Chuyện Queensland: Trường Việt ngữ Hòa Bình

Thầy cô giáo trường Hòa Bình, Brisbane

Thầy cô giáo trường Hòa Bình, Brisbane Source: Supplied

Tuy chỉ có ba trường Việt ngữ tại Brisbane là trường Hòa Bình, Lạc Hồng và Trưng Vương, nhưng mỗi trường đều có những nét đặc thù riêng của nó mà chúng ta sẽ lần lượt khám phá.


“Tiếng Việt còn trong mỗi người
Người Việt còn thì còn nước non…”

Thật đúng như vậy quý thính giả thân mến, “Tiếng Việt còn thì nước Việt còn”…Thế nên sẽ thật là một thiếu sót nếu kể chuyện QLd mà không nhắc tới các trường Việt ngữ ở Brisbane.

Chúng tôi cũng có một bí mật nho nhỏ xin bật mí với quý thính giả, đó là anh Hưng Việt đây từng là cựu hiệu trưởng của trường Việt ngữ Trưng Vương.

Cô Mỹ Dung cũng từng là giáo viên của trường này luôn một thời gian lâu, sau khi thầy Hưng Việt đã rời trường này.

Trước tiên chúng ta hãy cùng nhau đến thăm trường Hòa Bình tọa lạc tại 99 Poinsettia St. Inala, tức cơ sở của trường tiểu học Úc Richlands East State School.

Điểm đặc biệt nhất của trường Hòa Bình chính là trường Việt ngữ của đạo Công giáo.

Như thầy Cao Văn Tâm, hiệu trưởng trường Hòa Bình cho biết thì trước làn sóng trẻ em tỵ nạn mồ côi cần người chăm sóc và nhu cầu học và duy trì tiếng Việt của trẻ em Việt Nam tại Úc, nhà dòng Sister of Mercy tại Goodna đã thành lập trường Việt ngữ Hòa Bình (VNHB) tại Goodna năm 1990 do sơ Maria Vũ Mỹ Nga làm hiệu trưởng và sau đó mở thêm chi nhánh mới thứ hai tại St Mark Primary School tại Inala.

Sau 20 năm tới năm 2010, Trường VNHB đã được mẹ bề trên của tỉnh dòng Sister of Mercy cùng sơ Maria Vũ Mỹ Nga và luật sư đã bàn giao trường VNHB cho Ban Chấp Hành mới.

Còn về vấn đề tài chính của nhà trường thì, “được đã nhận sự tài trợ của Chính Phủ tại tiểu bang QLD và sự giúp đỡ, đóng góp từ quý mạnh thường quân như All Care Medical Centre tại Inala và quý vị phụ huynh gửi con em tới học tại trường VNHB.

Thường chúng tôi tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình, có những gia đình tỵ nạn mới qua chúng tôi cũng giúp đỡ.

Để cảm nhận hết sự dễ thương hồn nhiên mà cũng hết sức nhiệt tình của các em học sinh lớp tiếng Việt, xin mời quý thính giả đến lớp 1 của cô giáo trẻ Phạm Thu Duyên và cùng lắng nghe các em đọc và hát nha quý vị.

(trích đoạn các em học sinh đọc chữ cái, dấu và cùng hát bài “Nhà em có nuôi một con chó”)

Mỹ Dung nhận xét các em thật là dễ thương và điều đó làm mỹ Dung nhớ cái thời còn đi dạy trường Việt ngữ. Mỹ Dung cũng thú thật là hồi xưa không dám dạy lớp bé quá, vì những lớp đó hoàn toàn không phải dễ dạy.

Hưng Việt nhận xét, lớp càng nhỏ thì lại càng phải cần sự kiên nhẫn, tình yêu trẻ con và khả năng sư phạm nhiều hơn nữa. Cô giáo Thu Duyên của lớp 1 vừa rồi đã hội đủ tất cả những điều đó. Điều làm chúng tôi cảm thấy thật vui và khích lệ, vì cô Thu Duyên là thế hệ trẻ tiếp nối, cô sinh ra và lớn lên trên đất Úc, từng là học sinh tiếng Việt của trường Hòa Bình suốt 13 năm, nay cô quay lại trường trong vai trò cô giáo.

