ luật được xem là vắng mặt bất hợp pháp.
Bộ trưởng Giáo dục Rob Stokes cho rằng, trong năm có khoảng 1 phần 5 thời gian là lúc trường không có giờ học, vì vậy có nhiều cơ hội cho học sinh và có nhiều vấn đề có thể làm trong thời gian nầy.
Còn lãnh tụ đối lập Bill Shorten cũng tuyên bố rằng, trong khi ông ủng hộ những người trẻ có lập trường về hiện tượng thay đổi khí hậu, thì vẫn có vấn đề thời gian và địa điểm thích hợp.
“Những đứa trẻ có quyền có ý kiến, trong một thế giới lý tưởng chúng biểu tình sau giờ học hay vào dịp cuối tuần”.
Học sinh tổ chức cuộc biểu tình là Vivienne Paduch cho rằng, việc đáp ứng của chính phủ nói chung là rất đáng thất vọng.
“Nó thực sự cho thấy sự tách biệt giữa chính phủ hiện nay và tuổi trẻ và những gì chúng ta đang tranh đấu. Ít nhất nên hài lỏng, là chúng ta hiện dấn thân trong một tiến trình dân chủ và những người trẻ cũng quan tâm về chuyện chính trị nữa”.
Một số cơ sở giáo dục như đại học Sydney, nhìn nhận tầm quan trọng của việc sinh viên biểu tình, đòi hỏi phải có hành động về thay đổi khí hậu, kể cả nhân viên của đại học nữa.
Tiến sĩ Allison Barnes nói rằng, quả là điều tốt đẹp khi các cơ sở giáo dục, tôn trọng tiếng nói của các sinh viên.
“Đúng là chuyện tốt đẹp, khi trường đại học không trừng phạt nhân viên do chuyện tham dự vào cuộc bãi khóa và cho phép họ thu xếp chuyện nầy bằng cách ghi tên nghỉ phép".
"Cũng tuyệt diệu không kém là các sinh viên tham dự cuộc diễn hành, đã không bị một hậu quả tiêu cực nào hoặc một hình thức trừng phạt nào cả”, Alison Barnes.
Còn sinh viên đại học Sydney là Sabine Pyne nói rằng, cô và nhiều giáo sư ủng hộ việc các học sinh tổ chức sự kiện nói trên.
Cô cho biết, bất chấp vấn đề tuổi tác, thì việc thay đổi khí hậu là một lãnh vực cần được đề cập đến và mọi người nên tìm cách tham gia vào.
“Hãy đi ra ngoài, rồi gặp gỡ những người hiện tranh đấu chống lại chuyện nầy".
"Hãy tìm các nhóm khác nhau hiện hoạt động trong các tổ chức, để tiếp tục cuộc tranh đấu nầy và hãy để cho việc nầy bắt đầu chuyện hành động của các bạn ngay bây giờ”, Alyson Pyne.
Đây là một cảm nghĩ được người tổ chức cuộc biểu tình là Vivienne Paduch chia sẻ.
Cô cho biết mọi người đều được hoan nghênh trong việc đồng hành và biểu tình, để bảo vệ môi trường sống của con người.
“Hãy tham gia với chúng tôi, vấn đề thay đổi khí hậu là một chuyện hết sức quan trọng, do nó sẽ ảnh hưởng đến thế hệ chúng ta và vì vậy cũng rất quan trọng để các bạn có lập trường về việc nầy".
"Ngoài các cuộc phản đối là một kinh nghiệm lớn lao, nó còn là việc học hỏi tuyệt vời, vì vậy các bạn hãy tham gia vào chuyện nầy nữa”, Vivienne Paduch.
Thêm thông tin và cập nhật Like
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại
Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại