Nuôi con ở Úc: Bài học giản dị về sự gắn kết trong đại gia đình

gia dinh chi Lien

Gia đình chị Kim Liên trong chuyến du lịch về Việt Nam cuối năm 2018. Source: nhân vật cung cấp

Phụng dưỡng mẹ cha, giữ gìn hòa khí trong nhà, làm gương cho con cái và cùng nhau tạo ra niềm vui, những điều giản dị ấy đã tạo nên sợi dây vững chắc kết nối các thành viên trong một gia đình ba thế hệ người Việt ở Úc.


Đối với chị Kim Liên, gia đình chị cũng như nhiều gia đình người Việt khác ở Úc, đó là nơi mà mỗi người tự ý thức giữ gìn sự hòa thuận và quan tâm chăm sóc lẫn nhau. Thế nhưng câu chuyện về đại gia đình của chị thực sự có nhiều điều nhắc nhớ mọi người về giá trị của sự gắn kết gia đình.

Ba thế hệ thương yêu chăm sóc nhau

Chị Kim Liên cùng với chồng và em gái của chị đang phụng dưỡng người mẹ năm nay đã ngoài tám mươi tuổi. Ba người con gái của chị ở tuổi trưởng thành cũng rất vui khi sống cùng với cha mẹ và bà ngoại.

Mẹ của chị Liên hiện sức khỏe không được tốt lắm, cần sự chăm sóc thường xuyên, nhưng tinh thần của bà rất tốt vì được sống quây quần bên con cháu. Và cũng rất may mắn vì toàn bộ thiết bị y tế, thuốc men để điều trị bệnh cho mẹ chị đều được chính phủ hỗ trợ đến tận nhà và tất cả đều miễn phí.

Chị Liên nói rằng việc phụng dưỡng mẹ cha là bổn phận của con cái. Điều đáng quý là chồng của chị cũng tận tình giúp chị trong việc chăm sóc mẹ.

Các con của chị Liên mặc dù sinh ra và lớn lên ở Úc, nay đều đã trưởng thành, có việc làm ổn định và có thể tự lập, nhưng vẫn thích sống trong đại gia đình và rất thương yêu kính trọng người lớn trong nhà.

Giữ gìn sự hòa thuận

Nhắc đến cuộc sống mà chị cho là rất đỗi bình thường trong đại gia đình của mình, chị Liên kể rằng ngày nào cũng vậy, mọi người ngoài thời gian nghỉ ngơi và làm công việc của riêng mình thì cùng nhau ăn cơm, trò chuyện hỏi thăm, quan tâm chăm sóc lẫn nhau và luôn giữ gìn hòa khí trong nhà.

Các con của chị lớn lên trong vòng tay thương yêu của cha mẹ cũng như bà ngoại và dì ruột, vì thế luôn thương yêu kính trọng và sẵn lòng giúp đỡ người lớn trong nhà.

Chị Liên nói rằng tình cảm chân thành của các con xuất phát từ tấm lòng, từ cảm nhận của con khi nhận được yêu thương, chứ không cần chị giải thích nhiều.

Riêng chị và ông xã luôn cố gắng giữ bầu không khí vui vẻ ấm êm trong nhà. Chị nói rằng khi các con nhận thấy tình yêu thương lan tỏa trong gia đình thì tự bản thân các con biết quý mến ông bà, cha mẹ. Những hành động cử chỉ của người lớn trong gia đình chính là tấm gương cho con cái noi theo.

Cho con trải nghiệm thực tế

Chia sẻ cách dạy cho con về đối nhân xử thế, chị Kim Liên nói rằng chắc hẳn mọi gia đình đều muốn con mình ngoan ngoãn, nên luôn cố gắng dạy cho con điều hay lẽ phải theo cách phù hợp nhất.

