Ðã có một thời những người Việt sống như những linh hồn vất vưởng ngay trên quê hương mình. Ðó không phải là chọn lựa, thói quen hay tính cách, mà là sự bị tước đi quyền hạn và không gian sống của họ.
Sau năm 1975, lịch sử dân tộc Việt chứng kiến dân Việt tan tác chưa bao giờ như bây giờ.
Dưới sự lãnh đạo của những cái đầu kinh tế cày cuốc áp đặt lên xã hội tự do, tân tiến và phát triển của Miền Nam đã biến một nửa đất nước và con người phồn thịnh đĩnh đạc quy củ trở nên tan nát. Cả miền Nam phút chốc bi thương. Ngay cả những năm chiến tranh bom đạn người dân Việt cũng đã không bỏ nước hay bỏ xứ ra đi, ngay cả những người sống nơi địa đầu giới tuyến của mảnh đất Quảng Trị.
Thế nhưng cái gọi là hoà bình thống nhất lại đẩy những người dân Việt Nam vốn cần cù chăm chỉ và bám chặt vào đất đai bản quán đã phải rứt mình bỏ xứ ra đi, tan tát khắp chân trời góc bể, bất chấp cái chết vô tăm tích trên biển, bất chấp làm mồi cho cá hay rơi vào tay hải tặc còn hơn ở lại quê hương mình. Vì sao vậy?
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung
Tuấn, cậu thanh niên 21 tuổi, cựu sinh viên Văn Khoa – Thủ khoa Cao Đẳng Sư Phạm Nha Trang đã bị khai tử ngay khi còn sống và buộc phải sống như một linh hồn lang thang trên quê hương mình.
Chuyện bắt đầu bằng chuyến đi vượt biên đầu tiên vào năm 1977. Một chuyến đi vượt biên kỳ lạ: chiếc tàu ra đi thành công cùng với cha, em và bạn, nhưng Tuấn thì ở lại.
Tuấn những ngày ở trại tị nạn Source: Supplied
Ngày tốt nghiệp, ông thầy hiệu trưởng tốt bụng đến nói nhỏ vào tai cậu sinh viên giỏi nhất của trường năm đó “Con sẽ không đuợc nhận bằng Tốt Nghiệp hôm nay vì công an đã tới thu bằng của con rồi."
Công an có toàn quyền để làm tất cả liên quan đến sinh mệnh của một ai đó và không coi đó là con người. Công an - chứ không phải Bộ Giáo Dục, phân công Tuấn lên miền heo hút. Một hình thức lưu đày như cách người Cộng Sản đã đẩy người dân miền Nam lên vùng kinh tế mới.
Đó là một định mệnh, một món nợ lạ lùng của một con người đối với đất nước nơi mình đã sinh ra không thể trút bỏ được (...). Tôi nghĩ đã lỡ sinh ra làm người Việt Nam như vậy rồi, đã sống một kiếp như vậy, đã biết thế nào là đau khổ thế nào là ngục tù, thì cái nguyện vọng lớn nhất là một đất nước Việt Nam tự do.
Chàng sinh viên Thủ khoa tìm được tới nhiệm sở của mình vào một buổi chiều đìu hiu. Nhìn các thầy cởi trần thổi lửa nấu cơm trong trời chạng vạng giữa tiếng muỗi rừng vo ve Tuấn thấy đời mình xong rồi. Tối đó, xong bữa cơm rau muống với các thầy, Tuấn nằm võng đong đưa và quyết định quảy ba lô, nhảy cửa sổ, lội rừng ra đường tàu đu xe lửa về lại nhà Nha Trang.
Thật nhanh nhạy làm sao vừa về đến nhà chưa kịp định thần thì công an tới tìm.
Họ nói rằng anh không được ở nhà anh vì anh đã không còn hộ khẩu ở nhà.
Họ nói rằng họ đã cắt hộ khẩu của anh chuyển lên trường và anh phải quay lại trường.
