Cấu trúc cột sống con người bao gồm một loạt đốt sống nhỏ xếp chồng lên nhau, từ trên xuống dưới có 7 đốt sống cổ, 12 đốt sống ngực và 5 đốt sống thắt lưng, rồi đến xương cùng và xương cụt. Giữa các đốt sống có phần đệm được gọi là đĩa đệm, có công dụng giảm áp lực để bảo vệ các đốt sống trước những chấn động như khi đi đứng, nâng vật nặng, xoay người... Phía trước và sau của các đĩa đệm và đốt sống có hai sợi dây chằng rất chắc chắn để giữ vững cột sống và đĩa đệm.
Thoát vị đĩa đệm là gì?
Đĩa đệm gồm có 2 phần, phần ở giữa là nhân nhầy với chất sệt như keo, và phần bao xung quanh là mô sụn và mô sợi dầy.
Nếu có chấn động mạnh nào đó làm cho mô sợi bị thương hoặc bị yếu đi, thì chất keo bên bị đẩy tràn ra vòng ngoài, làm cho vòng ngoài bị trồi ra một chút, tình trạng đó gọi là thoát vị đĩa đệm
Thoát vị đĩa đệm có thể không có triệu chứng, hoặc chỉ gây đau và khó chịu một chút. Nhưng nếu phần nhân nhầy trồi ra và chèn vào một dây thần kinh cột sống nào đó thì bệnh nhân có thể bị tê, đau dọc theo đường dây thần kinh đó.
Ai có nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm?
Phần lớn những người độ tuổi từ 35-50, nam nhiều hơn nữ, những người làm công việc nặng nhọc hoặc thường phải khiêng vác, kéo đẩy mạnh, xoay người... là những người có nguy cơ cao bị thoát vị đĩa đệm.
Đặc biệt những người cao tuổi từ 70 tuổi trở lên, khi hầu như các đĩa đệm bị khô và xơ hóa thì không còn nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm nữa.
Thoát vị đĩa đệm có biến chứng nào nguy hiểm?
Hầu hết các trường hợp thoát vị đĩa đệm nhẹ có thể hồi phục trong 6-8 tuần. Nhưng nếu thoát vị đĩa đệm xảy ra ở phần cuối của các đốt sống lưng và chèn ép vào dây thần kinh ở đó thì có thể ảnh hưởng đến việc kiểm soát bàng quan và trực tràng, gây khó khăn trong việc tiểu tiện, được gọi là hội chứng chùm đuôi ngựa. Đó là trường hợp cần phải đi cấp cứu ngay.
Thoát vị đĩa đệm được điều trị như thế nào?
Các triệu chứng đau do thoát vị đĩa đệm có thể được điều trị bằng thuốc với công dụng làm giảm đau và giảm phản ứng viêm, chứ không chữa trị dứt điểm thoát vị đĩa đệm.
Việc tập vật lý trị liệu là phương pháp điều trị chính để giúp đĩa đệm giảm đau và mau lành hơn.
Biện pháp phẫu thuật chỉ được dùng khi có sự chèn ép dây thần kinh mà các biện pháp khác không cải thiện được.
Làm sao giảm nguy cơ bị thoát vị đĩa đệm?
Mỗi người có thể giảm nguy cơ dẫn đến thoát vị đĩa đệm bằng cách sử dụng đúng kỹ thuật khi mang vác nặng, tránh tư thế khom lưng 90 độ vì khi đó sẽ tác động mạnh đến dây chằng, gây sức ép lên các đĩa đệm.
Ngoài ra không nên hút thuốc vì chất nicotine trong thuốc lá làm cho các vòng sụn bên ngoài đĩa đệm bị yếu đi, rất dễ dẫn đến thoát vị đĩa đệm.
Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe toàn bộ nội dung tiến sĩ Hoàng Đình Phú, chuyên viên vật lý trị liệu, trình bày về bệnh thoát vị đĩa đệm trong tạp chí Sức khỏe là Vàng.