Trải qua gần ba mươi cái Tết ở Úc, chú Long và cô Trang vẫn còn nhớ cảm xúc của những mùa xuân đầu tiên trên quê hương thứ hai của mình.
“Năm đầu tiên buồn lắm. Lúc đi chợ Tết nghe bài hát ‘Xuân này con không về’ thì hai hàng nước mắt cứ rơi.”- Cô Trang kể.
Chú Long cho biết, gia đình của chú lúc đầu ở Canberra, nơi rất ít người Việt, nên khi đến Sydney thì mới thấy được không khí Tết Việt rộn ràng.
Đến khi chuyển về Melbourne ở tuổi nghỉ hưu, cô chú bắt đầu tham gia sinh hoạt cộng đồng nhiều hơn. Đặc biệt các hoạt động của hội cao niên hầu như lúc nào cũng có sự đóng góp tích cực của cô chú.
“Tết nay đã khác nhiều, vì nay cô chú tham gia sinh hoạt đồng nhiều hơn, quen biết nhiều người hơn, tham gia hội cao niên, năm nào cũng trình diễn các tiết mục văn nghệ...”
Chú Long và cô Trang cũng cố gắng giữ truyền thống Tết cho con cháu qua các món ăn đặc trưng không thể thiếu vào dịp năm mới như thịt kho, dưa giá, bánh tét, bánh chưng, canh khổ qua..
“Theo cuộc sống, cái gì mình giản dị được gì thì giản dị, nhưng những cái chánh yếu thì mình giữ, ví dụ như chúc Tết ông bà, đi lễ chùa... mình phải giữ được những cái đó.”
Cô Trang nghĩ rằng giữ truyền thống là cần thiết, nhưng nên giữ theo cách phù hợp với điều kiện hoàn cảnh của mình.
Mình ở đâu thì mình thích nghi, miễn là đừng quên cội nguồn.
“Mình sống đâu thì mình theo đó, đừng ép con cháu theo mình vì như vậy thì dễ xa cách với con cháu. Mình phải biết dung hòa để con cháu để con cháu gần mình hơn.” Đó là điều mà chú Long muốn nhắn gửi đến các cô bác cao niên.
Chia sẻ với SBS Việt Ngữ, cô Trang và chú Long cũng bày tỏ mong muốn thế hệ trẻ người Việt tiếp nối được những gì mà thế hệ trước đã làm tốt, và có bước tiến hơn nữa để có thêm tiếng nói cho cộng đồng người Việt ở Úc.
Mời quý vị vào Audio hoặc Video để nghe cuộc trò chuyện với gia đình chú Long cô Trang.