Sức khỏe là vàng: Chất sắt và chứng thiếu sắt

rau thit

Rau xanh và thịt là thực phẩm giàu chất sắt. Source: Pixabay

Thiếu sắt là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất, là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu trên thế giới. Ở Úc cứ tám người từ hai tuổi trở lên thì có một người không hấp thụ đủ lượng sắt bình thường. Chất sắt quan trọng với cơ thể con người như thế nào? Làm sao để cải thiện tình trạng thiếu sắt?


Trong cơ thể một người đàn ông bình thường có tổng lượng sắt là 4g, còn cơ thể một người phụ nữ bình thường có tổng cộng 3.5g sắt.

Vai trò của sắt trong cơ thể

Sắt có vai trò quan trọng đối với cơ thể người, bao gồm vận chuyển oxy trong máu từ phổi đến khắp cơ thể, lưu trữ oxy, tham gia vào quá trình sản xuất năng lượng thúc đẩy nhiều chức năng của tế bào, và góp phần vào hệ thống miễn dịch chống lại nhiễm trùng.

Theo thống kê của WHO, thiếu sắt là tình trạng thiếu hụt dinh dưỡng phổ biến nhất, là nguyên nhân hàng đầu gây thiếu máu trên thế giới. Đã từng có thời điểm 80% dân số thế giới bị thiếu sắt và 30% có thể bị thiếu máu do thiếu sắt.

Triệu chứng và dấu hiệu của thiếu sắt

Người thiếu sắt sẽ bị thiếu năng lượng, cảm thấy mệt mỏi, bơ phờ, yếu ớt, nhức đầu, hoa mắt, chóng mặt, giảm khả năng tập trung, trí nhớ kém, khó thở, đánh trống ngực, giảm khả năng học tập làm việc, giảm ham muốn tình dục.

Người bị thiếu sắt thường khó duy trì nhiệt độ cơ thể nên rất dễ bị lạnh.  

Thiếu sắt cũng làm giảm chức năng miễn dịch, dẫn đến dễ bị nhiễm trùng, bị cảm lạnh.

Trẻ nhỏ thiếu sắt thường biếng ăn, chậm phát triển.

Thiếu sắt cũng có thể gây các biến chứng sản khoa cho cả mẹ lẫn thai nhi.

Một số ít người bị thiếu sắt cũng có thể mắc chứng thèm ăn những thứ không phải là thực phẩm như phấn, đất sét ...

Nguyên nhân của tình trạng thiếu sắt gồm:

- Chế độ ăn uống không đủ chất.

- Kém hấp thu sắt trong trường hợp mắc các bệnh về đường tiêu hóa như viêm loét thực quản dạ dày tá tràng, viêm ruột, ung thư ruột...

- Nhu cầu chất sắt tăng lên, ví dụ như trẻ em trong độ tuổi đang phát triển, phụ nữ mang thai và cho con bú...

- Mất chất sắt do mất máu khi bị các bệnh đường tiết niệu, đường tiêu hóa, bị chấn thương, giải phẫu, hiến máu...

Điều trị thiếu sắt

Điều trị thiếu sắt ngoài việc bổ sung sắt thì bệnh nhân cần gặp bác sĩ để chấn đoán và điều trị nguyên nhân gây thiếu sắt.

Khẩu phần sắt được khuyến nghị trong chế độ ăn uống

Một người bình thường mỗi ngày chỉ cần hấp thụ 1mg sắt. Phụ nữ đang trong kỳ kinh có thể cần hấp thụ 1.5mg sắt. Tuy nhiên cơ thể chỉ hấp thụ khoảng 10-18% lượng sắt trong thức ăn. Vì thế các chuyên gia khuyên đàn ông và phụ nữ trên 50 tuổi cần hấp thụ lượng sắt 8mg mỗi ngày, phụ nữ trong độ tuổi có kinh nguyệt cần 18mg mỗi ngày, phụ nữ mang thai cần 27mg mỗi ngày.

Có một yếu tố quan trọng ảnh hưởng đến việc hấp thụ sắt, đó là nếu cơ thể bị thiếu sắt thì sẽ hấp thụ sắt nhiều hơn và ngược lại, cơ thể đủ sắt sẽ hấp thụ sắt ít hơn.

Có hai loại sắt trong chế độ ăn uống của mọi người, đó là sắt heme và sắt không heme. Trong đó, sắt heme hấp thụ dễ hơn 4-5 lần so với sắt không heme.

Trong đó, thịt động vật có chứa sắt heme và sắt không heme. Còn sữa, trứng và thực phẩm thực vật chỉ chứa sắt không heme.

Các yếu tố làm tăng hoặc giảm hấp thụ sắt

Nếu ăn thịt, cá chung với thực phẩm thực vật thì sắt trong thực phẩm thực vật được hấp thụ cao hơn gấp 3 lần. Thực phẩm giàu vitamin C và acid hữu cơ (trái cây, rau xanh) cũng góp phần làm tăng mức độ hấp thụ sắt.

Trong khi đó, thực phẩm chứa chất phytates (ngũ cốc, các loại đậu), phosphate (trứng), polyphenol (rượu vang đỏ), tannin (trà, cà phê), thực phẩm giàu canxi và thuốc bổ sung canxi cũng làm giảm mức độ hấp thụ sắt. Do đó không nên uống trà, cà phê gần bữa ăn, và không uống viên bổ sung sắt chung với sữa hoặc thuốc bổ sung canxi, vì như vậy sẽ làm giảm mức độ hấp thụ sắt.

Dùng thuốc bổ sung sắt

Thuốc bổ sung sắt phần lớn có thể mua mà không cần toa bác sĩ.

Thông thường một người được chẩn đoán thiếu sắt thì cần uống bổ sung sắt từ 3-6 tháng. Người bị thiếu máu cần uống bổ sung sắt liên tục cho đến 3 tháng sau khi hết tình trạng thiếu máu.

Liều bổ sung sắt thông thường mà mỗi ngày một viên. Nếu dùng liều cao hơn có thể dẫn đến tác dụng phụ như buồn nôn, đau bụng, táo bón.

Viên bổ sung sắt không nên uống kèm với trà, sữa, canxi vì những chất đó làm giảm khả năng hấp thụ sắt của cơ thể.

Đối với người bị thiếu máu do thiếu sắt mà được truyền máu thì vẫn cần uống bổ sung sắt.

Chất sắt và chế độ ăn chay

Người ăn chay có chế độ ăn uống đa dạng và cân bằng thì không có nguy cơ thiếu máu do thiếu sắt. Ăn nhiều ngũ cốc nguyên hạt, các loại đậu, trái cây sấy và rau lá xanh có thể cung cấp đủ lượng sắt cần thiết cho cơ thể. Việc ăn kèm thực phẩm giàu vitamin C và các acid hữu cơ cũng giúp tăng cường hấp thụ sắt.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio để nghe Bác sĩ Eric Hưng Trần trình bày chi tiết về vai trò của chất sắt và chứng thiếu sắt, trong tạp chí Sức khỏe là Vàng.

Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại 

Share