Sức khỏe là vàng: Dị ứng phấn hoa

allergy

Source: Corina / Pixabay

Mùa Xuân ở Úc với trăm hoa đua nở rất đẹp nhưng cũng là một mùa khổ sở đối với nhiều người bị dị ứng phấn hoa. Số liệu từ Viện Sức khoẻ và Phúc lợi ước tính gần 20% dân chúng Úc bị dị ứng phấn hoa. Chứng bệnh mang lại nhiều phiền toán này liệu có nguy hiểm và làm thế nào để phòng ngừa hiệu quả?


Đối với nhiều người ở Úc, đặc biệt là những người đang sống ở Melbourne hay Canberra thì “hay fever” là chứng bệnh phổ biến. “Hay fever” là cách gọi thông dụng của chứng Viêm mũi dị ứng (allergic rhinitis) có thể xảy ra theo mùa hoặc quanh năm.

Dị ứng là phản ứng của cơ thể của đối với một số chất vô hại ở bên ngoài môi trường mà không phải ai cũng bị dị ứng với các chất đó.

Viêm mũi dị ứng có thể do các chất gây dị ứng ngoài trời hoặc trong nhà, chẳng hạn như nấm mốc, phấn hoa, mạt bụi, hóa chất, lông mèo, chó...

Các triệu chứng

Riêng về dị ứng phấn hoa thường bao gồm các triệu chứng như ngứa ở mũi, mắt, họng, tai... dẫn đến hắt hơi, chảy nước mắt, ho, nghẹt mũi, giảm khứu giác. Đối với một số người mắc bệnh nền là bệnh suyễn thì dị ứng phấn hoa làm cho bệnh suyễn nặng hơn.

Thông thường dị ứng phấn hoa chỉ làm người bệnh cảm thấy khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt và chất lượng công việc. Tuy nhiên cũng có trường hợp khá nguy hiểm khi dị ứng làm tăng nặng tình trạng bệnh nền của người bệnh suyễn.

Phân biệt dị ứng phân hoa và COVID-19

Dị ứng phấn hoa và các tình trạng dị ứng khác cũng có thể có các triệu chứng giống như COVID-19, mặc dù có một đặc điểm phân biệt là dị ứng phấn hoa gây triệu chứng ngứa mắt, mũi. Vì vậy cách tốt nhất để xác định bệnh là đi xét nghiệm. 

Phương pháp điều trị

Một số phương pháp điều trị dị ứng phấn hoa có thể bao gồm dùng thuốc kháng histamine, thuốc xịt mũi, thuốc nhỏ mắt khi có tình trạng ngứa mắt.

Ngoài ra còn có cách dùng chiết xuất từ ​​các chất gây dị ứng (allergen extracts) theo chỉ định của bác sĩ.

Phòng tránh dị ứng phấn hoa

Tránh tác nhân gây dị ứng là cách phòng ngừa hiệu quả nhất. Mọi người có thể giảm thiểu tiếp xúc với phấn hoa bằng cách:

- Tránh ra đường vào những ngày dự báo thời tiết nóng, khô và nhiều gió. Ở nhà đóng kín các cửa để ngăn bụi phấn hoa.

- Hạn chế làm vườn hoặc nhờ người khác chăm sóc vườn trong những ngày nóng nhiều gió.

- Đeo khẩu trang ngăn bụi và phấn hoa.

Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe bác sĩ Brian Cung Đình Thanh Bình trình bày về bệnh dị ứng phấn hoa trong tạp chí Sức khỏe là Vàng.

Share