Sức khỏe là Vàng: Hội chứng suy nhược cơ

walking

Thường xuyên đi bộ giúp ngăn ngừa và cải thiện chứng suy nhược cơ. Source: Pixabay

Tình trạng khối cơ bắp trong cơ thể suy giảm và các cơ bị yếu đi được gọi là hội chứng sarcopenia. Chứng bệnh này nguy hiểm như thế nào và làm sao để ngăn ngừa?


Sarcopenia là gì?

Sarcopenia là hội chứng suy nhược cơ hay teo cơ, chủ yếu xảy ra ở người từ tuổi trung niên trở lên.

Trong quá trình sinh trưởng, số lượng cơ trong cơ thể mỗi người đạt mức cao nhất ở giai đoạn khoảng 45 tuổi. Sau khi phát triển đến mức tối đa, cơ thể bắt đầu thoái hóa khiến số lượng cơ giảm dần theo thời gian. Mỗi người có thể bị giảm từ 6 đến 10 kg cơ trong quá trình thoái hóa bình thường. Tuy nhiên vì một số lý do mà một số người bị mất số lượng cơ nhiều hơn, đó là những người mắc hội chứng sarcopenia, khiến họ có nguy cơ tử vong cao.

Vai trò quan trọng của cơ bắp 

Cơ bắp là thành phần lớn nhất trong cơ thể,thường chiếm 50% đến 60% trọng lượng cơ thể. Cơ bắp giúp cơ thể di chuyển linh hoạt, bảo vệ xương khớp. Cơ bắp cũng giúp dự trữ chất đạm, tổng hợp năng lượng có thể giúp cơ thể hồi phục nhanh hơn nếu bị bệnh.

Ngoài ra cơ bắp còn giúp điều hòa đường huyết, và tạo nhiệt để giữ ấm cơ thể.

Một người có cơ bắp bị yếu đi sẽ dễ bị té ngã, có nguy cơ bị gãy xương nghiêm trọng.

Một số nghiên cứu cho thấy số lượng cơ bắp bị giảm dẫn đến trí nhớ bị giảm sút, hệ miễn dịch bị yếu đi.

Nguy cơ mắc bệnh tim mạch, tiểu đường cũng tăng lên khi cơ bắp bị sụt giảm. Những bệnh nhân ung thư cũng giảm khả năng chống chọi với bệnh nếu cơ bắp của họ giảm đi.

Nguy cơ gây suy nhược cơ

Bên cạnh tình trạng lão hóa tự nhiên còn có một số yếu tố dẫn đến giảm khối lượng cơ như lối sống, di truyền và chế độ dinh dưỡng, vận động.

Những người hút thuốc, uống rượu nhiều, ít vận động thường xuyên sẽ dễ mắc chứng teo cơ. Vì thế mỗi người nên vận động ít nhất 30 phút mỗi ngày, chọn loại hình vận động nào có nâng một trọng lượng nhất định để tăng sức mạnh của cơ bắp.

Về ăn uống, những người ăn quá ít chất đạm thường dễ bị mất cơ bắp. Vì thế nên ăn mỗi ngày khoảng 100g chất đạm, có thể là đạm động vật (thịt, cá) hoặc đạm thực vật (đậu hủ, các loại đậu).

Những người ít tiếp xúc với ánh nắng và bị thiếu vitamin D cũng dễ bị suy giảm cơ bắp. Vì thế cần chú ý bổ sung vitamin D tùy theo nhu cầu cơ thể.

Những người mắc các bệnh mãn tính như tiểu đường, suy hô hấp, ung thư, tim mạch, đau khớp... cũng thường dễ bị teo cơ.

Ngoài ra việc dùng thuốc có steroid trong thời gian dài có thể dẫn đến suy nhược cơ.

Một số cách nhận biết triệu chứng suy nhược cơ

Có một số biện pháp kiểm tra tại nhà như nâng vật nặng khoảng 4 đến 4.5kg, đi bộ băng ngang qua phòng, giữ thăng bằng khi đứng lên ngồi xuống ghế 3 lần liên tiếp, giữ thăng bằng khi đi bộ lên xuống cầu thang. Nếu các hoạt động trên được thực hiện dễ dàng thì không có vấn đề suy nhược cơ.

Việc té ngã khoảng 3 lần trở lên trong một năm cũng là dấu hiệu của suy nhược cơ.

Ngoài ra có thể đo chu vi của bắp chân, nếu nhỏ hơn 32cm tức là cơ bắp có vấn đề, cần đến gặp bác sĩ để được kiểm tra. Bác sĩ có thể dùng thiết bị đo số lượng cơ bắp để xác định tình trạng suy nhược cơ.
protein
Chế độ ăn đủ chất đạm giúp duy trì mô cơ. Source: Pixabay
Điều trị và phòng ngừa suy nhược cơ

Việc điều trị làm chậm tiến trình bệnh và ngăn ngừa teo cơ chủ yếu bằng cách điều chỉnh lối sống và tăng cường vận động.

Về vận động cần thực hiện các bài tập giúp duy trì cơ bắp, tránh ngồi quá nhiều. Tốt nhất nên dựa theo lời khuyên của bác sĩ để tập luyện tùy theo thể trạng.

Đối với chế độ ăn uống cần bảo đảm đủ chất đạm, vitamin D và calo để ngăn chặn suy giảm cơ.

Mời quý vị bấm vào phần Audio để nghe bác sĩ Michael Dũng Cao trình bày chi tiết về hội chứng sarcopenia.

Share