Ẩm thực Việt Nam được xem là một trong những nền văn hoá ẩm thực tinh tuý và lành mạnh nhất thế giới. Nhưng người Việt đang sinh sống khắp nơi trên thế giới, việc duy trì nếp ăn uống và khẩu vị Việt Nam không chỉ vì mục đích sức khoẻ, mà xem đó như một cách để gìn giữ một phần quê hương trong bản thân mình.
Trí nhớ vị giác – những dư vị ngon ngọt thân thuộc nhất từ nền ẩm thực quê nhà sẽ luôn ở trong tiềm thức của mỗi người Việt Nam khắp bốn phương. Gìn giữ khẩu vị nếp ăn uống từ xưa là lựa chọn của nhiều người nhằm duy trì “chất Việt” cho riêng bản thân, nhưng thể hiện sự lựa chọn ấy trong đời sống hàng ngày ra sao lại là chuỗi những câu chuyện vô cùng thi vị đầy bất ngờ.
Từ những bữa cơm gia đình thuần Việt...
Theo chồng sang Mỹ học tiến sĩ được gần 10 năm, chị Hạnh Nguyễn đã luôn giữ cho căn bếp nhà mình ấm liên tục và nồng hương cơm Việt.
Chị Hạnh kể vui vui với SBS Vietnamese về những ngày đầu trên đất Mỹ, đang đi học nên kinh tế có phần hạn hẹp, gia đình chị cùng gia đình các sinh viên Việt Nam khác góp mua một chiếc xe hơi để mỗi cuối tuần, mọi người lại cùng nhau ghé qua những khu chợ người Việt mua tất cả nguyên liệu cần thiết để có thể nấu những bữa cơm nhà đúng nghĩa. Vào mùa đông, tuyết rơi dày, đường xa lạnh nhưng chiếc xe chung ấy vẫn lăn bánh đều đặn để tô bún bò vẫn đậm đà vị mắm ruốc, hay đĩa rau ăn kèm sẽ có cả rau thơm và hoa chuối thái rối như những tô bún nóng nghi ngút khói đầu ngõ nhà xưa.
Chuyển sang Vancouver ở Canada từ giữa năm 2016, nhất là khi có thêm cô con gái nhỏ, chị Hạnh thêm thú vui làm bánh.Người Việt ở Vancouver khá đông, nên tại thành phố được xem là đáng sống nhất thế giới, ẩm thực Việt được gìn giữ gần như trọn vẹn với những khu chợ vun đầy nguyên liệu tươi, để cô con gái của chị có cơ hội nhảy lên sung sướng khi lần đầu nhìn thấy chiếc bánh bò mọc rễ tre trong lò nướng nghi ngút thơm ngát lòng, hay khi chiếc bánh Trung Thu nhân trứng muối được cắt khéo đẹp lòng người lớn tuổi nhìn trăng sáng đêm rằm mà cố hương.
Cô con gái nhỏ là động lực để người sống xa quê như chị Hạnh làm các món bánh Việt. Source: Supplied
Để “bếp nhà ai cũng như bếp nhà mình”
Khi có cơ hội sống trong lòng một nền văn hoá khác, định nghĩa “giữ con người Việt” đôi khi lại là trao đi những tinh tuý trong ẩm thực của chúng ta và giúp cho bếp của một ngôi nhà Việt nơi nào đó cũng sẽ luôn ấm như nhà mình.
Một ví dụ như chị Diệp Lê, sống cùng gia đình ở Mỹ hơn 5 năm, không chỉ luôn duy trì bữa ăn gia đình 80% là cơm Việt, chị luôn tìm cơ hội giới thiệu nền ẩm thực quê nhà cho bạn bè xung quanh.
Món gỏi cuốn của chị luôn là “ngôi sao” cho những bữa tiệc cùng hội bạn bè đa sắc tộc nhờ vào sự tươi mát, lành mạnh, nhiều rau và nhất là vị nước chấm độc đáo ngọt ngào khiến các thực khách nước ngoài luôn mê đắm. Chị Diệp chia sẻ với SBS Vietnamese, chị dùng bơ đậu phộng kèm một ít dứa như bí quyết riêng của mình để giúp món nước chấm trở thành cây đinh của bữa tiệc, khiến nhiều bạn nước ngoài có thể chỉ “xơi” riêng nước chấm, tất nhiên với thật nhiều hài lòng.Nhưng ngay cả khi thiếu đi một gia vị tưởng như không thể không có, vì lòng yêu mà mọi người có thể sáng tạo vô vàn, như ‘mẻ’ dùng trong các món canh chua miền Bắc hay giả cầy, bạn có thể dùng yogurt để thay. Mọi người vượt qua những khó khăn tưởng là không thể để giữ cho cơm Việt vẫn luôn hiện diện thật đậm đà.
