Các tổ chức từ thiện sẽ đối mặt với sự thực thi pháp luật nếu họ cổ vũ hành vi bất hợp pháp

Commissioner of the Australian Charities and Not-for-profits Commission Dr Gary Johns

Commissioner of the Australian Charities and Not-for-profits Commission Dr Gary Johns Source: AAP

Liên minh các tổ chức từ thiện lớn đang yêu cầu chính phủ liên bang từ bỏ một sự tu chính quy chế hoạt động mà họ cho là vi hiến, độc tài và phản dân chủ. Liên minh bao gồm Tổ chức Ân xá Quốc tế, Anglicare, Oxfam, Quỹ Fred Hollows và UnitingCare, đã viết một bức thư ngỏ gửi đến Thủ tướng, thúc giục ông xem xét lại các quy định mới. Nhưng chính xác thì những quy định đó là gì và chúng sẽ ảnh hưởng đến các tổ chức từ thiện như thế nào?


Kính thưa Thủ tướng, trong một năm không giống với bất kỳ năm nào trước đó, các tổ chức từ thiện Úc đã hành động để hỗ trợ người dân vượt qua các cuộc khủng hoảng chưa từng có.

Bức thư ngỏ trải dài suốt một trang báo của tờ The Australian, chiếm chỗ của một quảng cáo truyền thống.

Bức thư được viết bởi một nhóm các tổ chức từ thiện Úc yêu cầu Thủ tướng ghi nhớ công việc họ đã làm và xem xét các quy định mới có thể ảnh hưởng đến công việc của họ như thế nào.

Các quy định mới do chính phủ liên bang đề ra sẽ khiến những công việc của chúng tôi gặp rủi ro và hậu quả có thể rất thảm khốc. Các quy định này phải được huỷ bỏ. Công việc của các tổ chức từ thiện Úc không thể bị đình trệ khi đất nước này đang cần chúng tôi nhất.

Chính phủ đang tìm cách thay đổi Tiêu chuẩn Số Ba trong Quy định về Ủy ban Từ thiện và Phi lợi nhuận Úc năm 2013.

Theo đó, quy định sẽ mở rộng thêm các hoạt động mà các tổ chức từ thiện đã đăng ký không được phép tham gia, và do đó cũng tăng thêm các nguyên nhân họ có thể bị mất quyền hoạt động.

Tu chính đầu tiên quy định rằng các tổ chức từ thiện đã đăng ký không được tham gia các vụ việc thuộc khinh tội, tức tội nhẹ, liên quan đến tài sản hoặc con người.

Alice Drury là luật sư cao cấp tại Trung tâm Luật Nhân quyền và bà sử dụng phép loại suy để giải thích ý nghĩa của quy định mới này.

Quy định này tương đương với việc ủy ​​ban bầu cử Úc hủy đăng ký một đảng chính trị bởi vì một ứng cử viên của đảng đã băng qua đường sai luật. Không có một luật lệ tương đương nào trừng phạt các doanh nghiệp hoặc các đảng phái chính trị hoặc bất kỳ ai khác với vi phạm tương tự. Quy định thực sự chỉ ra đối tượng là các tổ chức từ thiện bởi những tổ chức này đã lên tiếng.

Giám đốc Tổ chức Ân xá Quốc gia Samantha Klintworth nói sự thay đổi này cũng sẽ đặt trách nhiệm lên một tổ chức từ thiện nếu ai đó mặc đồ của cơ quan từ thiện nhưng không có ràng buộc chính thức với tổ chức, đã tham gia vào hành vi trái pháp luật.

 Một lý do gì đó rất đơn giản chẳng hạn như một cuộc biểu tình ôn hòa vào ngày Chủ nhật ủng hộ người tị nạn, trong đó một người ủng hộ bị phạm tội nhẹ. Một lý do gì đó đơn giản như chặn lối đi bộ, thậm chí không cố ý, đều có thể khiến tổ chức từ thiện gặp nguy cơ bị hủy đăng ký hoạt động.

SBS đã liên hệ với Ủy ban Từ thiện và Phi lợi nhuận Úc để hiểu rõ hơn về cách thức áp dụng quy định mới này.

