Ứng cử viên tổng thống của đảng Dân chủ Joe Biden đã mạnh mẽ chỉ trích Tổng thống Hoa kỳ Donald Trump về cách đối phó với dịch coronavirus, đồng thời ông cũng cố gắng chứng minh với cử tri về cách ông giải quyết cuộc các cuộc khủng hoảng kinh tế và sức khỏe cộng đồng nếu ông đắc cử vào Tòa Bạch Ốc.
Ông Biden cáo buộc Tổng thống Trump đã từ chối lãnh đạo đất nước qua cơn đại dịch:
"Bất chấp việc chính quyền tuyên truyền rằng nên ăn mừng vì những đáp ứng của họ (đối với đại dịch), bất chấp việc Tổng thống Trump yêu cầu chúng ta nên giảm bớt việc thử nghiệm vì cho rằng điều đó làm hình ảnh ông ta xấu đi, COVID-19 vẫn tồn tại ở đây và mối đe dọa từng ngày đối với sức khỏe của người dân Mỹ và sự thịnh vượng của đất nước này vẫn đang tiếp diễn. Vấn đề không nhất thiết phải diễn tiến theo cách như vậy.
"Từ tháng này qua tháng khác, dẫu các nhà lãnh đạo ở các nước khác thực hiện các bước cần thiết để kiểm soát virus, Donald Trump đã làm chúng ta thất vọng. Tháng này qua tháng khác, dẫu nhiều người trong chúng ta thúc giục ông ấy tăng cường (các biện pháp đối phó) và thực hiện trách nhiệm của mình, ông ấy vẫn không đáp ứng được yêu cầu của chúng ta."
Trong khi đó, báo The Guardian loan tin Hoa Kỳ đã mua lại toàn bộ lượng thuốc Remdesivir dự trữ trên thế giới được cho là loại dược phẩm chính chống virus COVID-19.
Remdesivir được cho là có tác dụng giúp người bệnh coronavirus hồi phục.
Các chuyên gia nói rằng không còn một lượng dự trữ thuốc Remdesivir nào cho các nước còn lại.
Bộ trưởng y tế và Dic̣h vụ Nhân sinh của Hoa Kỳ ông Alex Azar cho biết Tổng thống Trump đã đạt được một “thỏa thuận tuyệt vời” để bảo đảm nguồn cung cấp loại thuốc này cho người dân Mỹ.
Lời phát biểu vừa kể được đưa ra ngay sau lời cảnh báo mạnh mẽ của Tiến sĩ Anthony Fauci, Giám đốc Viện Nghiên cứu Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Hoa kỳ:
Tôi rất quan tâm và tôi không hài lòng với những gì đang diễn ra vì chúng ta đang đi sai hướng. Nhìn vào các đường cong của những ca nhiễm mới, chúng ta thực sự phải làm gì đó về chuyện này và chúng ta cần nhanh chóng làm điều đó.
Về tình hình các nước khác, Thủ tướng Anh, ông Boris Johnson đã hứa đề ra một kế hoạch đầu tư vào cơ sở hạ tầng để giúp nước này khắc phục những sự tàn phá kinh tế do đại dịch gây ra.
Ông Johnson hứa sẽ bơm hàng tỷ đô la vào việc xây dựng trường học, đường bộ, đường sắt và nhà ở.
Ông gọi kế hoạch này là “Thỏa thuận mới”, khiến người ta nhớ lại các chính sách thời cựu Tổng thống Mỹ Franklin D. Roosevelt đã giúp đưa Hoa Kỳ ra khỏi cuộc Đại Khủng hoảng Kinh tế.
"Chúng ta sẽ xây dựng, xây dựng, xây dựng, xây dựng lại tốt hơn, xây dựng lại xanh hơn, xây dựng lại nhanh hơn, và làm điều đó với tốc độ mà thời điểm này yêu cầu. Bây giờ chúng tôi cần phải chắt lọc năng lượng tinh thần tốt nhất của chúng ta từ vài tháng trước.