Tôi nghĩ Ban Giám hiệu và các Thầy Cô trường Hòa Bình cũng có thể hãnh diện vì đã đào tạo được những người trẻ như cô Thu Duyên còn yêu thích tiếng Việt đến mức độ muốn truyền đạt lại cho thế hệ đàn em.

Và sau đây xin mời quý thính giả lắng nghe cuộc chuyện trò của cô Thu Duyên với anh Hưng Việt.

Thu Duyên: Dạ, trước hết xin chào thầy Hưng Việt, cô Mỹ Dung và  thính giả đài SBS. Em tên là Phạm Thu Duyên, em đã học tiếng Việt từ mẫu giáo ở trường Hòa Bình đến lớp 12 và đã tốt nghiệp ở trường Hòa Bình luôn. Em đã rèn luyện tiếng Việt bằng cách nói chuyện tiếp xúc với các bác, các dì các cô các chú trong gia đình, nhất là ba mẹ. Và cũng phải cảm ơn ba mẹ vì đã bắt buộc mình học tiếng Việt từ lúc nhỏ, mỗi thứ Bảy tại trường tiếng Việt. Ba mẹ có cho em đọc những sách tiếng Việt, với những tờ báo thì ba mẹ cũng cố gắng bắt ngồi xuống đọc từng chữ một, với lại coi film Việt Nam. Em cũng có đi tham gia những Hội chợ Tết học thêm hiểu biết với các thầy các cô. Lớp 12 em có học thêm một external course ngoài giờ học, em có học thêm một môn tiếng Việt. Và em cũng được rèn luyện thêm từ trường Hòa Bình. Lúc đó cũng có cô Thủy rèn luyện lớp 12 dạy thêm tiếng Việt. Em có thi môn tiếng Việt.

Hưng Việt: Rồi lên Đại học cô theo học ngành gì? Nó có giúp ích về vấn đề sư phạm đi dạy các em ở trường Hòa Bình này?

Thu Duyên: Lúc vô Đại học em đã học môn cử nhân về Science. Cái môn chính là Psychology – tâm lý học, giúp ích cho mình hiểu biết thêm cách dạy học, giúp các em về kỷ luật trong lớp học là cách dạy học những chương trình cho các em.

Hưng Việt: Thế rồi sau đó cô vào dạy giúp trường Hòa Bình. Thưa cô tại sao cô lại chọn hoặc là thích đi dạy và lại chọn dạy lớp 1 các em nhỏ như thế này?

Thu Duyên: Trước hết là vì em rất thích trẻ em. Thích giúp trẻ em bằng cách dạy hay là giúp cho các trẻ em lớn lên, muốn thấy các em phát triển.

Lúc em tốt nghiệp lớp 12, em rất yêu mến tiếng Việt. Em không biết có phải đó là do ấn tượng đầu tiên của các thầy cô giáo ở đây, nhưng mà đã giúp em rất là yêu mến tiếng Việt. Và khi em sử dụng tiếng Việt ở ngoài đời và giúp ích cho xã hội hoặc gia đình mình làm em càng thích tiếng Việt thêm. Cho nên em quyết định trở lại dạy tiếng Việt.
Cô giáo Thu Duyên
Cô giáo Thu Duyên Source: Supplied
Hưng Việt: Cô thấy dạy các em lớp 1 tiếng Việt có điểm nào khó khăn nhất? Bởi vì dạy tiếng Anh đã khó rồi, mà dạy một ngôn ngữ khác, không sử dụng thường ở đây nó lại càng khó hơn.

