Nuôi con ở Úc: Mẹ Việt lạc quan để thích ứng trong mùa dịch

ngoc

Chị Ngọc Nguyễn cùng con gái. Source: nhân vật cung cấp

“Mặc dù không thể đi làm, suốt ngày chỉ quanh quẩn trong nhà, nhưng lại không hề cảm thấy rảnh rỗi hoặc buồn chán”. Đó là chia sẻ của một phụ huynh ở Melbourne trong lúc ở nhà tránh dịch bệnh, bởi chị luôn có thái độ tích cực trong cuộc sống và tìm thấy niềm vui khi được ở bên con nhiều hơn.


Đối với chị Ngọc Nguyễn, mẹ của một bé gái ba tuổi, những năm đầu đời của con chính là khoảng thời gian quý báu mà cha mẹ có thể tiếp xúc, lắng nghe, chia sẻ và giúp con hình thành những tính cách tốt, có những suy nghĩ tích cực trong cuộc sống cũng như tạo nên những kỷ niệm đẹp cho gia đình và cho tuổi thơ của con.

Dịch bệnh là thử thách nhưng cũng là cơ hội

Chia sẻ với SBS Việt Ngữ, chị Ngọc nói rằng dịch bệnh là thử thách lớn đối với mọi người, nhưng cũng là cơ hội để chị có nhiều thời gian ở bên con và hiểu con hơn, đó là điều mà người mẹ nào cũng rất mong muốn.

Hồi trước khi dịch bệnh bùng phát ở Úc, chị cũng như nhiều người khác phải đi học, đi làm để mưu sinh và gặp nhiều áp lực trong cuộc sống. Chính vì thế chị cũng gặp khó khăn khi thu xếp thời gian ở bên con, chơi đùa cùng con, chia sẻ với con. Thường thì chị chỉ có thể ở bên con vào buổi tối và sáng sớm, trước khi con đến trường.

Đến khi lệnh phong tỏa được áp dụng ở Melbourne, con của chị phải nghỉ học và nơi làm việc của chị cũng đóng cửa nên chị phải ở nhà. Việc học của chị được chuyển sang hình thức online. Khi đó chị có gần như toàn thời gian ở bên con. Một ngày bình thường của chị và con gái trong giai đoạn phong tỏa này phần lớn là ở nhà đọc sách, nấu ăn. Chị còn tạo thêm nhiều hoạt động cho con vừa học vừa chơi như làm bánh, cho con tô màu, vẽ tranh, cũng như dạy con phụ giúp mẹ những việc nhỏ trong nhà, dạy con làm quen với bảng chữ cái.
ngoc
Con của chị Ngọc rất thích hoạt động vẽ tranh, tô màu. Source: nhân vật cung cấp
Hàng ngày chị cũng cho con trò chuyện facetime với ông bà ở Việt Nam để con có cảm giác gần gũi với ông bà nhiều hơn, và đó cũng là cơ hội để con được học thêm tiếng Việt.

Chị chia sẻ rằng trong khi nghỉ ở nhà thì chị cảm thấy bận rộn hơn nhiều, nhưng tình cảm gia đình, ông bà cha mẹ gắn bó hơn trước. Đặc biệt là chị được gần gũi trọn vẹn với con trong những năm đầu đời của con, tạo được cho con những kỷ niệm tuổi thơ quý báu mà không điều gì có thể sánh bằng.

Học hỏi thêm nhiều kiến thức nuôi dạy con

Trong thời gian này chị cũng học hỏi thêm được nhiều kiến thức về nuôi dạy con và nấu ăn từ các chị em trong nhóm Mẹ Việt tại Úc. Chị cũng bắt đầu cảm thấy mình cần làm nhiều điều cho con hơn nữa, đặc biệt là khi con gái ở tuổi lên ba đang trong giai đoạn phát triển ngôn ngữ và phát triển về tính cách.

Thấy con rất thích khám phá thế giới xung quanh và bắt đầu học làm theo những hành động ứng xử của mọi người, chị tạo cơ hội cho con được học hỏi nhiều hơn. Chị dạy cho con ghép từ ngữ để nói những câu dài. Chị cũng dạy cho con về giới tính, để con biết cách ứng xử và biết bảo vệ mình trước người lạ.

