Người Việt ta có câu, “Nghĩa tử là nghĩa tận”, thế nên khi một người vừa hoàn thành cuộc hành trình trong chốn nhân sinh này, thì thân nhân của họ luôn muốn tiễn đưa với những nghi lễ và điều kiện tốt nhất, hợp lý nhất trong khả năng của mình.
Và trong những giờ phút khó khăn, đau buồn và bối rối đó, gia đình thật khó chu toàn nếu không được sự hướng dẫn hay phục vụ chuyên nghiệp trong những nghi thức trang trọng, linh thiêng này.
Tuy tang chế có vẻ là một vấn đề hơi kiêng kỵ đối với quan niệm của một số người, nhất là đối với người Á Đông chúng ta, nhưng thật ra, tử biệt là một cái gì hết sức nhẹ nhàng và thiêng liêng, như nhà thơ Tagore từng nói, “Hãy để cuộc đời đẹp như hoa mùa hạ, và cái chết đẹp như lá mùa thu.”
Thế nên hôm nay, xin mời quý thính giả làm quen với chị Bùi Kim Huyền, nhân viên tư vấn mai táng tại Brisbane, và lắng nghe những chia sẻ của chị để có dịp hiểu rõ hơn những vấn đề tế nhị hoặc những thông tin cần thiết, và hơn tất cả, là lắng nghe những tâm tư nguyện vọng của chị, một người có tấm lòng nhân ái và cảm thông, qua cuộc mạn đàm của chị với phóng viên Hưng Việt.
Sau lời chào hỏi đôi bên, phóng viên Hưng Việt đã hỏi chị Kim Huyền lý do vì sao chị đã chọn công việc này và đã làm được bao lâu.
Chị Kim Huyền trả lời lý do chị đã chọn công việc này chắc có lẽ là công việc này được Ơn Trên chọn lựa cho chị và chị đã đáp lại lời mời gọi đó.
Nhưng thật ra nó cũng xuất phát từ tấm lòng nhân ái của chị đã sẵn có?
"Không biết là có thể nói được như vậy không, nhưng em nghĩ là ở đời này, cái nào cũng có cái cơ duyên của nó. Có một thời điểm nào đó trong cuộc đời của mình, vì mình bận với cuộc sống, mình không có thời gian lắng đọng để đáp lại những lời mời gọi từ trong con tim của mình. Nhưng rồi sẽ có những lúc đưa đẩy nào đó và mình tự nhủ là mình làm gì, cần làm gì và có thể làm được gì. Và đó là cơ duyên của em."
"Em nghĩ là công việc này đối với nhiều người trong tập quán của mình là công việc mà người ta né. Có một cái gì đó là một cái sợ, và một cái có thể nói là xui. Nhưng ba năm qua khi mà em làm ở công ty đầu tiên, công việc em làm bao gồm tất cả, từ như đi lấy xác chẳng hạn, cho tới tắm rửa, tự mình liệm, mặc quần mặc áo, rồi lo sắp xếp cho tang lễ, những giờ kinh hạt, và lái xe tang để đưa người quá cố đi đến một nơi nào đó của chặng đường cuối cùng. Nhưng mà bây giờ hiện tại, khi em làm với một công ty khác lớn hơn có nhiều bộ phận riêng, nên công việc chính của em bây giờ là khi gia đình có người thân thì em gặp gia đình đó, làm tất cả những giấy tờ có thể, sắp xếp các chương trình tang lễ và đi phụ giúp chương trình tang lễ nữa."
Những sắc tộc khác nhau thì có những phong tục tập quán khác nhau cũng như những tôn giáo khác nhau, thì đối với mỗi tang quyến như vậy đó, chị lại phải giúp chuẩn bị những tang lễ có những hình thức khác nhau.
"Đối với một đám tang Tây thì có lẽ là họ khá đơn giản, nhưng đối với cộng đồng người Việt của mình, tùy theo tôn giáo, tùy theo gia cảnh và nơi sinh sống, thì mỗi một tang lễ đều mang một trạng thái khác nhau. Em uyển chuyển theo từng nhu cầu của gia đình và mình làm việc theo từng sự hiểu biết của mình để có thể phục vụ theo cách tốt nhất."
"Trong công việc này, cái khó khăn nhất vì lúc nào mình cũng đương đầu với những sự buồn, thành thử ra tâm của mình có cái gì đó rất là nhạy cảm, nên em nghĩ là mình phải bình an. Mình có sự bình an của chính mình, thì mình mới có thể mang sự bình an đó tới những gia đình mình có cơ duyên đi cùng. Làm sao để cho gia đình nào đó cảm thấy, sự hiện hữu của em trong lúc tang gia, có thể mang lại sự bình an cho gia đình và để sắp xếp làm sao cho gia đình đó đưa tiễn người thân của họ một cách tốt nhất trong phạm vi họ có thể."
Khi được hỏi chị có thể kể lại vài hoàn cảnh thương tâm nào mà chị đã từng được chứng kiến khi trợ giúp những tang lễ, thì chị đã thuật lại hai trường hợp trong rất nhiều trường hợp mà vì điều kiện thời gian không cho phép chị trình bày thêm.
