Các tham vấn dưới đây chỉ mang tính tổng quát, trước khi đưa ra bất kỳ quyết định tài chính nào, mời quý vị gặp các chuyên gia để có những lời khuyên phù hợp trong từng trường hợp cụ thể.
Linh Nguyễn là cố vấn tài chính tại Living Financial Advice và là Đại diện được Ủy quyền của Count Financial. Cô có 9 năm kinh nghiệm cung cấp tư vấn tài chính và là thành viên của Hiệp hội Tư vấn Tài chính Úc (FAAA).
Lập ngân sách là gì, tại sao nó quan trọng với những gia đình có thu nhập trung bình?
Lập ngân sách (budget) là quá trình tạo ra một kế hoạch để quản lý thu nhập, chi tiêu và tiết kiệm của bạn. Nó giúp bạn biết được tiền của bạn được sử dụng vào đâu, phân bổ làm sao cho hợp lý để trang trải các nhu cầu thiết yếu và tiết kiệm.
Tại sao nó quan trọng?
Giúp bạn điều chỉnh thói quen chi tiêu một cách hợp lý
Tránh chi tiêu quá mức so với thu nhập của mình
Tiết kiệm nhiều hơn để đạt được các mục tiêu tài chính của bạn.
Ngừng phụ thuộc vào thẻ tín dụng và các khoản vay cá nhân để trang trải cuộc sống.
Chuẩn bị cho các chi phí phát sinh.
Đối với các gia đình có thu nhập trung bình, lập ngân sách đặc biệt quan trọng vì việc này đảm bảo rằng mỗi đồng tiền được chi tiêu có kế hoạch, theo hạn mức đã đặt ra. Tránh xảy ra tình trạng bội chi, phải vay mượn tiền để giải quyết nhu cầu tiêu dùng.
Quy tắc lập ngân sách chi tiêu
Hiện tại có rất nhiều phương pháp quản lý chi tiêu cá nhân: quy tắc 6 chiếc lọ, quy tắc phong bi, quy tắc 10/20/70, và quy tắc phổ biến nhất 50/30/20.
Quy tắc 50/30/20 chia thu nhập thành 3 phần với 50% số tiền cho các chi tiêu thiết yếu như tiền thuê nhà, ăn uống, điện nước, 30% cho các nhu cầu cá nhân, vui chơi giải trí, và 20% để tích lũy, đầu tư và trả các khoản vay. Khi mình nhận được tiền lương, thì mình cần ưu tiên tiết kiệm 20% lên hàng, sau đó là 50% cho chi phí thiết yếu và 30% cho chi phí linh hoạt.
Ưu tiên tiết kiệm bằng cách dành ra một phần thu nhập của bạn trước khi chi tiêu cho các thứ khác. Điều này đảm bảo rằng bạn đang liên tục xây dựng tiết kiệm và hướng tới các mục tiêu tài chính của mình.
Quy tắc 50/30/20 là điểm khởi đầu tốt bởi vì nó dễ hiểu và khuyến khích mọi người tiết kiệm ít nhất là 20% tổng thu nhập.
Tuy nhiên nên lưu ý quy tắc này có thể không phù hợp với tất cả mọi người vì:
Nếu bạn có mục tiêu tài chính lớn như mua nhà, sinh con, 20% cho tiết kiệm và đầu tư có thể không đủ.
Quy tắc 50/30/20 chỉ là một giải pháp ngắn hạn, không thể áp dụng cho trong thời gian dài vì nhu cầu và mong muốn của bạn sẽ thay đổi theo thời gian.
Lập ngân sách giúp bạn kiếm soát được dòng tiền. Source: AAP
5 bước lập kế hoạch chi tiêu cho cá nhân
Bước 1 - chọn khung thời gian (thường là 1 năm)
Bước 2 - ghi tất cả các thu nhập của bạn bao gồm tiền lương, tiền thưởng, tiền Centrelink, tiền lãi tiết kiệm, đầu tư
Bước 3 - liệt kê tất cả các khoản chi tiêu trong một năm càng đầy đủ càng tốt, bao gồm các khoản chi tiêu cố định và các khoản chi tiêu không cố định
Bước 4 - so sánh tiền thu vào và tiền chi ra của bạn, xây dựng kế hoạch chi tiêu hợp lý. Quyết định những gì các bạn có thể cắt giảm. Hãy thực tế, đừng làm cho nó trở nên quá khó mà không thể áp dụng được.
Bước 5 - sau khi có một bản kế hoạch chi tiêu rõ ràng, chi tiết thì việc tiếp theo bạn cần theo dõi chi tiêu thường xuyên và và điều chỉnh sao cho hợp lý.
Sau khi lập ra bản kế hoạch chi tiêu thì bạn biết mình có khả năng tiết kiệm bao nhiêu để xây dựng kế hoạch tiết kiệm hợp lý.
Người mới bắt đầu nên sử dụng công cụ hoặc ứng dụng nào để hỗ trợ quản lý và theo dõi ngân sách hàng tháng của mình?
Cách cổ điển/ đơn giản nhất là các bạn có thể ghi chép các khoản chi tiêu trong một cuốn sổ tay hoặc là trên excel của riêng bạn.
