Tân Tổng thống Donald Trump tuyên thệ nhậm chức: Thời hoàng kim cho Hoa Kỳ

Donald J. Trump

"We won. And today, we had a great day": President Donald Trump addresses one of the three inauguration balls held in his honour. Source: AAP

Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ cam kết thực hiện nhiều cải cách chính sách, từ việc đưa Mỹ rời khỏi Hiệp định khí hậu Paris, thành lập External Revenue Service (Cơ quan mới đặc trách thu thuế các công ty nước ngoài có giao dịch với Mỹ), đến chính thức công nhận chỉ có hai giới tính.


Một thời đại hoàng kim cho Hợp Chúng Quốc Hoa Kỳ.

Đó là tầm nhìn của vị Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ.

Ông Trump, 78 tuổi, tuyên thệ nhậm chức Tổng thống thứ 47 của đất nước tại Điện Capitol Hoa Kỳ ở Washington, và trở thành người đàn ông lớn tuổi nhất từng đảm nhiệm chức vụ Tổng thống.

Thay vì thường xuyên diễn ra ở ngoài trời, lần này, buổi lễ được tổ chức trong nhà với ít người xuất hiện hơn, để tránh điều kiện khắc nghiệt của mùa đông ảnh hưởng đến sức khỏe mọi người.

Ông Donald Trump đã sử dụng bài phát biểu đầu tiên của mình với tư cách là tổng thống, để phác thảo một chương trình nghị sự chính trị rộng lớn, bao gồm hy vọng ngăn chặn Đệ Tam Thế chiến và đưa các phi hành gia hạ cánh trên sao Hỏa.

"Chúng ta sẽ theo đuổi vận mệnh của mình để hướng tới các vì sao, đưa các phi hành gia người Mỹ đặt chân đến các ngôi sao và cắm cờ trên hành tinh Sao Hỏa," ông Trump tuyên bố.

Tin tức này cũng đã được tỷ phú Elon Musk vui mừng đón nhận.

Tỷ phú công nghệ và giám đốc điều hành SpaceX dự kiến sẽ đồng lãnh đạo một nhóm cố vấn để cắt giảm chi phí và việc làm trong lĩnh vực công, được gọi là Bộ Hiệu quả Chính phủ.

Ông đã cùng ông Trump lên sân khấu tại lễ nhậm chức, và phát biểu trước đám đông với sự phấn khích.

“Ý tôi là, bạn có thể tưởng tượng được sẽ tuyệt vời thế nào khi các phi hành gia Mỹ cắm cờ trên một hành tinh khác lần đầu tiên không?” ông Musk nói.

Đó là điều Mỹ sẽ làm ở bên ngoài hành tinh này.

Còn trên hành tinh này, Hoa Kỳ sẽ rời khỏi Hiệp định Khí hậu Paris, từ bỏ các cam kết về môi trường của mình với tư cách là bên ký kết thỏa thuận đa quốc gia.

Và về xã hội, từ hôm nay, Tổng thống Trump cho biết, Chính phủ Hoa Kỳ cũng sẽ chỉ công nhận giới 2 giới tính: Đó là giới tính nam và giới tính nữ.

"Tôi cũng sẽ chấm dứt chính sách của chính phủ nhằm cố gắng đưa vấn đề chủng tộc và giới tính vào mọi khía cạnh của đời sống cộng đồng và đời sống riêng tư," ông Trump nói.

Ngày Mỹ được “giải phóng”

Ông Trump cũng tuyên bố sẽ giải phóng Hoa Kỳ khỏi những gì ông coi là chính sách tồi tệ của những người tiền nhiệm.

"Chúng tôi sẽ làm việc để giải quyết mọi cuộc khủng hoảng bằng phẩm giá và sức mạnh.”

“Chúng tôi sẽ hành động với mục đích rõ ràng và nhanh chóng để mang lại hy vọng, thịnh vượng, sự an toàn và hòa bình cho công dân của mọi chủng tộc, tôn giáo, màu da và tín ngưỡng.”

“Đối với công dân Hoa Kỳ, ngày 20 tháng 1 năm 2025 là ngày giải phóng," ông Trump khẳng định.
 
Lễ nhậm chức tổng thống Hoa Kỳ luôn là những sự kiện trọng đại, nhưng lần này đặc biệt đáng chú ý.

Ông Trump là một người bị kết án, nay trở lại làm tổng thống Hoa Kỳ sau bốn năm – với những gì đã xảy ra sau khi rời Tòa Bạch Ốc 4 năm trước, được coi là diễn biến rời khỏi chính trị gây tranh cãi nhất trong lịch sử hiện đại của Hoa Kỳ.

Và di sản của cuộc bạo loạn Đồi Capitol đã phủ bóng lên các kế hoạch của ông với tư cách là tổng thống.

Ông đã nói rằng ông sẽ ân xá cho những người bị buộc tội vì bị cáo buộc có liên quan đến vụ tấn công vào ngày 6 tháng 1 năm 2021.

"Tôi định nói về vụ bắt cóc con tin trong sự kiện ngày 6 tháng 1, nhưng các bạn sẽ thấy khi biết rằng hành động chứ không phải lời nói mới là điều quan trọng. Và bạn sẽ thấy rất nhiều hành động," ông Trump nói.

Trong khi đó, người tiền nhiệm của ông - Joe Biden cũng đã hành động.

Vào những thời khắc cuối cùng trước khi rời Tòa Bạch Ốc, ông Biden đã bảo vệ cho một số “kẻ thù” nổi tiếng của Donald Trump, với lệnh ân xá trước của tổng thống cho cựu Cố vấn trưởng về Y khoa, Tiến sĩ Anthony Fauci, cựu chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân, Tướng Mark Milley, và cựu nữ dân biểu Cộng hòa Liz Cheney.