Uỷ ban cung cấp một tuyên bố sau đây.

Đề nghị thay đổi nội dung Tiêu chuẩn Quản trị Số 3 trong Quy định của Ủy ban Từ thiện và Phi lợi nhuận Úc năm 2013 không phải là luật, vì vậy chúng tôi không thể bình luận cụ thể về việc quản lý của ACNC đối với sự thay đổi này.

Tuy nhiên, bà Drury nói có một vài biện pháp mà các quy định mới này có thể được áp dụng nhằm tước bỏ sự đăng ký của một tổ chức từ thiện, trong những trường hợp mà họ hoàn toàn không vi phạm.

Đầu tiên trong số đó là các quy định nêu rõ rằng hình phạt sẽ áp dụng nếu một người có thể đã thực hiện một hành vi, mà hành vi đó có thể bị xử phạt giống như một tội nhẹ. Không phải bạn đã thực sự thực hiện hành vi đó, cũng không phải là bạn đã bị cảnh sát điều tra và bạn đã chính thức bị tòa án kết tội. Các quy định này không yêu cầu như vậy. Thực sự là chỉ cần ủy viên của uỷ ban tin rằng bạn có khả năng thực hiện một hành động như vậy trong tương lai là đủ để cho họ quyết định.

 Còn bà Klintworth nói bà không hiểu tại sao những quy định này lại được áp dụng cho các tổ chức từ thiện.

Các tập đoàn hoặc đảng phái chính trị hiện không thể bị hủy đăng ký nếu một nhân viên của họ bị phạm tội nhẹ. Vì vậy, sẽ không có ý nghĩa gì nếu áp dụng một quy định hà khắc như vậy lên lĩnh vực từ thiện, vốn chỉ hỗ trợ cho những người dễ bị tổn thương trong xã hội.

Trong một tuyên bố gởi đến SBS, Phụ tá Bộ trưởng Ngân khố Michael Sukkar đã giải thích lý do mà các tiêu chuẩn này được đề nghị:

Người dân Úc ủng hộ các tổ chức từ thiện thông qua quyên góp và giảm thuế với mong muốn các nguồn tài nguyên của tổ chức từ thiện phải hướng tới các hoạt động từ thiện, chứ không phải để quảng bá hoặc tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp. Đề nghị thay đổi này cũng trao quyền cho Ủy viên của uỷ ban từ thiện và phi lợi nhuận Úc có thể điều tra các tổ chức từ thiện có tham gia hoặc thúc đẩy hành vi trộm cắp, phá hoại, xâm phạm, tấn công và đe dọa, cũng như người uỷ viên có thể thực thi pháp luật một cách thích hợp nếu cần thiết.

Nhưng bà Klintworth nói các tổ chức từ thiện, cũng giống như mọi người, vốn đã phải tuân thủ luật pháp của Úc.

Các tổ chức từ thiện phạm tội vốn đều có thể bị hủy đăng ký cũng như các nhân viên và thiện nguyện viên của họ đều có thể phải đối mặt với các hình phạt, nếu vi phạm pháp luật. Vì vậy sự thay đổi này chỉ càng cho thấy rằng đây là một sự lạm quyền và hành vi quá mức phi lý, chúng không cần thiết và không mang lại lợi ích nào.

Bà nói quy định mới đã tiếp cận quá đà những điều mà bất kỳ lĩnh vực nào cũng mắc phải, không riêng gì từ thiện, và đây là mối lo lắng mà các tổ chức từ thiện chia sẻ và đã gởi thư ngỏ tới thủ tướng.

Tuy nhiên, ông Sukkar nói quyền hạn được cấp cho Uỷ ban Từ thiện và Phi lợi nhuận Úc sẽ không bị lạm dụng.

Ủy viên của Ủy ban Từ thiện và Phi lợi nhuận Úc sẽ có cách tiếp cận tương xứng nhằm thực thi quy định, với mục tiêu mang lại niềm tin và sự tin cậy của công chúng cũng như bảo vệ tài sản của các tổ chức từ thiện đã đăng ký. Các tổ chức từ thiện vẫn có thể thực hiện các hoạt động ủng hộ hoặc bênh vực phù hợp với mục đích từ thiện của họ, miễn là chúng được tiến hành một cách hợp pháp.