Thu Duyên: Cái điểm khó khăn nhất em thấy là khi các em, một là  đã học tiếng Anh lớp lớn, thí dụ các em đang học lớp 4 trường tiếng Anh, nhưng tiếng Việt lại học lớp 1. Khi các em vào học ở lớp mà có các em trình độ khác nhau thì rất là khó; thứ hai là khi môi trường ở nhà của các em làm cho các em khó mà học tiếng Việt, ví dụ cha mẹ không phải là người Việt Nam.

Hưng Việt: Bù lại cô thấy các em có điểm gì giúp cho cô cảm thấy vui vẻ và sảng khoái khi bước vào lớp để mà dạy các em và khi bước ra về ?

Thu Duyên: Nếu các em đến lớp đông đủ, lúc vô lớp mở sách ra ngay thì lúc đó mình rất là vui vì thấy các em sốt sắng muốn học. Thứ hai là khi các em ra về, các em nhớ được một chữ trong lớp ngày đó thôi là em rất vui.

Đó là tâm sự chân tình của một cô giáo trẻ, còn với các em học sinh hiện đang theo học ở trường thì sao? Chúng ta hãy cùng lắng nghe những lời chia sẻ chân thật dễ thương của các em Chung Nhật Phạm, Melissa Lương, Khánh An Đỗ của lớp 4, Nhung Bùi lớp 8 và hai em Anna Nguyễn và Ánh Xuân Trần lớp 11.

“Con tên Chung, con thích đi học tại con thích chơi với bạn. Con thích tập viết tại nó thiệt là dễ. Con thích đọc tại nó dễ luôn. Con thích đọc lời nguyện. Con thấy làm bài khó chút xíu tại con phải suy nghĩ hoài. Con học bài cho một tiếng tại con phải đi thổi kèn. Mẹ vói cha nói con phải nói tiếng Việt ở nhà.”

“Con là Melissa Lương, con thích làm bài trong sách vì con thấy nó hơi dễ, con thích viết với đọc. Viết hơi khó vì cái dấu hơi khó. ở nhà con ôn bài 30 phút thứ Sáu. Ở nhà con có nói tiếng Việt, mẹ nói lớn lên đi Việt Nam nói với người ta được.”

“Con tên Khánh An, con thích đi ra chơi và con thích tập đọc và tập viết tại nó dễ. Con không có thời gian ôn bài được tại vì con làm Gymnastic. Mẹ muốn con nói tiếng Việt ở nhà và ở Việt Nam.”

“Con tên là Nhung, con thích học tiếng Việt tại vì ở nhà con có thể nói với ba mẹ hay ông bà ở bên Việt Nam. Nó cũng dễ hơn cho con để hiểu mấy gia đình nói tiếng Việt. Ở trường con thích học môn lịch sử vì nó interesting. Nhưng con cũng thấy môn lịch sử rất là khó để học vì lịch sử Việt Nam có nhiều đời và nhiều tên để nhớ. Ở nhà để học tiếng Việt thì con bỏ vô ít hơn một tiếng tại vì con không có nhiều bài để làm, con làm hết trong lớp rồi, con chỉ cần ôn lại bài và viết chính tả thôi. Ba mẹ con muốn con đi học tiếng Việt thì con có thể nói chuyện với gia đình ở bên Việt Nam với có thể tìm được việc ở trong Inala và dễ hơn cho người ta để hiểu.”

“Dạ em tên là Xuân, em thích học tiếng Việt vì em thích hiểu thêm về văn hóa Việt Nam, và em thích đến trường gặp bạn bè và mấy lúc khi thầy cho mình chơi games để tập tiếng Việt nhiều hơn. Ở lớp em học những môn địa lý, lịch sử, văn chương, văn hóa. Em thích học địa lý nhiều nhất vì em được hiểu thêm nhiều thành phố lớn của Việt Nam, hay những khu vực đẹp. Con nghĩ môn khó nhất là lịch sử, vì trong bài lịch sử có nhiều chữ cũ, chữ hồi xưa của Việt Nam. Năm nay em học lớp 11 nên em cũng hơi bận với mấy môn ở trường Úc. Nên trong tuần em cố gắng dành khoảng 2, 3 tiếng để làm bài cho trường tiếng Việt.”

