Chị Ngọc Yến ở Brisbane là mẹ của một bé gái vừa tròn 15 tháng tuổi. Từ lúc quen biết cho đến khi tiến tới hôn nhân, chị và ông xã người Úc nhận thấy có rất nhiều điểm khác biệt về văn hóa, lối sống cũng như cách suy nghĩ. Chồng chị là người tương đối đơn giản và dễ tính, trong khi chị là người hay suy nghĩ nhiều và thường lo xa.
Nhiều suy nghĩ khác biệt trong nuôi dạy con
Chị Yến chia sẻ rằng từ lúc mang thai cho đến khi sinh con, chị đã có những băn khoăn khi nghĩ đến việc nuôi dạy con trong gia đình có hai nền văn hóa khác nhau. Thực tế vợ chồng chị có rất nhiều khác biệt trong suy nghĩ. Chẳng hạn như chị muốn theo quan điểm của người Á châu rằng phụ nữ mang thai cần kiêng cữ nhiều thứ để tốt cho thai nhi. Còn chồng chị theo quan điểm của người Úc là tất cả thuận theo tự nhiên. Chị chia sẻ rằng thời kỳ đầu thì thai của chị hơi yếu, chị rất lo lắng và hỏi bác sĩ tư vấn về thuốc an thai và những điều cần kiêng cữ thì chị nhận được câu trả lời là cứ để cho mọi việc diễn ra theo chọn lọc tự nhiên. Điều đó đã khiến chị không khỏi lo lắng.
Về kế hoạch chăm sóc em bé sơ sinh thì chị muốn nhờ cha mẹ ruột từ Việt Nam sang để giúp đỡ, nhưng chồng chị rất bỡ ngỡ với điều đó. Anh cho rằng chăm con là việc của vợ chồng chị, ông bà của bé chỉ đến chơi vài ngày là đủ rồi. Ngoài ra chị còn muốn thử áp dụng một số kinh nghiệm dân gian của người Việt như cắt tóc và bấm lông mi cho bé sơ sinh để kích thích tóc và lông mi của bé mọc nhiều hơn, hoặc là hơ nóng lá trầu để làm ấm cho em bé. Chồng chị đã phản đối vì không tin vào những kinh nghiệm dân gian đó.
Chị Yến cũng nói rằng cách tiếp cận kiến thức nuôi dạy con của vợ chồng chị cũng khác nhau. Chồng chị nghe theo lời khuyên của những người có kinh nghiệm trong gia đình, còn chị dựa vào tài liệu sách vở. Vì thế đôi khi cũng có những khác biệt giữa kiến thức trong sách và lời khuyên của người thân.
Tìm quan điểm chung
Để tìm đến quan điểm chung trong cách nuôi dạy con, chị đã dần thuyết phục được chồng đồng thuận một số việc như mời ông bà ngoại sang chăm cháu trong ba tháng đầu. Việc đó đã giúp chị giảm áp lực rất nhiều sau khi sinh con. Mặt khác, chị đã đồng ý với chồng là không áp dụng một số mẹo vặt dân gian trong việc chăm sóc con. Chị cho biết, vợ chồng chị luôn có sự bàn bạc với nhau để đi đến thống nhất.
Niềm vui chăm con trong gia đình đa văn hóa
Chị Yến nói rằng hiện tại chị luôn tìm thấy niềm vui khi nuôi dạy con trong gia đình đa văn hóa. Bởi chị đã học hỏi được nhiều điều hay từ sách vở cũng như trong văn hóa Úc và văn hóa Việt để áp dụng cho con của mình.