Trước khi rời khỏi vị trí của mình, ông Biden đã kêu gọi các cử tri Dân chủ hãy kiên cường.

"Bố tôi đã dạy tôi thước đo của một con người – bạn đã nghe tôi nói trước đây rồi – đó là cách họ nhanh chóng đứng dậy khi bị đánh gục.”

“Đó là những gì chúng ta phải làm ngay bây giờ. Chúng ta luôn làm tốt nhất với tư cách là người Mỹ.”

“Chúng ta không bao giờ, không bao giờ, và không bao giờ bỏ cuộc, không bao giờ.”

“Chúng ta rời nhiệm sở nhưng chúng ta sẽ không rời khỏi cuộc chiến," ông Biden nói.

Thế nhưng, ông Trump thì tuyên bố tương lai tươi sáng.

"Chúng ta đang ở giai đoạn khởi đầu của một kỷ nguyên mới đầy phấn khích về thành công của đất nước.”

“Một làn sóng thay đổi đang lan tỏa khắp quốc gia này và ánh nắng đang chiếu rọi khắp thế giới," ông Trump nói.

Trump trở lại, không chỉ thấy sự lạc quan

Tuy nhiên, không phải ai cũng lạc quan như vậy.

Những người di cư mới đến El Paso, Texas, đang lo lắng về tuyên bố tình trạng khẩn cấp của tổng thống tại biên giới phía nam Hoa Kỳ.

Ông Trump cho biết ông sẽ giám sát việc trục xuất hàng loạt đối với hàng triệu người nhập cư bất hợp pháp.

Gabriela Suarez đến từ Colombia và đang chờ để trở thành thường trú nhân Hoa Kỳ.

"Tôi nghĩ rằng chính phủ đang tuyên thệ nhậm chức hôm nay, ông Trump đã nói rõ rằng ông ấy không muốn người nhập cư.”

“Vì tôi vừa mới vượt biên, nỗi sợ duy nhất của tôi là ông ấy sẽ không cho tôi nộp bất kỳ giấy tờ nào, hoặc làm bất cứ điều gì có thể để được ở lại Hoa Kỳ một cách hợp pháp," cô Suarez nói.

Tại Chicago, hàng nghìn người biểu tình đã xuống đường, họ hô vang khẩu hiệu “Không có Trump, không có nước Mỹ phân biệt chủng tộc. Cộng đồng của chúng ta đang bị tấn công, chúng ta phải làm gì!"

Úc cần đàm phán lại thương mại với Mỹ?

Xuất khẩu của Úc có thể bị ảnh hưởng đáng kể bởi mức thuế quan mà Hoa Kỳ đề xuất đối với các sản phẩm nước ngoài.

Bộ trưởng Ngoại giao Penny Wong đang ở Washington DC và Thứ tư, ngày 22 tháng 1, dự kiến sẽ hội kiến ông Marco Rubio, người đang chờ được chính thức xác nhận là Bộ trưởng Ngoại giao Hoa Kỳ.

Bà Wong cho biết bà sẽ dành thời gian để vận động cho Úc trở thành đối tác thương mại quan trọng của Hoa Kỳ.

"Khi nói đến quan hệ kinh tế Úc-Hoa Kỳ, về mặt thương mại, Hoa Kỳ đã có thặng dư thương mại kể từ thời Tổng thống Truman, tỷ lệ khoảng gấp đôi Úc.”

“Và, trên thực tế, ngay cả trong số những mặt hàng xuất khẩu từ Úc sang Hoa Kỳ, khoảng một nửa trong số đó đi vào chuỗi ứng dụng của Hoa Kỳ, về mặt gia tăng giá trị cho nền kinh tế Hoa Kỳ.”

“Cho nên đó chắc chắn sẽ là thông điệp của tôi thay mặt cho Úc trong vấn đề này," bà Wong nói.

Tổng thống Trump vào việc ngay

Tổng thống Donald Trump lập tức đã ký một loạt các sắc lệnh hành pháp và nghị định nhằm mục đích trấn áp tình trạng nhập cư.

Trước đó, Trump đã tuyên bố các chính sách "phá hoại" của Nhà Trắng dưới thời Biden sẽ biến mất "trong vòng năm phút".

Vài giờ trước đó, hàng ngàn người di cư đã bị hủy các cuộc hẹn với chính quyền để giải quyết hồ sơ xin nhập cư của họ, sau khi chính quyền của ông Trump hủy bỏ CBP One, một ứng dụng được sử dụng để đặt lịch hẹn tại các cảng nhập cảnh ở biên giới.

Tại một sự kiện trước đó tại Capital One Arena ở Washington, Trump đã chính thức thu hồi gần 80 sắc lệnh hành pháp - mà ông mô tả là "cực đoan" - từ chính quyền Biden. Chính quyền Trump cho biết tổng thống sẽ chỉ đạo Bộ Quốc phòng "đóng cửa biên giới".

Ông Trump cũng có kế hoạch chấm dứt quyền công dân theo nơi sinh, nghĩa là con cái của những người di cư không có giấy tờ được sinh ra trên đất Hoa Kỳ sẽ không còn tự động được coi là công dân Hoa Kỳ nữa.

Tuy nhiên, quyền công dân theo nơi sinh được ghi nhận trong hiến pháp Hoa Kỳ và sẽ cần có hai phần ba số phiếu bầu tại cả hai viện của Quốc hội để thay đổi điều này.

Đồng hành cùng chúng tôi, Follow & Like  Cập nhật tin tức mọi lúc mọi nơi tại 
Nghe SBS tiếng Việt trên trang mạng, hay trên ứng dụng SBS Radio, tải về từ hay 

Share