Tiểu đường là bệnh trạng khi lượng đường (glucose) trong máu tăng lên quá cao có thể làm tổn hại một số cơ quan trong cơ thể.
Tiểu đường là một trong những căn bệnh mãn tính phổ biến nhất, hiện trên thế giới có hơn bốn trăm triệu người mắc bệnh này.
Hiện nay tỷ lệ bệnh nhân tiểu đường gia tăng nhanh hơn cả bệnh nhân tim mạch và ung thư. Tất cả các loại bệnh tiểu đường đều đang ngày càng phổ biến, trong đó bệnh tiểu đường loại 1 chiếm 10%, loại 2 chiếm 85%, và tỷ lệ bệnh tiểu đường ở phụ nữ mang thai cũng ngày càng gia tăng.
Có nhiều lý do khiến bệnh biểu đường gia tăng nhanh, trong đó có việc ăn uống nhiều tinh bột, nhiều đường, nhất là uống các loại nước ngọt giải khát.
Bên cạnh đó, lối sống ít vận động, thừa cân béo phì cũng là nguyên nhân dẫn đến bệnh tiểu đường.
Điều quan trọng để giảm nguy cơ mắc bệnh hoặc kiểm soát bệnh tiểu đường là xây dựng lối sống lành mạnh hơn.
Để làm được điều đó, mọi người cần kiên trì thực hiện những thói quen tốt cho sức khỏe như:
- Thường xuyên vận động thể chất hàng ngày ở mức độ phù hợp, có thể dựa theo lời khuyên của bác sĩ.
- Có chế độ ăn uống lành mạnh, chia nhỏ các bữa ăn trong ngày, không ăn quá nhiều trong một bữa, không ăn nhiều thực phẩm chứa nhiều đường, chọn thức ăn giàu chất xơ, ít béo, ăn các thức ăn có chỉ số glycemic thấp như các loại mì từ khoai lang và kiều mạch, các loại đậu, bắp, các loại bánh mì có hạt...
- Duy trì cân nặng hợp lý, chỉ số thể trọng - BMI (Body Mass Index) ở mức tốt nhất là từ 18.5 đến 25.5. Chỉ số BMI được tính bằng cách chia trọng lượng cơ thể cho bình phương chiều cao.
- Không uống rượu bia, không hút thuốc.
- Giữ huyết áp ở mức trung bình. Bình thường ở người lớn có chỉ số huyết áp tâm thu dưới 120mmHg và huyết áp tâm trương dưới 80mmHg.
Trường hợp người bệnh phải uống thuốc kiểm soát đường huyết thì cần uống thuốc đều đặn theo toa, đồng thời kiểm tra sức khỏe thường xuyên để ngăn ngừa các biến chứng.
Nhân ngày Tiểu đường Thế giới - World Diabetes Day - 14/11, SBS Việt Ngữ mời bác sĩ Phước Võ trình bày về những điều cần lưu ý để phòng ngừa và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường. Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe toàn bộ nội dung phỏng vấn.