Vợ chồng chị giữ quan điểm chung khi dạy con là cha mẹ làm gương, làm mẫu cho con trong mọi việc. Chẳng hạn như việc dạy cho con về khái niệm ăn uống, từ khi con khoảng 4 tháng tuổi thì cha mẹ ăn trước mặt con, con ngồi chơi và nhìn cha mẹ dùng bữa và trò chuyện vui vẻ với nhau. Khi con bắt đầu tập ăn thì cha mẹ chuẩn bị phần ăn riêng cho con, và để con ăn uống tự do. Con có thể làm rơi vãi thức ăn nhưng quan trọng là biết tự ăn mà không cần cha mẹ đút.Trong quá trình chăm sóc con, chị Yến nói rằng nhiều lúc chị cũng cảm thấy rất mệt mỏi. Những lúc quá căng thẳng khi con quấy khóc nhiều mà chị không dỗ con nín được, chị chọn giải pháp là đi qua phòng khác rồi đóng cửa lại và ngồi ở đó khoảng năm phút. Lúc đó con có thể vẫn còn khóc, nhưng chị quyết định phải tách mình khỏi con, để chị có thời gian bình tĩnh lại, không nổi nóng, không hành xử thô lỗ với con. Sau khi qua phòng khác, chị có thể ngồi xem điện thoại hoặc là ngắm cảnh vật xung quanh để tâm trạng được khuây khỏa. Sau năm phút chị quay trở về bên con thì chị cảm thấy trong lòng dịu lại và bình yên hơn. Chị nói rằng đó là cách làm rất hiệu quả để tránh căng thẳng quá mức, nhất là đối với người mẹ mới sinh con.
Bé Heidi tập ăn. Source: Supplied
Cảm thấy may mắn khi con được tập nói hai thứ tiếng
Con gái chị Yến đang trong độ tuổi tập nói. Chị áp dụng phương pháp lập đi lập lại để dạy cho bé những từ thường dùng hàng ngày, và thường xuyên đọc sách cho bé nghe. Vợ chồng chị cũng dạy con nói bằng cách thực hành và để cho con bắt chước như một thói quen. Điều chị cảm thấy may mắn nhất là bé được học tiếng Anh từ ba và học tiếng Việt từ mẹ. Chị mong muốn con nói được hai ngôn ngữ một cách tự nhiên từ nhỏ.
Khi được hỏi liệu bé có gặp khó khăn về tiếp nhận ngôn ngữ khi được dạy cùng lúc hai thứ tiếng khác nhau, chị nói rằng bé vẫn phát triển tốt, có thể hiểu và nhận biết được thông điệp từ cha mẹ bằng tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Chị tin rằng con được học hai thứ tiếng là một thế mạnh so với các trẻ trong gia đình chỉ nói một ngôn ngữ.Chia sẻ với các phụ huynh nuôi dạy con trong gia đình đa văn hóa
Bé Heidi, con của chị Ngọc Yến. Source: Supplied
Theo chị Ngọc Yến, văn hóa của mỗi nước đều có những ưu điểm để phụ huynh có thể chọn lọc và áp dụng một cách phù hợp. Chị nói rằng quá trình nuôi dạy con trong gia đình đa văn hóa có thể xuất hiện nhiều bất đồng. Khi đó phụ huynh không nên quá nôn nóng, hãy thuyết phục nhau một cách khéo léo để cùng nhau đi đến một phương pháp tốt nhất.
Chị tin rằng trong mọi gia đình dù có sự khác biệt văn hóa như thế nào thì vẫn có thể dung hòa được, khi các thành viên biết cảm thông, tôn trọng, lắng nghe và sẵn lòng chia sẻ với nhau. Điều quan trọng nhất vẫn là cha mẹ thương yêu, hòa thuận, quan tâm chăm sóc nhau, cùng nhau nuôi dạy con thì chắc chắn con sẽ phát triển tốt.Mời quý vị bấm vào biểu tượng Audio trong hình ở đầu trang để nghe nội dung cuộc phỏng vấn chị Ngọc Yến.
Gia đình chị Ngọc Yến ở Brisbane, Queensland. Source: Supplied
Thêm thông tin và cập nhật Like Nghe SBS Radio bằng tiếng Việt mỗi tối lúc 7pm tại