Với chị Diệp, định nghĩa “giữ con người Việt” là trao đi những tinh tuý trong ẩm thực của quê mình, cho con, cho bạn bè... Source: Supplied
Và để giúp một gian nhà khác giữ được bữa cơm Việt như nhà mình, những nhóm (group), cộng đồng (forum) nấu ăn chia sẻ bí quyết ngày càng lớn mạnh trên các mạng xã hội, ví dụ như group thành lập vào năm 2014 đến nay đã có hơn 100 ngàn thành viên. Nơi đó, tất cả mọi bí quyết nấu ăn được chia sẻ thật cởi mở, mà chủ yếu vẫn là cách nấu các món Việt, và bí quyết nấu ngay cả khi thiếu hương liệu đặc trưng.
Hay như group được thành lập bởi chị Linh Trang (nick name Savoury Days), một nghiên cứu sinh có nhiều năm sống và học tập tại Châu Âu lập ra với mục đích ban đầu là chia sẻ niềm đam mê làm bánh ngọt. Nhóm ngày càng lớn mạnh và tiếp nhận vô vàn những công thức nấu ăn từ mọi nền ẩm thực ở khắp nơi. Đương nhiên, những công thức cho món ăn Việt Nam vẫn được ưu ái hơn cả thông qua những lượt trao đổi sôi nổi bất tận.
Cứ thế, những bàn tay ngày ngày vùi trong đất xốp ươm một nhành rau răm hay tắm dưới vòi nước rửa sạch mớ rau bắp cải muối xổi kịp món thịt đông cho mâm cơm Tết xa quê được bay xa, len dần cả vào những chiếc bao tử vốn chỉ quen với gà rán và bánh kẹp thịt ăn vội vã thiếu vắng đi hương vị của trời đất chuyển mùa.
Ẩm thực Việt Nam được xem là một trong những nền văn hoá ẩm thực tinh tuý và lành mạnh nhất thế giới. Source: Supplied
Những dấu son cho ẩm thực Việt trên đường phố xứ xa
Với một số người, dường như giữ cho ẩm thực Việt luôn nồng nàn gian bếp nhà mình vẫn chưa đủ. Điều tốt đẹp luôn cần được gửi trao đi rộng khắp, đó chắc hẳn là suy nghĩ đầu tiên của bất kỳ những ai đang khởi nghiệp bằng việc mở nhà hàng ẩm thực Việt Nam đó đây.
Tìm kiếm một phương thức sinh sống đã đành, nhưng có thể giới thiệu và tự hào vì nền ẩm thực mà chúng ta may mắn đã được thừa hưởng và nếm trải lại là một mơ ước cần thêm rất nhiều hy sinh và dũng cảm.
Chị Emma Nguyễn là một minh chứng cho điều này. Đến Úc năm 16 tuổi, học cấp 3 và tốt nghiệp chuyên ngành kế toán, đang có một công việc ổn định đáng mơ ước tại một tập đoàn tài chính uy tín, chị quyết định nghỉ việc để tập trung mở một nhà hàng Việt Nam. Emma tâm sự với SBS Vietnamese, chị mong muốn sẽ góp thêm một góc món ngon thật thuần Việt cho Sydney, nơi ẩm thực Việt đang ngày càng có hương vị rõ nét và được yêu quý chính nhờ những người như chị.
Em gái chị Emma, vốn tốt nghiệp chuyên ngành tài chính, sau vài năm, cũng đã quyết định theo gót chị để mở thêm một nhà hàng Việt Nam khác.
Ở những nhà hàng của gia đình chị, không chỉ là một tô phở Việt, mà chị còn muốn nhấn thêm cho thực khách biết nguồn gốc sâu hơn của phở đến từ đất kinh kỳ, với hương vị thuần phở Hà Nội chính gốc, hoặc tô canh chua sẽ luôn được nấu với đầy đủ mọi nguyên liệu dù thứ ấy có khó tìm đến đâu, chẳng lạ gì khi thực khách đến với chị luôn ngỡ ngàng thích thú khi vừa gật gù uống một ngụm canh vừa gọi tên từng thành phần hiếm thấy như đậu bắp (lady finger), bạc hà nguyên chất tươi giòn, v.v.
Ẩm thực Việt, cách này hay cách khác, có thể luôn là lựa chọn đầu tiên của chúng ta, những con người xa quê, nhằm giữ cho chất Việt luôn đậm đà và có thể nhận ra, để những thế hệ sau dù sinh ra và lớn lên trong một nền văn hoá khác, vẫn giữ trong mình một con người Việt như cha mẹ mình.
Trong làn khói bốc lên từ những tô canh bí nấu đậu phộng đặt giữa mâm ấy, ta thấy được một hình dung Việt, và trong những món kho mặn mà mùi mắm quê nhà, ta nếm được cả một sự hướng về, để chất Việt cứ thế mà yên tâm chảy mãi bất kỳ nơi đâu, bất cứ khi nào có thể.
Chất Việt, làm sao để giữ khi xa xứ?
Chúng tôi muốn nghe câu trả lời của bạn.