Trường hợp thứ nhất là một người cha qua thăm con gái nhưng chẳng may đã qua đời. Trong khi người con gái trẻ chỉ vừa mới chân ướt chân ráo đặt chân tới Úc. Rồi vì ngôn ngữ, vì những sự bỡ ngỡ nơi xứ lạ quê người và vì vấn đề tài chánh nên cô đó đã không thể nào tổ chức một tang lễ cho ba mình như mong muốn.
Tuy nhiên, cũng nhờ ở Úc có một dịch vụ gọi là “no service, no attendance”, có nghĩa là mình sẽ trả chi phí tối thiểu để nhà quàn tự lo mọi vấn đề hậu sự nhưng không có sự tham dự của tang quyến và thân nhân.
Và trong khi thực hiện công việc, chị Huyền đã cố gắng chụp ảnh, và quay lại những đoạn phim nho nhỏ để gửi cho cô gái (không có mặt ở Brisbane) để cô yên tâm rằng cha mình cũng đã có một tang lễ đàng hoàng và tươm tất. Và chị tin rằng cuối cùng cô gái ấy cũng có sự bình an.
“Có nhiều trường hợp em thấy em buồn vì mình sống một đời người mà rốt cuộc ngày ra đi của mình không một người thân bên cạnh, không ai hết! Thành thử ra em có một ước mơ nho nhỏ...”
Và một kỷ niệm khác khi chị kể về một người phụ nữ luống tuổi hụt hẫng, cô quạnh sau khi người chồng qua đời, nhưng bà không con cái, không thân nhân, sống xa cộng đồng người Việt.
*Với những trường hợp cô quạnh như vậy em thấy rất là tội nghiệp. Thành thử có rất là nhiều gia đình mình gặp mà mình muốn làm nhiều hơn, nhưng thời gian và công việc không cho phép, nên nhiều khi cũng buồn vì mình muốn dang tay mình rộng hơn, mà tay mình chỉ rộng tới đó thôi. Có rất là nhiều trường hợp thương tâm.”
Khi được hỏi vì sao chị đã trở thành một người làm việc tự do như hiện nay, và công việc có khác không, chị Huyền cho biết giờ đây chị không còn phải chịu áp lực chạy theo target như khi làm cho công ty. Và sự khác biệt lớn nhất đó là chị làm việc cho tang quyến chứ không phải làm việc vì công ty. Và sự lựa chọn này của chị mang đến bình an cho chính chị.
“Có lẽ là trong thời gian vừa qua lúc em làm với những công ty như vậy, thì nhiều khi em không có cam phận, là tại sao người Việt của mình thông minh, mình dư khả năng, với thời điểm mình sống ở đây ngay bây giờ, mà tại sao mình không có một cái nhà quàn của người Việt của mình. Không phải là mình chỉ phục vụ cho người Việt của mình không, nhưng mà ít ra có một nơi trang nghiêm hơn, để mình cho con cháu mình biết cái tang lễ nó nên – chứ không phải là phải – là có những buổi giống như cầu siêu hoặc đọc kinh cho người quá cố như vầy, như vầy…"
"Cũng có lẽ là em xin mạn phép chia sẻ, đó là một cái gì đó đã thúc đẩy em trong mấy năm vừa qua. Đó là một ước mơ nho nhỏ. Và em không biết là nhiều khi mình mơ ước mà còn tùy theo số phận nữa và còn tùy theo Ơn Trên có ban cho mình hay không. Em cầu mong là có lẽ trong thời gian một vài năm chẳng hạn, em có thể đạt được ước nguyện là có một nhà quàn để mình phục vụ, vì cái tâm nó thúc đẩy, và mình có thể là trong phạm vi nào đó có thể làm tốt hơn cho cộng đồng của mình và truyền đạt lại cho con cháu của mình một chút xíu nào đó gọi là phong tục của mình.”
Cách suy nghĩ của chị Huyền khi nhận làm công việc này cũng như ước mơ của chị để có một nhà quàn phục vụ tang sự cho người Việt Nam là một cách suy nghĩ cấp tiến trước những tập quán của người Việt chúng ta.
Xin chúc cho chị nhiều sức khỏe, được bình an trong tâm hồn để tiếp tục phục vụ cho cộng đồng người Việt của chúng ta và đạt được tất cả mọi ước nguyện của chị.
Nếu ai có nhu cầu gì hoặc những câu hỏi gì thắc mắc, vì vấn đề này cũng có nhiều sự tế nhị thì cứ gọi điện thoại liên lạc với em vào bất cứ giờ giấc nào, nếu em có thể em cũng sẽ trả lời. Đừng ngại! Không có câu hỏi nào là buồn cười, hoặc là không có câu hỏi nào là mà không có câu trả lời. Em cầu chúc mọi sự bình an và mọi điều tốt đẹp đến với thính giả đài SBS,” chị Kim Huyền nhắn gửi và cảm ơn cơ duyên để chia sẻ với thính giả.
Nếu có điều chi thắc mắc hoặc cần tư vấn trong lĩnh vực này, quý vị có thể liên lạc chị Bùi Kim Huyền qua số: 0402 185 384.
Mời vào phần audio để nghe toàn bộ nội dung.