Nêu lên bằng chứng tại phiên tòa của Thượng Viện kéo dài gần ba tiếng đồng hồ, bà Christine Holgate nói bà sẽ nói thẳng mọi chuyện.
‘Tôi bị mất việc, một công việc tôi từng yêu mến, bởi vì tôi bị Thủ tướng sỉ nhục mặc dù không hề phạm lỗi, cũng như bị Chủ tịch Lucio Di Bartolomeo bắt nạt, ông ta đã lôi tôi ra khỏi vị trí lãnh đạo một cách sai luật, theo chỉ thị của Thủ tướng.’
Vào ngày 2/11 năm ngoái, bà Holgate đã từ chức Giám đốc điều hành Bưu điện Úc, sau khi Thủ tướng Scott Morrison kết tội bà tại Quốc hội, trong vụ scandal về những chiếc đồng hồ xa xỉ.
Ông Morrison kêu gọi bà Holgate từ chức và ra đi ngay lập tức, sau khi Ban Dự toán Thượng viện biết được bốn giám đốc cấp cao của Bưu điện Úc đã được tặng đồng hồ Cartier, được mua từ thẻ tín dụng của tập đoàn Bưu điện Úc, cho việc họ ký tên trong một thỏa thuận béo bở.
Lần đầu tiên xuất hiện công khai sau khi từ chức, bà Holgate trả lời trước một phiên tòa Thượng viện, điều tra về tình huống từ chức của bà và scandal những chiếc đồng hồ xa xỉ, bà khẳng định bà không tự nguyện từ chức.
‘Sự thật đơn giản là tôi đã bị bắt nạt tới nỗi phải ra đi, tôi bị sỉ nhục đến mức tuyệt vọng, trở thành vật hy sinh để chủ tịch bưu điện Úc tâng công với những chủ nhân của ông ta trong giới chính trị. Nhưng tôi vẫn đứng ở đây, tôi mạnh mẽ hơn sau khi sống sót trong chuyện này.’
Bà nói bà đã từng gởi email tới các tổng trưởng Simon Birmingham và Paul Fletcher nhờ giúp đỡ nhưng họ đã làm ngơ.
Bà nói cách bà bị đối xử lúc đó đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khoẻ tâm thần của bà.
‘Và tôi nghĩ nếu bạn đọc được những lời ghi trong email tôi gởi cho ông Simon Birmingham… Và tôi xin lỗi trước bởi vì lá thư đó rất lan man… tôi đã viết rất hỗn loạn vì lúc đó tôi thật sự bị khủng hoảng, đến mức cần tới sự điều trị tâm thần, tôi muốn tự sát.’
Bà nói trước phiên tòa rằng giới tính đóng một vai trò không nhỏ trong cách bà bị đối xử vừa rồi.
‘Công bằng mà nói, tôi chưa từng thấy một bài báo nào đề cập đến chiếc đồng hồ của nam chính trị gia. Tôi đã bị miêu tả như một gái điếm. Tôi bị sỉ nhục. Tôi chưa từng thấy một nam công chức nào bị miêu tả theo kiểu đó. Vì vậy tôi tin rằng một phần trong chuyện này là liên quan đến giới tính. Bạn hoàn toàn đúng, tôi đã nghĩ như vậy, hơn nữa tôi còn tin rằng vấn đề thực sự là sự bắt nạt, quấy rối và lạm dụng quyền lực. Bạn hoàn toàn đúng, tôi đã nghĩ như vậy.’
Chủ tịch Bưu điện Úc, ông Lucio Di Bartolomeo cũng đưa ra bằng chứng tại tòa, ông bác bỏ quá trình từ chức của bà Holgate là sai luật. Ông nói bà tự nguyện lựa chọn ra đi.
Ông nói ban quản trị đã ủng hộ bà trong suốt quá trình, và ông cho rằng chính “quốc hội và báo chí” mới là những kẻ khiến cuộc sống của bà bị khốn đốn.
‘Không, tôi không nghĩ rằng Bưu điện Úc phải xin lỗi bà. Nhưng tôi tin rằng bà đã bị đối xử tồi tệ. Chúng tôi không đẩy bà ra khỏi vị trí đó.’
Ông cũng bác bỏ lời kêu gọi của bà Holgate muốn ông từ chức chủ tịch.
‘Tôi sẽ không từ chức, tôi tin chắc rằng việc này sẽ không mang lại hiệu quả nào cả. Thậm chí tôi nghĩ nó sẽ khiến tổ chức bị trở ngại. Chúng tôi sẽ nhanh chóng có một CEO mới. Sẽ phải mất vài tháng. Nhưng tôi nghĩ sự ổn định của ban quản trị lúc này là cần thiết.’
Bưu điện Úc vừa công bố cựu giám đốc cung ứng chính của tập đoàn Woolworths, ông Paul Graham sẽ trở thành tân Giám đốc điều hành Bưu điện Úc.
Ông Graham sẽ bắt đầu nhiệm vụ vào tháng Chín với mức lương gần một triệu rưỡi Úc kim một năm, chưa kể thưởng thêm.
Bà Holgate nói trước phiên tòa là bà đã bị ông Di Bartolomeo buộc bà im lặng, không được thảo luận về phúc trình do tập đoàn tư vấn Boston gởi lên, về kế hoạch tư nhân hóa và cắt giảm việc làm tại Bưu điện Úc.
Trả lời câu hỏi của Thượng nghị sĩ Lao động Kim Carr, bà nói việc bà ngăn cản kế hoạch này đã khiến nhiều người bất mãn.
Bưu điện Úc theo luật đòi hỏi phải được điều hành theo hướng thương mại, nhưng sử dụng tài sản và tài nguyên riêng để tạo lợi nhuận, khiến việc kinh doanh bưu điện có thể được tái đầu tư, hoặc quay lại trở thành một trong những bộ phận thuộc phe sở hữu cổ phần lớn nhất của bưu điện hiện nay, là Chính phủ Úc.
Một vài kết quả từ cuộc điều tra độc lập do công ty luật Maddocks thực hiện, điều tra tại sao việc mua những chiếc đồng hồ xa xỉ đến được tay truyền thông.
Kết quả điều tra nói “không có dấu hiệu cho thấy bất kỳ cá nhân nào có liên quan đến việc mua và tặng đồng hồ Cartier không trung thực, gian lận, tham nhũng hoặc cố ý sử dụng sai mục đích các khoản tiền của Bưu điện Úc”.
Văn phòng thủ tướng từ chối bình luận về các cáo buộc của bà Holgate.
Cuộc điều tra Thượng viện sẽ gởi phúc trình cuối cùng về vụ việc trước ngày 30/4.