Người Việt ở New Caledonia và nhu cầu độc lập

Noumea, New Caledonia

Khu bảo tồn văn hóa Việt Nam ở Noumea Source: SBS/Vinh Hoang

Tháng 11 tới đây, New Caledonia (Tân Thế Giới) sẽ trưng cầu xem dân có muốn độc lập khỏi Pháp hay không. Người Việt chiếm 1% dân số tại đây nghĩ gì?


New Caledonia cách nước Úc khoảng 1.200 cây số về hướng Đông, thủ đô là Noumea hay còn được mệnh danh là "Paris ở Thái Bình Dương."

Theo thống kê 2018, dân số tại đây là 279.821 người, trong đó người Việt chiếm khoảng 1%, tức dưới 3.000 người.

Ông Nguyễn Minh Tâm, một cựu công chức hiện đã về hưu cho biết, "Những người Việt sinh đẻ ở trên đảo có công việc làm trí óc, còn những người quay lại sau này do không rành tiếng Pháp thường phải làm những công việc chân tay."

"Nhưng có khi người làm công việc chân tay lại kiếm được nhiều tiền hơn," ông Tâm nói.

Hầu hết người Việt thuộc thế hệ thứ hai trên đảo đều nói tiếng Việt như người Việt.

Noumea, New Caledonia
Bà Én và con trai Source: SBS/Vinh Hoang


Bà Bùi thị Én, một thương gia rất thành công ở Noumea kể các cụ đi phu ngày xưa mở lớp dạy tiếng Việt cho các trẻ mỗi tối.

"Ở nhà bắt buộc phải nói tiếng Việt. Đến khi tôi có con tôi cũng giữ như vậy nhưng các cháu bây giờ nói được mà không đọc được nhiều."

*Bấm phần audio ở trên để nghe Công Minh phỏng vấn một người dân ở Noumea, anh Michael Trần.

Dân số địa lý

New Caledonia bao gồm một trong những đảo lớn nhất trong Thái Bình Dương là Grande Terre và nhiều hòn đảo nhỏ. Diện tích của Tân Thế Giới khoảng 19.000 cây số vuông, với 2.254 cây số bờ biển.

Nhà thám hiểm người Anh, James Cook tìm thấy Grande Terre năm 1774 và đặt tên là New Caledonia (chữ Caledonia xuất phát từ tiếng La-tinh nghĩa là Scotland), sau đó là người Pháp, và cả hai định cư trên đảo từ nửa đầu của thế kỷ 19.

Năm 1853 Pháp lấy Tân Thế Giới làm thuộc địa, và trong suốt 40 năm kể từ 1864 lấy đó làm nơi đày tội phạm. Kể từ năm 1956 Tân Thế Giới trở thành lãnh thổ hải ngoại của Pháp.

Người Kanak bản xứ chiếm 42,5%, người da trắng đến từ Âu châu chiếm khoảng 37%, còn lại là các sắc dân khác mà nhiều hơn hết là Wallisian, Polynesian, Indonesian, và người Việt.

Riêng tại Noumea bé tí đã có hai cái casino. Vật giá ở đây thuộc loại đắc đỏ, nhưng nhà hàng nào cũng thấy đầy ắp thực khách mặc dù hiếm thấy người thổ dân trong đó.

Có một số thổ dân tụ tập từng nhóm nhỏ chung quanh chợ hay các trạm xe buýt, tối đến thì lang thang trên đường khi phố xá đã đóng cửa.

"Đó là lý do tại sao các cửa hàng dưới phố đều có cửa song sắt," ông Tâm giải thích.

Người thổ dân sống trong buôn làng nhiều hơn, "Đói thì họ lên rừng đào củ, săn thú, cá thì đầy dưới biển, không sợ đói," chị Hằng có tiệm ăn ở Noumea cho biết.
Noumea, New Caledonia
Vợ chồng ông Cương Source: SBS/Vinh Hoang
Khởi đầu gian nan

Ông Nguyễn Cương đã ngoài 60, có cửa hàng tạp hóa và chuyên sản xuất cá hun khói, một đặc sản của Noumea, nhưng lấy tên hiệu nghe rất Việt Nam, La Cigogne (Con cò), nhớ lại thời người Việt mới tới Noumea rất khổ.

"Người Việt vào lúc đó (còn được gọi là Chân Đăng) phải nói không bằng con vật. Họ bị khai thác triệt để, thậm chí còn bị đánh đập."

Để bảo vệ nhau, các cụ theo con đường đấu tranh của Việt Minh để tổ chức lại.

"Đến khi Pháp bại trận ở Điện Biên Phủ phải rời Việt Nam, một số người Pháp và Pháp lai sang Noumea, rồi phát động chiến dịch bài người Việt, thí dụ như kẻ khẩu hiệu đuổi người Việt, đóng cửa các lớp ḍay tiếng Việt, thậm chí cài mìn xe của người Việt hay phá phách."

Nương theo đó các cụ đòi quyền được hồi hương. Kết quả chính quyền Pháp phải đồng ý, 11 chiếc tàu chở khoảng 5.000 người từ Tân Thế Giới và Tân Đảo (Vanuatu) lần lượt trở về Việt Nam.

