Sức khỏe là vàng: Chứng huyết áp thấp

blood pressure

Source: Pixabay

Huyết áp thấp là căn bệnh phổ biến ở nhiều độ tuổi, với các triệu chứng thoáng qua và có thể tự khỏi nên đôi khi không được chú ý nhiều như cao huyết áp. Thực tế huyết áp thấp gây hại như thế nào? Những nguyên nhân nào gây ra huyết áp thấp và làm sao để phòng ngừa?


Trong cơ thể người, mỗi nhịp tim đập sẽ tạo một áp lực lên mạch máu ngoại biên để đưa máu đến các bộ phận trong cơ thể. Áp lực này được gọi là huyết áp và được biểu thị bằng một chỉ số huyết áp.

Chỉ số huyết áp bao gồm chỉ số huyết áp tâm thu và huyết áp tâm trương.

Huyết áp tâm thu, thể hiện trên máy đo huyết áp điện tử là chỉ số trên, là mức huyết áp cao nhất trong mạch máu khi tim co bóp.

Huyết áp tâm trương, thể hiện trên máy đo huyết áp điện tử là chỉ số dưới, là mức huyết áp thấp nhất trong mạch máu khi cơ tim thả lỏng giữa các lần tim co bóp.

Chỉ số huyết áp bao nhiêu là thấp?

Bình thường huyết áp tâm thu ở mức từ 100-140 mmHg và huyết áp tâm trương ở mức 60-90 mmHg.

Nếu huyết áp tâm thu ở mức trên 140 mmHg thì gọi là cao huyết áp. Còn huyết áp tâm thu ở mức thấp hơn 90 mmHg thì gọi là huyết áp thấp.

Một số dấu hiệu và triệu chứng huyết áp thấp

Thường đa số các trường hợp huyết áp thấp xuất hiện thoáng qua, không có triệu chứng, người bệnh vẫn có thể sinh hoạt bình thường.

Tuy nhiên một số người bị hạ huyết áp có thể cảm thấy lâng lâng, chóng mặt, mắt mờ, mệt mỏi, thậm chí ngất xỉu. 

Trong một số trường hợp, huyết áp xuống mức thấp lâu quá có thể dẫn đến tai biến mạch máu não, suy thận, suy tim. Vì vậy, nếu có các triệu chứng như trên thì người bệnh nên đến gặp bác sĩ để kiểm tra và tìm biện pháp đưa huyết áp trở lại mức bình thường.

Nguyên nhân gây ra huyết áp thấp

Các cơn hạ huyết áp gây nguy hiểm có thể xảy ra do một số nguyên nhân như:

- Môi trường nóng bức,cơ thể bị đổ mồ hôi nhiều dẫn đến tình trạng mất nước nghiêm trọng, hoặc tắm nước nóng quá lâu khiến mạch máu bị giãn nở.

- Mất máu xảy ra trong chu kỳ kinh nguyệt của phụ nữ, mất máu do các vết thương lớn ngoài da hoặc tình trạng xuất huyết bên trong cơ thể.

- Một số bệnh lý gây thiếu máu, nhiễm trùng máu.

- Sốc phản vệ khi cơ thể tiếp xúc với một kháng nguyên lạ như một số loại thuốc, thực phẩm gây ra một số phản ứng dị ứng trong đó có hạ huyết áp.

- Thay đổi tư thế đột ngột khiến tuần hoàn máu bị đình trệ tạm thời.

- Phụ nữ mang thai cần nhiều máu cho cả mẹ và thai nhi.

Một số biện pháp phòng ngừa huyết áp thấp

- Thường xuyên vận động, luyện tập thể dục hàng ngày phù hợp với sức khỏe và độ tuổi giúp duy trì lưu thông máu trong cơ thể.

- Tránh thay đổi tư thế đột ngột, chẳng hạn như đang ngồi và muốn đứng dậy thì cần đứng lên từ từ, tìm chỗ vịn để đứng lên để phòng ngừa tình trạng choáng váng, chóng mặt do hạ huyết áp.

- Chế độ ăn uống lành mạnh, đầy đủ dinh dưỡng. Cần uống nhiều nước để ngăn ngừa sự mất nước. Không quá cữ ăn mặn nhưng cũng không ăn muối nhiều hơn bình thường.

- Tránh uống thuốc huyết áp quá liều.

- Thường xuyên kiểm tra phòng ngừa các bệnh xuất huyết bên trong cơ thể như xuất huyết tiêu hóa...

Sơ cứu người bị hạ huyết áp

Trong trường hợp người bị hạ huyết áp có triệu chứng choáng váng, muốn ngất xỉu, cần sơ cứu bằng cách cho người bệnh nằm xuống, gác hai chân lên cao để máu từ chân trở về tim và lên não để não trở lại bình thường. Có thể cho người bệnh uống nước trong trường hợp bị mất nước.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio để nghe bác sĩ Phước Võ trình bày về chứng huyết áp thấp trong tạp chí Sức khỏe là Vàng.

Share