Sức khỏe là vàng: Bệnh Alzheimer

Alzheimer

Source: Pixabay

Alzheimer là căn bệnh khá phổ biến, gây mất trí nhớ do não bộ dần lão hóa theo thời gian. Nhưng bệnh có thể đến sớm hay muộn, mức độ nặng hay nhẹ, một phần là do lối sống và sinh hoạt của mỗi người. Làm thế nào nhận biết bệnh từ sớm để điều trị kịp thời hoặc làm chậm diễn biến của bệnh?


Alzheimer là bệnh gì?

Alzheimer là bệnh về thần kinh do những tế bào não bị chết dần dần khiến bộ não bị teo lại, là một trong những nguyên nhân phổ biến gây mất trí nhớ ở người già. Người bệnh theo thời gian sẽ mất dần các kỹ năng về suy nghĩ, về hành vi giao tiếp, không tự chăm sóc bản thân được. Ở giai đoạn cuối, người bệnh thường bị tổn thương não nghiêm trọng.

Bệnh Alzheimer phổ biến như thế nào?

Ở Úc có khoảng từ 400,000 đến 450,000 người cao tuổi bị mất trí nhớ, trong khi trên thế giới khoảng 50 triệu người mắc bệnh suy giảm trí nhớ, trong số đó khoảng 70% là bệnh nhân Alzheimer.

Những ai có nguy cơ mắc bệnh Alzheimer?

- Người càng lớn tuổi nguy cơ mắc bệnh Alzheimer càng cao.

- Tiền sử gia đình có người từng mắc bệnh Alzheimer.

- Những người bị suy giảm nhận thức, mắc hội chứng Down

- Người sống trong môi trường ô nhiễm hoặc có lối sống không lành mạnh như ít vận động, uống nhiều bia rượu, hút thuốc lá...

- Thường phụ nữ dễ bị bệnh Alzheimer hơn nam giới.

Những dấu hiện để sớm nhận biết bệnh Alzheimer

Ở giai đoạn đầu tiên, người bệnh có thể xuất hiện những triệu chứng bao gồm hay quên như nấu ăn xong quên tắt bếp, đi ra khỏi nhà quên đem chìa khóa, quên vị trí đồ vật vừa đặt. Triệu chứng quên dần dần xuất hiện ngày càng rõ ràng hơn, người thân sống chung có thể nhận thấy triệu chứng người bệnh hay quên hoặc là kể một câu chuyện lập đi lập lại nhiều lần.

Ở giai đoạn sau, bệnh nhân dần quên cách chăm sóc bản thân và sau đó họ không thể hoạt động thể chất bình thường nữa, không tự đi đứng được, mất khả năng ăn uống...

Người thân nên chú ý quan sát để sớm nhận biết những triệu chứng ban đầu của bệnh nhân và tìm bác sĩ chẩn đoán điều trị theo hướng tốt nhất.

Một số biện pháp giảm nguy cơ mắc bệnh Alzheimer

Có thể ngăn ngừa hoặc làm chậm tiến triển của bệnh bằng những cách như:

  • Học thêm một ngoại ngữ, học âm nhạc, học khiêu vũ, học chơi một nhạc cụ mới để kích thích não hoạt động thường xuyên.
  • Giữ mối liên hệ giao tiếp với bạn bè, nhưng tránh các mối quan hệ hay tranh cãi, xung đột.
  • Luyện trí não bằng những trò chơi trí tuệ như chơi đố chữ...
  • Chế độ ăn uống nhiều rau cải, đậu, trái cây tươi, các loại rau củ nhiều màu sắc.
  • Hạn chế ăn đường, muối và mỡ động vật
  • Không hút thuốc lá, hạn chế bia rượu.
  • Tập thể dục thường xuyên.
  • Ngủ đủ giấc, giữ tinh thần lạc quan.
  • Bổ sung vitamin A, B, D, E, chất chiết xuất từ lá cây bạch quả.
Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe bác sĩ Michael Dũng Cao từ Sydney trình bày chi tiết về bệnh Alzheimer trong tạp chí Sức khỏe là Vàng. 

Share