Quan niệm của chị Liên là cho con được tận mắt chứng kiến, so sánh và nhận xét, từ đó con có thể rút ra bài học cho mình và biết phân biệt tốt xấu để chọn hướng đi đúng cho mình.

Chẳng hạn như sau khi cho con nhìn thấy hình ảnh tệ nạn ma túy trong giới trẻ, chị lại cùng con đến những nơi có lối sống tích cực, hướng đến những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Từ đó các con của chị có thể rút ra bài học và định hướng tốt cho tương lai của mình.

Chị cũng dạy cho con cách chi tiêu đúng mực, biết tiết kiệm để có thể làm được những điều mình thích. Chẳng hạn như gia đình chị thích đi du lịch và luôn dành một khoản tiền cho các chuyến đi, nhưng đồng thời cũng dành dụm cho tương lai. Chị nói rằng tiết kiệm và chi tiêu hợp lý để có tài chánh dự phòng là một thói quen tốt của người Việt mà con của chị đã học hỏi và áp dụng.

Lạc quan với cuộc sống

Hồi trước đại dịch, gia đình chị Liên thường có những chuyến đi du lịch cùng nhau, và hầu như hàng tuần cả nhà đều có những bữa tiệc vui vẻ đầm ấm. Khi đó mỗi thành viên trong gia đình đều ý thức tạo ra sợi dây vững chắc gắn kết cả nhà. Các con của chị cũng có suy nghĩ giống mẹ, đó là luôn cố gắng tạo niềm vui và tận hưởng niềm vui trong cuộc sống. Đối với chị, việc tạo ra niềm vui trong nhà luôn là điều quan trọng nhất. Chị nói: “Cuộc sống ngắn ngủi lắm, thay vì buồn thì mình hãy tạo niềm vui.” 

Chị Liên nghĩ rằng chị có phần may mắn khi giữ được sự đầm ấm trong đại gia đình. Và phần thưởng đối với chị chính là câu nói đầy xúc động mà tất cả ba người con đều dành cho chị: “Con rất may mắn vì được làm con của ba mẹ.”

Khuyến khích các con tận hưởng hạnh phúc riêng

Mặc dù cả nhà hiện đang chung sống vui vẻ với nhau, nhưng chị Liên lại muốn các con của mình ra riêng sau khi lập gia đình. Lý do của chị rất đơn giản: lối sống có thể thay đổi tùy theo hoàn cảnh.

Chị nói rằng hiện tại không khí trong đại gia đình vui vẻ đầm ấm vì mọi người đã sống chung với nhau từ lâu, tất cả các sinh hoạt tập quán phong tục trong nhà đều đã quen như vậy. Nhưng chị nghĩ rằng một khi có thêm con rể thì mọi chuyện có thể khác, nên tốt nhất là cho con ra riêng để con tận hưởng hạnh phúc của mình.

Khi được hỏi vì sao vợ chồng chị sống chung với mẹ mà lại không muốn con gái và con rể sống cùng với mình, chị giải thích rằng mẹ của chị thuộc thế hệ trước, hoàn cảnh đơn chiếc mà lại không rành tiếng Anh, cũng không biết lái xe và tuổi cao sức yếu nên cần các con hỗ trợ. Bản thân chị cũng cảm thấy vui khi được chăm sóc phụng dưỡng mẹ. Còn đối với các con của chị thì không nhất thiết phải chung sống vì vợ chồng chị vẫn còn khỏe mạnh và có thể tự chăm sóc nhau. Đối với chị, việc các con tìm thấy niềm vui và hạnh phúc với cuộc sống của mình là điều quan trọng hơn cả.

“Cuộc đời mình cũng sẽ đến lúc có những thay đổi, nhưng trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng cố gắng tìm thấy niềm vui là được.”Đó chính là điều giản dị mà chị Kim Liên góp nhặt được khi cả nhà cũng nhau gắn kết tình cảm gia đình.

Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu trang để nghe cuộc trò chuyện với chị Kim Liên.

Share