"Chúng ta hãy tận dụng các lực lượng quân đội đã xây dựng các bệnh viện dã chiến Nightingales. Chúng ta hãy vị tha, hãy yêu thương các nhân viên y tế và các tổ chức từ thiện, hãy nâng cao tinh thần cộng đồng và óc hài hước của toàn dân. Và hãy cùng nhau trộn lẫn tất cả những thứ ấy."
Tuy nhiên lãnh tụ đối lập Anh cho rầng cái gọi là thỏa thuận mới này chẳng mới chút nào và cũng chẳng phải là thỏa thuận.
"Chúng ta đang đối diện với một cuộc khủng hoảng kinh tế lớn nhất mà chúng ta từng thấy trong một thế hệ và việc phục hồi cần phải phù hợp với tình trạng đó. Những gì đã được công bố chỉ là chưa tới 100 pound mỗi người. Và đó là sự lập lại của nhiều lời cam kết và tuyên bố trước đây. Vì vậy, nó không đủ."
Còn tại Ấn, Thủ tướng Narendra Modi nói rằng tỷ lệ tử vong vì coronavirus tại của nước ông đã được kiểm soát, nhưng Ấn độ hiện nay đang ở vào "thời điểm quan trọng".
"Nếu chúng ta nhìn vào tỷ lệ tử vong của coronavirus, thì so với nhiều quốc gia trên thế giới, Ấn Độ dường như đang trong tình trạng được kiểm soát. Việc phong tỏa kịp thời và nhiều quyết định khác đã giúp cứu mạng hàng trăm ngàn người.
"Tuy nhiên kể từ khi chúng tôi bắt đầu giai đoạn đầu tiên nới lỏng các lệnh hạn chế trong nước, sự bất cẩn trong những cá nhân và các hành vi xã hội đã nhanh chóng gia tăng."
Ông Modi nói rằng sự tăng đột biến các trường hợp lây nhiễm là do mọi người đã không đeo mặt nạ hoặc không tuân thủ các biện pháp giãn cách xã hội.
Trong khi đó, New Zealand đã hủy bỏ kế hoạch tổ chức một hội nghị giữa các nhà lãnh đạo Hoa Kỳ và Châu Á vào năm nay vì coronavirus, thay vào đó đã chọn việc tổ chức một hội nghị thượng đỉnh trên mạng.
Theo lịch trình, New Zealand sẽ là nước chủ tọa luân phiên Diễn đàn Hợp tác kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Auckland vào năm tới với chương trình nghị sự tập trung vào các vấn đề mậu dịch.
Thủ tướng Jacinda Ardern cho biết một số yếu tố đã dẫn đến quyết định tổ chức hội nghị trực tuyến này.
"Vì vậy, tôi nghĩ chỉ công bằng khi nói rằng chúng tôi đã cân nhắc rất nhiều lựa chọn. Nếu chúng tôi không tổ chức hội nghị trong năm nay và Malaysia phải chuyển việc tổ chức sang năm khác, điều đó sẽ ảnh hưởng nặng nề đến Thái Lan vì hội nghị sẽ rơi vào thời điểm các nước tổ chức bầu cử.
"Đó rõ ràng là điều nên tránh. Vì vậy, có một loạt các lựa chọ đã được xem xét, nhưng một loạt các hiệu ứng cũng đã phát sinh bởi những điều đó. Cuối cùng, tôi nghĩ rằng chúng tôi đã đưa ra một quyết định cân bằng ở đây. Chúng tôi đã tạo ra được một giải pháp chắc chắn trong một môi trường rất ư bất định."
Cần biết 21 thành viên của APEC bao gồm các nước Hoa Kỳ, Trung Quốc, Nhật Bản, Nam Hàn và Úc.
Các đối tác của APEC chiếm hơn 70% tổng thương mại hàng hóa và dịch vụ của Úc.
READ MORE
COVID-19: Những lời đồn và sự thật