Tại nhà thờ lâu đời nhất ở Sydney, đang có một hoạt động rất khác biệt.
Khoảng 100 người đã tập trung ở nhà thờ Anh giáo Saint James để tham gia một hoạt động, tạ lỗi với những tín hữu đồng tính vì những gì đã xảy ra trong giáo hội liên quan đến việc kỳ thị đối xử với những người này.
“Nếu tôi có quyền được kết hôn với người mà tôi muốn lấy thì tại sao chúng ta lại không để những người trong giới LGBTQI có được cái quyền ấy?” Wilma Viswanathan, thành viên tích cực thuộc Uniting Church
Nhóm thuộc Công giáo mới này có tên gọi Equal Voices (Những tiếng nói bình đẳng), đã tổ chức hoạt động trên với hy vọng thúc đẩy việc công nhận giới LGBTI trong giáo hội (giới LGBTI bao gồm những người đồng tính Nữ, đồng tính Nam, chuyển giới và lưỡng tính).
Một trong những người đồng sáng lập nhóm Equal Voices, Benjamin Oh, cho hay việc đến nhà thờ vốn là hoạt động quan trọng bậc nhất trong cuộc sống của anh kể từ ngày lớn lên ở Malaysia.
“Nhà thờ đối với những tín đồ công giáo Malaysia là một phần vô cùng quan trọng trong đời sống của cộng đồng cũng như của gia đình chúng tôi.”
“Tôi nhớ là kể từ hồi mới lớn tôi đã bắt đầu việc cầu nguyện hàng đêm rồi. Đó là phần rất lớn trong việc định hình bản thân tín đồ công giáo,” anh Oh nói.
Tuy nhiên, khi anh Oh công khai việc mình là một người đồng tính khi bước vào tuổi thanh niên, anh nhận ra rằng không phải lúc nào giáo hội cũng chấp nhận ông cả ở Malaysia và tại Úc này, nơi mà Oh đến để du học.
“Tôi nghĩ rằng nước Úc có thể không quan tâm đến chuyện giới tính thật của tôi, thế nhưng không.”
“Tôi đã nghe những người đứng đầu giáo hội, các lãnh đạo tôn giáo nói ra những điều rất thiếu tình người, khiến tôi rất nản lòng.”
“Đó là một phần trong những kinh nghiệm tôi phải trải qua,” anh Oh nói.
Hoạt động diễn ra ở nhà thờ Saint James được tổ chức với sự góp mặt của các linh mục từ Anh giáo, giáo hội Hợp nhất và Công giáo.
Vợ chồng Elaine và John Dietch đến với sự kiện này để gửi lời xin lỗi đến đứa con trai đồng tính của hộ là Mark.
Họ nói, khi con trưởng thành, họ nhận thấy mình khó chấp nhận được giới tính thật của con.
Và chính việc không chấp nhận giới tính của con trai mình ít nhiều có phần trách nhiệm trong tình trạng sức khỏe tâm thần tệ hại, thậm chí cả trong việc con trai họ từng tìm cách tự tử khi ở tuổi thiếu niên.
“Tôi biết là có những bà mẹ ở ngoài kia muốn nói rằng: mẹ xin lỗi, xin lỗi vì những gì đã làm, ngay cả việc nguyện cầu để Chúa chữa lành cho con trong khi con chẳng có gì để phải chữa trị cả.”
“Đức chúa chấp nhận con đơn giản vì con là như vậy, cha mẹ cũng cần phải chấp nhận con như thế chứ và cha mẹ xin lỗi vì đã không luôn luôn làm được điều đó," bà Dietch nói.
Nhiều người có mặt trong hoạt động ở nhà thờ Saint James cũng là tín hữu thuộc giới LGBTI, nhưng cũng có không ít tín đồ ủng hộ quan điểm hôn nhân truyền thống.
Bà Wilma Viswanathan từ Sri Lanka tới Úc năm 1983, cũng là một thành viên tích cực thuộc Uniting Church, Giáo hội Hợp nhất, chia sẻ quan điểm của mình về hôn nhân đồng tính.
“Tôi luôn đứng lên vì nhân quyền, đó là một quyền mà tất cả những người con chúa đều phải được hưởng.”
“Nếu tôi có quyền được kết hôn với người mà tôi muốn lấy thì tại sao chúng ta lại không để những người trong giới LGBTQI có được cái quyền ấy?” bà Viswanathan nói.
Cùng với mục đích thúc đẩy sự chấp nhận tín đồ thuộc giới đồng tính thì nhóm Equal Voices cũng đang hy vọng thách thức các tổ chức khác như Australian Christian Lobby với quan điểm chống lại hôn nhân đồng tính.
Một cuộc khảo sát hồi năm 2014 do công ty Crosby Textor tiến hành đã cho thấy, có gần 60% tín hữu Kitô tại Úc ủng hộ bình đẳng hôn nhân.
Tuy nhiên, Giám đốc điều hành tổ chức Vận động Công giáo Úc (Australian Christian Lobby) Lyle Shelton nói, các cuộc khảo sát như vậy cho thấy đó là quan điểm của những người nhận mình là Kitô hữu chứ cách nhìn nhận của họ không đại diện cho Giáo hội.
“Chắc chắn là những người vẫn ngồi trên băng ghế dài trong các nhà thờ, đa số họ ủng hộ việc duy trì định nghĩa hôn nhân truyền thống giữa Nam và Nữ.”
“Điều đó không có nghĩa là họ tỏ ra không thân thiện với những người trong cộng đồng thuộc giới LGBTI.”
“Thế nhưng, có một quan điểm rõ ràng trong những tín hữu công giáo vốn gắn kết chặt chẽ với giáo hội, họ là các thành viên tích cực của cộng đoàn hoạt động sôi nổi, và số này ngày càng nhiều hơn tại Úc.”
“Họ thật sự tin rằng hôn nhân là mối quan hệ giữa một người Nam và một người Nữ mà thôi,” ông Shelton nói.
Ông Shelton cho rằng kinh nghiệm cá nhân của ông về giáo hội cho thấy mọi người đang dần chấp nhận tín hữu thuộc giới LGBTI.
Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận rằng trước đây vẫn một số nhà thờ thuộc giáo hội phán xét các tín hữu này.
“Tôi nghĩ rằng, bất cứ ở nơi đâu mà tín đồ công giáo hành xử với những người khác không được đẹp thì chúng ta đều nên xin lỗi.”
“Và nếu những người trong giới đồng tính LGBT bị các giáo hội ở đâu đó đối xử không hay thì giáo hội nơi ấy cũng nên làm như vậy,” ông Shelton nói.
Trong khi đó, linh mục Andrew Sempell, người đứng đầu nhà thờ Saint James, cũng dẫn đầu hoạt động xin lỗi tín hữu đồng tính cho rằng vẫn còn một số nhà thờ không chấp nhận người LGBTI.
Ông tin rằng lời xin lỗi là bước quan trọng đầu tiên để tạo ra sự thay đổi.
“Tôi nghĩ những gì chúng ta nói ra ngày hôm nay là điều quan trọng. Chúng ta nói lên rằng mọi người cần được đối xử và tôn trọng như thế nào.”
“Nếu các bạn hiểu được hình ảnh của đấng thiên chúa trong mỗi người, hiểu được rằng chúng ta đều có tinh thần thiên chúa trong chính bản thân mình, thì những hiểu biết ấy sẽ khiến chúng ta biết cách đối xử với tín hữu của mình theo cách khác đi,” linh mục Sempell nói.