Họ nói rằng ngôi nhà anh sống từ nhỏ cùng gia đình ba mẹ không phải là nhà anh vì anh không còn hộ khẩu ở đó và anh không được ở đó.
Họ nói rằng họ cho anh 24 tiếng đồng hồ để quay laị trường nếu không thì anh sẽ bị bắt.
Và từ đó bắt đầu những ngày lang thang của Tuấn. Những ngày về thăm mẹ phải ngủ ngoài ga, ngủ trên mái nhà của nhà mình, và ăn với mẹ chưa xong chén cơm đã bị bắt đi vì không có hộ khẩu ngay trong ngôi nhà mình.
Tuấn hội ngộ với Cha tại Úc sau bao nhiêu năm xa cách Source: Supplied
Ði tù cải tạo vì vượt biên không thành và Tuấn gặp ngay phải một viên công an vô lại. Có một sự căm ghét kỳ lạ ở tên quản giáo với Tuấn khi biết Tuấn là sinh viên Văn Khoa, và hắn chỉ muốn tìm cách để kết liễu Tuấn.
Tuấn sống những ngày trong trại với viên quản giáo ti tiện như thế nào và cuộc hội ngộ kỳ lạ giữa anh với hắn ngay trong trại tị nạn khi hắn là thuyền nhân mới đến còn Tuấn là Chủ tịch cộng đồng người Việt ở trại, chuyện gì tiếp theo sau đó?
Tuấn- 1979, những ngày lang thang ở Việt Nam và những chuyến đi không thành Source: Supplied
Chuyện của Tuấn, không chỉ là những chuyến đi hay kỷ lục về số lần vượt biên.
Chuyện của Tuấn cho chúng ta nhiều điều để suy ngẫm.
Liệu chuyện gì sẽ xảy ra nếu Tuấn bỏ cuộc?
Chắc chắc cộng đồng người Việt chúng ta không có một nhạc sĩ Hoàng Ngọc-Tuấn; các thế hệ học sinh Úc đã không có một thầy giáo dạy nhạc đầy cảm hứng để truyền tình yêu âm nhạc cho chúng; các văn sĩ bị bức hại đã không có một trang Tiền Vệ đầy uy tín để đăng tải tếng nói của họ; và trên hết chúng ta đã không có được câu chuyện ngày hôm nay để cùng chia sẻ với nhau, để thấy rằng có rât nhiều bài học qua câu chuyện này.
Liệu người Việt có đủ lớn để bước qua hận thù với người Cộng Sản, để không hành xử như Cộng Sản đã làm với người Cộng Hòa một mai sau này?
Liệu cái tự do mà người Việt bỏ mạng để tìm được là đủ để chúng ta bằng lòng và khép mình lại trong thế giới riêng của mình, và nguồn gốc Việt hay tên gọi Việt Nam không gì hơn chỉ là một cái tên.
Liệu người Việt chúng ta có đủ dũng khí, niềm tin, trí tuệ và nhơn hoà để xây dựng lại đất nước mình, một quê hương mà như Tuấn nói ai cũng có thể về thăm lại quê hương mình, đi khắp chiều dài từ Bắc chí Nam, gặp tất cả những bạn bè và có thể nói tất cả những chuyện muốn nói mà không ngại ngần, như đúng những điều chúng ta đang có hiện nay ở Úc, ở Mỹ hay ở đâu khác nhưng không phải là ở bên ngoài Việt Nam mà là ở ngay tại Việt Nam trên quê hương mình.
Đó là một chuyến đi chưa hết. Khi tôi đi như vậy để tôi tìm tự do. Khi tôi tìm thấy tự do rồi thì tôi nhận thấy cái tự do đó chỉ cho riêng mình tôi, mà như vậy thì nó nhỏ bé quá. Cái tự do tôi thực sự tôi muốn là tự do cho cả đất nước chứ không phải cho riêng tôi.
Và đó là con đường duy nhất để chúng ta tồn tại, không phải bây giờ, mà cả đời sau.
READ MORE
Ký ức tháng Tư: Chuyện của Hồng