"Ông bố nuôi của tôi là một trong những người lãnh đạo đòi quyền hồi hương, nhưng khi về tới Hải Phòng thì nhiều người vỡ mộng. Thư từ bị kiểm duyệt họ không làm sao thông báo được cho những người đang chuẩn bị về, muộn rồi, đành phải ngậm bồ hòn làm ngọt," ông Cương kể.

Trước đó có một linh mục Công giáo đến Noumea vận động mọi người đừng theo Việt Minh và có khoảng 1.000 người nghe lời linh mục Nguyễn Duy Tôn đã ở lại Noumea.

Mãi đến thập niên 1980, lần đầu tiên con cháu của những người hồi hương mới có dịp gặp lại thân nhân khi về thăm nhà. Một số người sau đó tìm cách bảo lãnh cho gia đình trở lại Tân Thế Giới.

Tôn giáo xã hội

Người Tân Thế Giới đa số theo đạo Công giáo, chiếm 60%, 30% theo đạo Tin Lành, 10% các tôn giáo khác.

Cộng đồng người Việt theo đạo Công giáo có mặt từ những ngày đầu đặt chân lên đảo.
Noumea, New Caledonia
Đại đức Thích Phước Thiền Source: SBS/Vinh Hoang
Có một ngôi chùa gọi là Nam Hải Phổ Đà ở Noumea, mà sư trụ trì là Đại Đức Thích Phước Thiền, từ Úc sang giúp gầy dựng chùa trước khi giao lại cho người ở địa phương.

"Phải nói là người ở đây có duyên vì hiện hai thầy còn rất trẻ, sinh đẻ ở Tân Thế Giới, đang tu ở Úc và khi thành đạt sẽ về trông coi chùa."

Sinh hoạt của cộng đồng người Việt gắn liền với sinh hoạt của chùa và nhà thờ. Họ cũng lập Nhà Việt Nam và tổ chức các lớp day tiếng Việt, dạy võ, dạy thiền cho ai muốn tham gia.

Tân Thế Giới là một xã hội đa văn hóa. Con cháu của những người Pháp da trắng lâu đời trên đảo gọi họ là "Caldoch", tức người Tân Thế Giới da trắng, mang đậm nét văn hóa đồng quê.

Người Kanak có truyền thống văn hóa lâu đời, nổi bậc có vũ điệu dân tộc pilou kể những sinh hoạt quan trọng trong cuộc sống và chúng ta có thể nhìn thấy biểu hiện của nền văn hóa đó khắp nơi trên đảo.

Chị Chatelain (Nguyệt) Raymonde, thuộc thế hệ thứ ba ở Tân Thế Giới, say sưa giới thiệu đồ mỹ nghệ của các bộ lạc thiểu số trong vùng Thái Bình Dương trong cửa hàng của chị.

Chị lạc quan về tương lai của Tân Thế Giới, "Nơi đây có khoảng 25% trữ lượng kền biết được trên thế giới, và đó cũng là mặt hàng xuất khẩu chính, kế đến là đồ biển."

Với những nguồn đầu tư mới và giá trên thế giới hồi phục, kền đem lại viễn ảnh sáng lạn cho kinh tế của Tân Thế Giới trong nhiều năm tới.

Nguồn thu nhập đáng kể khác là du lịch. Ngoài ra hàng năm Pháp tức mẫu quốc cung cấp hơn ¼ GDP cho Tân Thế Giới.
Noumea, New Caledonia
Kể từ sau năm 2014, Tân Thế Giới được quyền tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập và một cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay. Source: SBS/Vinh Hoang
Nhu cầu độc lập

Người Kanak bản xứ da đen bắt đầu nói đến nhu cầu đòi độc lập từ thập niên 1960, 1970 do những người được qua du học ở Pháp khởi xướng.

Năm 1985 người Kanak dưới sự lãnh đạo của Mặt trận giải phóng dân tộc Kanak đứng lên đòi độc lập để lập ra nước Kanaky, là tiếng bản xứ của Caledonia.

Vào thời điểm đó đã xảy ra những vụ bạo loạn, dẫn đến cái chết của các con tin người Pháp da trắng ở Ouvéa năm 1988, và lãnh đạo Mặt trận giải phóng FLNKS Jean Marie Tjibaou bị ám sát năm 1989.

Hai biến cố này dẫn tới Hòa ước Mitignon 1988 và Hòa ước Noumea 1998 gia tăng quyền tự trị cho Tân Thế Giới.

Theo Hòa ước Noumea 1998 thì kể từ sau năm 2014, Tân Thế Giới được quyền tổ chức trưng cầu dân ý về độc lập. Một cuộc bỏ phiếu sẽ được tổ chức vào tháng 11 năm nay.

Là công dân của Tân Thế Giới, người gốc Việt có quan tâm đến vấn đề độc lập hay không?

"Nếu nói độc lập cho riêng người da đen thì tôi nghĩ không bao giờ xảy ra, nhưng có thể cho mọi cộng đồng ở đây."

"Nhưng người ta thường nhắc nhở nhau là sau khi được độc lập, người dân ở Tân Đảo vẫn hỏi bao giờ thì mất độc lập, vì đời sống của họ thua trước nhiều," ông Cương nói.




Share