Chúng tôi mở đầu câu chuyện bằng tiếng cười như ly vỡ của chị khi tôi hỏi chị "đi tàu bán chính thức" (*) mà cũng bị cướp hả?
Lúc ấy thì tiếng cười và câu chuyện mở đầu. Chị Yến là người Việt gốc Hoa ở Chợ Lớn, chị đi "bán chính thức" làm tôi nghĩ mình sẽ có một câu chuyện vượt biển không có nhiều thứ để 'lo lắng' so với những câu chuyện khác.
Tôi đã nghĩ vậy.
Tuy nhiên, tôi cũng đã nghĩ, mang trong đầu những câu chuyện đáng sợ về chuyện cướp giết và hãm hiếp vọng về từ những chuyến đi trước đó hẳn khi bước xuống tàu vào lúc 15 tuổi như chị kể, không khỏi có nhiều lo âu cho chính mình hay từ những người thân của mình.
Chị bục ra cười ồ lên một lần nữa khi tôi nói "15 tuổi, trổ mã rồi hả chị".
"Ừ trổ mã rồi mới bị."
Và tôi đã không nhìn ra không cảm thấy bất kỳ một chỉ dấu nào như tôi từng thấy từng gặp trước đó ở người thật hay trong sách trong phim về một vết cắt được bao bọc gói ghém chằng chịt cẩn thận như vậy để cái cây non tiếp tục lớn.
Những người dân hiền lành buộc phải rời Việt Nam trong cơn đại nạn của mình và của quốc gia họ đã đi qua địa ngục trần gian để trở lại cuộc đời này.
Họ, đã bằng tât cả nỗ lực của mình, sống lại.
Cuộc trò chuyện diễn ra tại buổi ra mắt sách 'Grandma's treasure shoes' của hai tác giả Úc và Việt tại Fairfield ở miền Tây Sydney.
Cuốn sách chuyện tranh thiếu nhi được đưa vào hệ thống thư viện quốc gia trên toàn nước Úc để kể cho các trẻ em Úc về câu chuyện tị nạn của những người chạy trốn Cộng sản đi khỏi Việt Nam qua hình ảnh của một bé gái với đôi giày.
Em đã không mang theo gì trên người ngoài đôi giày dưới chân.
Đôi giày đã đưa em đi vạn dặm vượt qua gian nguy để đến bến bờ tự do.
Đó là lịch sử của dân tộc em ở xứ người, và đó cũng là một phần lịch sử Úc, như tác giả cuốn sách chia sẻ.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Anh trai của Yến mất tích trong một chuyến vượt biển Source: Supplied
Gương mặt nhẫn nhịn ngơ ngác của cụ bà và khuôn mặt phúc hậu hiền lành của cụ ông tỏa ra một sự ấm áp cho người đối diện.
Đó là ba mẹ của Yến.
Hai người già đó đã đưa xuống tàu bảy đứa con sau khi đã mất đứa con trai cả trong lần vượt biên trước đó.
Phải đi qua bao nhiêu nước mắt để đến ngày hôm nay trong cuộc đời làm cha mẹ của hai con người này?
Phải đi qua bao nhiêu tầng địa ngục để gầy dựng cho nước Úc một đại gia đình những con người thiện lành và thành đạt?
Rất nhiều người trong buổi ra mắt sách đó là con cháu của hai vị và họ có mắt trong ngày sách ra mắt để cùng vui chung với người nhà mình.
Những người khách tham dự buổi ra mắt sách đủ màu da đủ nguồn gốc, đủ lứa tuổi. Ai trong số những con người cười nói an nhiên kia là người đã khổ nạn và giấu trong mình một vết thương?
Những ngày tháng Tư này mãi khắc dấu trong lịch sử loài người về một cuộc xâm chiếm của bóng tối với ánh sáng văn minh, của cái ác với cái thiện lành gây ra nồi da xáo thịt, gây ra một sự tung toé và tản mác dân chúng phải tha phương và lưu lạc khắp mọi phương trời.
Mỗi người chỉ có một phần đời để sống. Và những nạn nhân của Cộng sản đã sống với một vết thương sâu hoắm trong mình.
(*) đi tàu bán chính thức: Thuật ngữ dùng diễn tả việc trả vàng cho người của chính phủ đương thời để đi vượt biên. Đây là "chính sách" để thu tiền và đuổi người gốc Hoa ra khỏi Việt Nam rộ lên từ năm 1979, thời điểm diễn ra cuộc Chiến tranh Biên giới Việt - Trung. Theo "chính sách" này, đóng vàng, chồng tiền cho nhà nước thì được đường hoàng xuống tàu để đi, và chỉ dành cho người gốc Hoa. Muốn đi vượt biên thì phải tự lo tàu, sau đó kệ họ. Những tàu ko phải người Hoa sẽ bị bắt tù.
READ MORE
Ký ức tháng Tư: Chuyện của Tuấn