Niềm vui khi thấy con tiến bộ nhanh

Khi thường xuyên ở bên con, chị quan sát thấy con học hỏi nhanh và biết làm nhiều điều mới. Bé biết vâng lời và muốn giúp mẹ nhiều hơn. Bé biết chủ động làm những việc trong nhà như dọn dẹp đồ chơi của mình, cất giày vào đúng chỗ, phụ giúp mẹ xếp quần áo.

Bé cũng nói tiếng Việt giỏi hơn và trở nên gần gũi với ông bà ở Việt Nam nhiều hơn, đó là điều khiến chị cảm thấy rất vui.

Trong cách ứng xử, bé tự biết bộc lộ tình cảm dành cho người thân. Chẳng hạn như khi làm sai một điều gì đó khiến mẹ giận, thì bé xin lỗi mẹ và nói “con thương mẹ rất nhiều”. Đó chính là câu nói tự bé hình thành trong suy nghĩ và khiến chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Trong thời gian ở nhà cùng con, chị cũng cho con tham gia những hoạt động mà bé rất thích như làm bánh, chuẩn bị bàn ăn… Bé học các kỹ năng mới rất nhanh, thường xuyên đặt câu hỏi và ghi nhớ những điều cần làm.
ngoc
Chị Ngọc dạy con gái làm bánh. Source: nhân vật cung cấp
Ngoài ra chị tạo cho con niềm say mê đọc sách bằng cách giữ thói quen đọc truyện cho con vào buổi tối trước khi đi ngủ. Đó có thể là những mẫu chuyện về động vật, về những nhân vật hoạt hình mà bé yêu thích, chị vừa đọc vừa giải thích cho bé những điều mới, đồng thời dạy cho con những từ vựng mới.

Chuẩn bị cho những thay đổi sau đại dịch

Khi tuân thủ các lệnh hạn chế do dịch bệnh, cuộc sống thường ngày của mọi người bị xáo trộn nên ai cũng phải cố gắng thích nghi, cố gắng ở nhà giữ an toàn cho sức khỏe mà không bị ảnh hưởng quá nhiều về mặt tâm lý. Và khi dịch bệnh được kiểm soát tốt hơn thì mọi người sẽ trở lại với công việc, trẻ em được tiếp tục đến trường. Bản thân chị Ngọc đã có những chuẩn bị về mặt tâm lý trước khi lệnh phong tỏa dần dần được dỡ bỏ tại Melbourne.

Cũng như tất cả mọi người, chị hi vọng dịch bệnh sẽ mau kết thúc và mọi hoạt động sẽ trở lại bình thường. Nhưng chị nghĩ rằng khi các lệnh hạn chế được dỡ bỏ thì mọi người sẽ bước vào một trạng thái bình thường mới, sẽ không giống hoàn toàn như trước khi dịch bệnh xảy ra. Khi đó chắc là mọi người vẫn phải luôn cẩn trọng giữ gìn sức khỏe của mình và không thể chủ quan trước dịch bệnh.

Kế hoạch của chị Ngọc sắp tới là trở lại với công việc và tiếp tục hoàn thành khóa học ở trường, đồng thời chị cũng sắp xếp để có thể dành thời gian cho con nhiều hơn. Chị nghĩ rằng điều quan trọng là tận dụng tốt thời gian ở bên con như vào buổi tối và những ngày nghỉ thì em sẽ cùng con đọc sách, làm các món ăn và trò chuyện với con, dạy con nhiều điều mới, chia sẻ với con những tình cảm và suy nghĩ của con để mẹ và con càng hiểu nhau hơn.

Có thể thấy qua câu chuyện nuôi dạy con chị Ngọc Nguyễn có bóng dáng của nhiều mẹ Việt ở Úc, những người luôn cố gắng giữ thái độ lạc quan và tích cực trong cuộc sống và lúc nào cũng muốn làm tốt vai trò của đấng sinh thành trong hành trình nuôi dạy con.

Share