“Con là Anna. Con thích học tiếng Việt vì khi ra trường con sẽ có thể dùng tiếng Việt trong xã hội. Con thích đi tới trường để gặp những người bạn mà cả tuần con chưa gặp được. Ở trường con thích học văn chương nhiều nhất tại vì nó dễ hiểu hơn, và mình có thể đọc chuyện tiếng Việt. Con thấy lịch sử khó nhất, vì có quá nhiều thông tin mà mình phải nhớ và hiểu. Thường thường một tuần thì con ôn bài khoảng 1 đến 2 tiếng mỗi tối thứ Sáu để sáng thứ Bảy còn nhớ.”

Học sinh trường Việt ngữ Hòa Bình
Học sinh trường Việt ngữ Hòa Bình Source: Supplied


Mỹ Dung: Bây giờ tưởng tượng các con là cô giáo dạy tiếng Việt thì con muốn dạy các em học sinh như thế nào?

Anna, Nhung, Ánh Xuân: “Con thích tiếng Việt được dạy một cách thực tế, dùng những trò chơi tương tác để giúp nhớ bài học lâu hơn. Con cũng agree với Anna. Học tiếng Việt giống như trong trò chơi thì nó dễ hơn cho con để hiểu, tại nó thật engaging. Con thích cùng nhau đọc chuyện, khá là vui và cũng học được nhiều từ mới.”

Thật vui khi các em hứng thú với lịch sử, địa lý, văn học, có lẽ đó cũng là nhờ nhà trường đã bỏ công biên soạn tài liệu giảng dạy từ các tài liệu ngôn ngữ uy tín, phối hợp với tài liệu của dòng Mercy cùng tài liệu của bộ giáo dục QLD như thầy Tâm cho biết. Riêng về phần giảng dạy, thì trường có duy trì cách đánh vần tiếng Việt trước 1975 như sau: 

Tiếng Việt mến yêu
Mỗi khi đánh vần
Từ trái sang phải
Bỏ dấu sau cùng

Phương pháp đánh vần này giúp cho các em viết rất đúng chính tả. Ngoài ra còn một chi tiết khá thú vị mà em Chung có đề cập tới là em rất thích đọc ‘lời nguyện”. Đó cũng là một điểm rất đặc biệt của trường Hòa Bình mà như thầy hiệu trưởng Cao Văn Tâm chia sẻ, “Để duy trì truyền thống là người Công Giáo, các em được chào cờ VN trước rồi kế đến các em đọc kinh cầu nguyện ngắn và kinh nguyện này là động lực thúc đẩy mạnh mẽ về tâm linh và tinh thần, giúp cho các em am hiểu và học hỏi, trước khi các em vào lớp học. Chúng ta thử đọc và suy ngẫm:

“Lạy Chúa xin cho chúng con biết chăm chỉ học hành, rèn luyện tâm hồn chúng con, bằng những đức tính tốt, để chúng con có thể giúp ích cho chính bản thân chúng con, cho gia đình, cho Cộng Đoàn và cho Tổ Quốc chúng con. Amen.”

Và cuối cùng xin được dùng lời nhắn gửi của thầy hiệu trưởng thay cho lời kết luận, “Hy vọng trong tương lai gần, chúng ta sẽ có trường dạy tiếng Việt riêng. Riêng tôi muốn chia sẻ đến quý thính giả đài SBS lời phát biểu ghi sâu trong lòng tôi của cố Linh Mục Dominic Đồi: “ Nếu con em hoặc cháu của quý vị ham chơi, lười biếng và không vâng lời, thì hãy ít nhất tập cho chúng một thói quen tốt ngay từ nhỏ bằng cách chở con em quý vị tới những nơi sinh hoạt và học tập.”

Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung

Share