Tu chính thứ hai làm dấy lên lo ngại giữa các tổ chức từ thiện lớn, vốn đề nghị rằng các tổ chức này phải thực hiện các bước hợp lý nhằm bảo đảm nguồn lực của họ không được sử dụng hoặc tiếp tục được sử dụng, nhằm thúc đẩy hoặc hỗ trợ cho bất kỳ nhóm nào tham gia những hoạt động bất hợp pháp bị cấm theo tiêu chuẩn hoạt động từ thiện đã đặt ra.

Bà Drury nói điều này sẽ kiềm chân các tổ chức từ thiện vì họ có thể mất quyền đăng ký hoạt động mặc dù họ tuân thủ luật pháp.

Ngay cả khi không có ai vi phạm một tội nhẹ nào, mà nếu tổ chức từ thiện không thể lưu giữ tài liệu chứng minh rằng họ đã thực hiện các bước hợp lý nhằm bảo đảm mọi người tuân thủ luật pháp, thì chừng đó là đủ để họ bị hủy đăng ký hoạt động từ thiện.

Giám đốc điều hành Oxfam bà Lyn Morgain nói việc cố gắng theo đuổi những kỳ vọng này sẽ khiến các tổ chức phải trả giá.

Nếu chúng tôi cố gắng thêm vào một vài sự phân tích cho mỗi phần việc mà chúng tôi đã làm, về việc liệu có khả năng một số cá nhân liên quan tới tổ chức có thể làm điều gì đó vi phạm các quy định này hay không, thì sẽ tốn thêm chi phí và tiền bạc mà người dân đã giao cho chúng tôi để làm công việc mà chúng tôi có mặt ở đây để làm.

Ở một mức độ nào đó, bà Morgain nói chính phủ hẳn cho rằng các ủy viên cần được trao quyền nhiều hơn, nhưng bà không biết vấn đề nào xảy ra đã khiến họ suy nghĩ như vậy.

Cho đến nay, chính phủ nói những sự thay đổi này được đề nghị là nhằm đáp ứng với Khuyến nghị số 20, từ một phúc trình năm 2018, có tên gọi 'Làm cho lĩnh vực từ thiện mạnh mẽ hơn và có mục đích hơn: Kết qủa kiểm tra pháp luật của Ủy ban Từ thiện và Phi lợi nhuận Úc'.

Bà Drury nói việc sử dụng cuộc kiểm tra đó để biện minh cho những thay đổi trong quy định quả là đáng kinh ngạc.

Việc kiểm tra này thực sự đã đưa ra khuyến nghị rằng các tiêu chuẩn hiện tại cần phải được huỷ bỏ hoàn toàn. Vì vậy, chính phủ đã giả vờ dựa vào một cuộc kiểm tra trong đó đề nghị rằng các luật hiện hành đang quá chung chung và chúng nên bị huỷ bỏ, nhằm biện minh cho việc thay đổi quy định đáng kể này, vì vậy chúng tôi khá lo lắng và lo ngại rằng họ sẽ áp dụng quy định mới.

Tất cả những gì bà Klintworth nói bà có thể làm bây giờ là tiếp tục đấu tranh chống lại các đề nghị của chính phủ và tiếp tục nhắc nhở công chúng về mục đích hành động của các tổ chức từ thiện.

Bạn biết đấy, một trong những nguyên lý quan trọng trong công việc của chúng tôi là ủng hộ và lên tiếng cho các cộng đồng dễ bị tổn thương và thiệt thòi, cũng như trở thành tiếng nói cho những người không thể cất tiếng nói cho bản thân họ. Vì vậy, về căn bản, đây là một mối đe dọa to lớn nhắm mục tiêu đến các tổ chưc từ thiện và đóng cửa các tổ chức từ thiện chẳng hạn như Tổ chức Ân xá, vốn lên tiếng thay mặt cho cộng đồng mà chúng tôi phục vụ.


Share