Welcome Tree - Hình thức bày tỏ sự ủng hộ người tầm trú bị giam giữ

Các thông điệp trên cây Welcome Tree

Các thông điệp trên cây Welcome Tree Source: c/o People Just Like Us

Một tác phẩm nghệ thuật được tạo nên cho phép mọi người có cơ hội bày tỏ sự ủng hộ người tầm trú và người tỵ nạn, hiện còn ở trong các trung tâm thanh lọc ở ngoại quốc của Úc.


Lễ hội Vui Sống Trong Hòa Hợp (Living in Harmony Festival  của thành phố Sydney đã phát động một cách thức mới, để mọi người bày tỏ sự ủng hộ những người tầm trú và người tỵ nạn, còn bị giam giữ trong các trung tâm thanh lọc di trú, trên đảo Nauru và Manus.

Một tác phẩm được gọi là Welcom Tree, tạm dịch là Cây Chào Mừng, được để bên ngoài tòa nhà Quan Thuế ở Circular Quay và khách bộ hành đi ngang qua, có thể viết một thông điệp nhỏ trên một mảnh giấy có hình chiếc lá, rồi treo nó lên.

Sáng kiến nầy do một tổ chức ủng h̀ộ người tị nạn có tên là People Just Like Us, hay Những Người Cũng Giống Như Chúng Ta.

Nữ phát ngôn nhân của tổ chức là bà Fabia Claridge nói rằng, nó có thể cho thấy có bao nhiêu người trên nước Úc quan tâm đến những người còn bị giam giữ.

"Thực tế là hàng ngàn người Úc nói rằng họ hoan nghênh người tỵ nạn và Sydney nói lời đồng ý với những người tỵ nạn".

Bà Claridge cho biết, bà chống lại chính sách giam giữ di trú của chính phủ Úc, bắt nguồn từ một kinh nghiệm cá nhân trong thời gian bà còn là một giáo chức.

Bà cho biết các trẻ em tầm trú là những học sinh trong số các em học sinh khác, mà bà đã dạy dỗ hồi 20 năm về trước.

"Tôi là một nhà tranh đấu chỉ vì tình cờ mà thôi, do có các em tầm trú trong lớp học của tôi, chúng quá ám ảnh đến nổi muốn nhảy ra ngoài cửa sổ, muốn lăn xuống nền gạch".

"Chúng đã bị giam giữ và lúc đó tôi quyết định sẽ tranh đấu không ngừng nghỉ, cho đến khi chính sách giam giữ nầy được thay đổi", bà Fabia Claridge nói.

Được biết đây là một tác phẩm thuộc nghệ thuật cộng đồng, nhằm cổ võ cho vấn đề sinh tử của người tầm trú và người tỵ nạn, trong các trung tâm giam giữ di trú ở ngoài nước Úc.

Theo thông cáo của ban tổ chức, cây chào mừng có thể được xử dụng trong các sự kiện, liên quan đến một số dự án tích cực tranh đấu cho người tỵ nạn.

Các nhóm khác cũng có thể dùng cây trong các sự kiện của riêng họ, do nó là biểu tượng cho sự đoàn kết đối với phong trào tranh đấu cho người tỵ nạn.

Ban tổ chức cho biết Welcome Tree là một thông điệp gởi ra công chúng rằng, chúng ta nên hoan nghênh mọi người, vốn bỏ hết nhà cửa của mình trong những hoàn cảnh hết sức đau thương và yêu cầu chúng ta trợ giúp, không cần biết đến họ đến đây như thế nào.
"Nếu bất cứ ai có thể đạt được hy vọng, điều đó khiến tôi cảm thấy tốt hơn và niềm hy vọng có thể giúp cho con người sống được", ông Majid Rabet nghệ sĩ đứng sau dự án.
Còn ông Amir Javan, sinh trưởng tại Iran bị giam giữ tại Úc, sau khi là một người tầm trú hơn một thập niên trước.

Ông tin rằng, sáng kiến có tên là Welcome Tree nhằm truyền bá thiện chí và mang một thông điệp tích cực đến những người còn bị giam giữ.

"Tôi là một người tỵ nạn, đến Úc hồi năm 2000, trong thông điệp, tôi lưu ý rằng 'vòng tay mở rộng của chúng tôi đang đón chờ quí vị, hãy đến tham gia cùng chúng tôi và chúng tôi sẽ giúp đỡ cho quí vị".

Ông Amir Javan cũng là người dẫn chương trình, của buổi lễ khánh thành hôm chủ nhật 12 tháng 3.

Ông là người bị giam giữ trong trung tâm tạm giam di trú, và đã xuất hiện trong cuốn phim tài liệu có tên là Freedom Stories.

Ông hiện là chuyên viên về đầu tư bất động sản và là một nhân viên địa ốc tại North Sydney. Sau khi chạy trốn khỏi Iran lúc được 27 tuổi, ông bị giam giữ 4 năm rưỡi trong các trung tâm tạm giam Curtin và Baxter.

Tiên khởi ông được báo cho biết sẽ bị trục xuất, thế nhưng trường hợp của ông đã lên đến tòa án tối cao và cuối cùng ông được phóng thích, với visa bảo vệ tạm thời trong 2 năm rưỡi.

Cũng có những quan ngại về chi phí của tác phẩm nghệ thuật nầy, thế nhưng các nhà tổ chức nói rằng, với giá là 4.500 đô la là vừa phải và số tiền để trả cho một nghệ sĩ, một nhà kiến trúc là ông Jason Koh và một kỷ sư liên quan đến dự án.

Người nghệ sĩ đứng sau dự án là ông Majid Rabet, vốn đã trải qua 2 năm trong trung tâm giam giữ Villawood ở Sydney, sau khi từ Iran đến Úc hồi năm 2010.

"Tôi thực sự yêu thích việc giúp đỡ người khác, vì chíng những người Úc đã giúp đỡ tôi và tôi yêu mến họ".

"Khi tôi còn bị giam giữ, nhiều người đến viếng thăm tôi, phần lớn họ là người Thiên chúa giáo, trong khi tôi thuộc văn hóa Hồi giáo".

"Tôi không phải là con người quá chú trọng về tôn giáo, thế nên tôi thực sự biết ơn họ", ông Majid Rabet nói.

Được biết Welcome Tree có thể di chuyển được, vì vậy nó có thể được mang đi khắp nước Úc.

Ông Rabet cho biết, nó quan trọng trong việc lôi cuốn đến càng nhiều người càng tốt, trong việc gởi các thông điệp tích cực đến những người tầm trú và tỵ nạn còn bị giam giữ.

"Nếu bất cứ ai có niềm hy vọng tôi cảm thấy tốt hơn và niềm hy vọng có thể giúp cho con người sống được", ông Majid Rabet nghệ sĩ đứng sau dự án nói.




Share