Hiện nay có nhiều ứng dụng ra đời giúp cho việc quản lý ngân sách của mọi người trở nên đơn giản và dễ dàng hơn. Dưới đây là một số công cụ phổ biến mà mọi người có thể dùng để theo dõi /quản lý chi tiêu và điều chỉnh cho hợp lí:
Truy cập trang web Moneysmart sử dụng – Simple money manager - bạn có thể chọn tiếng việt, hoặc là Budget planners excel template.
Ngoài ra ờ một số ngân hàng lớn ANZ, CBA,WBC cũng có ứng dụng track Spending trên Internet Banking.
Finance/Budgeting mobile app - Moneysoft
Lập ngân sách trong 5 phút dành cho những người không muốn lập một kế hoạch chi tiêu cụ thể nhưng vẫn muốn biết chi tiêu hàng năm của mình là bao nhiêu để lập kế hoạch tiết kiệm và đầu tư
Bước 1 – kiểm tra sự thay đổi của số dư tài khoản ngân hàng trong 12 tháng qua
Bước 2 – liệt kê tất cả thu nhập sau thuế trong 12 tháng qua
Bước 3 – Công thức: Chi tiêu = Thu nhập sau thuế – Sự thay đổi trong tài khoản ngân hàng
Ví dụ: thu nhập sau thuế của bạn là $70,000 và số dư tài khoản ngân hàng của bạn tăng $20,000 trong năm qua, chi phí sinh hoạt hàng năm của bạn là $50,000.
Những sai lầm phổ biến khi lên ngân sách
1. Đặt ngân sách không thực tế có thể dẫn đến sự thất vọng và không thể tuân thủ
Giải pháp: Hãy thực tế về thói quen chi tiêu và thu nhập của bạn; làm cho ngân sách linh hoạt và điều chỉnh khi cần thiết để đảm bảo nó có thể đạt được.
2. Bỏ qua các chi phí nhỏ (tiền uống cà phê) hoặc một số chi phí không thuờng xuyên khi lập ngân sách (tặng quà, làm tiệc hoặc ăn mừng những dịp đặc biệt)
Giải pháp: Theo dõi tất cả các chi phí, bất kể chúng nhỏ như thế nào, trong một khung thời gian cụ thể (thường là 12 tháng)
3.Không ưu tiên tiết kiệm có khả năng cao mình sẽ xài lố ngân sách được đề ra lúc ban đầu và mình không thể tiết kiệm như kế hoạch.
Giải pháp: Chuyển tự động một phần thu nhập của bạn vào các tài khoản tiết kiệm hoặc đầu tư trước khi chi tiêu cho các thứ khác.
4. Lạm dụng thẻ tín dụng
Giải pháp: Nếu bạn cần sử dụng thẻ tín dụng để tích điểm hoặc bảo vệ mua hàng trực tuyến, hãy đảm bảo bạn thanh toán đầy đủ số dư mỗi tháng. Luôn tuân thủ ngân sách và tránh sử dụng tín dụng để bù đắp thiếu hụt cho các khoản mua không cần thiết.
5. Không có kế hoạch xây dựng quỹ dự phòng. Một cú “sốc tài chính” dù nhỏ cũng có thể khiến bạn thụt lùi và có thể lâm vào cảnh nợ nần.
Giải pháp: Thiết lập quỹ dự phòng tương đương 3-6 tháng chi phí sinh hoạt giúp bạn chủ động được những tình huống bất ngờ xảy ra.
Linh Nguyễn là cố vấn tài chính tại Living Financial Advice
Trong thời điểm lạm phát và giá cả tăng cao, chiến lược nào các gia đình có thể áp dụng để duy trì một ngân sách hiệu quả?
1. Theo dõi sát chi tiêu
· Thường xuyên theo dõi tất cả các chi tiêu hàng tháng có thể là trên giấy/excel/banking apps
· Mạnh tay cắt giảm những khoản chi phí không cần thiết (ví dụ như là tổ chức tiệc BBQ thay vì ăn ngoài)
2. Ưu tiên trả nợ
· Tránh các khoản nợ cá nhân mới.
· Nếu bạn có các khoản nợ lãi suất cao (ví dụ: thẻ tín dụng, Pay Now Pay Later), hãy trả càng nhanh càng tốt.
3. Mua sắm và tiết kiệm thông minh
Ít nhất một lần các bạn nên xem lại các khoản chi phí lớn như điện nước, Internet, điện thoại, bảo hiểm xe, bảo hiểm sức khỏe. Các bạn có thể sử dụng một số trang web uy tín của chính phủ dưới đây đã tìm ưu đãi tốt hơn và tránh phải trả chi phí trung thành.
Mời quý vị nhấn vào audio để nghe toàn bộ bài phỏng vấn.
'Cơm áo gạo tiền' phát thanh hàng tuần vào mỗi tối thứ Ba trên SBS Radio. Tại đây, các chuyên gia về tài chánh, tiền bạc, hưu bổng, thuế vụ, đầu tư, cho vay... sẽ chia sẻ với quý vị phương thức chi tiêu thông minh, cách đầu tư hiệu quả, tư duy đúng đắn về tiền bạc, cũng như những khái niệm căn bản về tiền bạc. Đón nghe và cho chúng tôi biết chủ đề bạn quan tâm bằng cách gửi email về cho SBS: [email protected]
READ MORE
Cơm áo gạo tiền