Thế hệ Thứ Hai (Bài 48): Sức sống Diễm Fuggersberger

Diễm Fuggersberger. (Supplied)

Diễm Fuggersberger. (Supplied)

Đến Úc từ năm 9 tuổi, Diễm Fuggersberger đã trải qua những thăng trầm của cuộc đời với ba giai đoạn mất mát lớn nhất: mất nhà cửa khi rời Việt Nam, mất của cải khi gặp cướp biển và mất doanh nghiệp trị giá 27 triệu đô.


Chị Diễm so sánh việc phá sản doanh nghiệp của mình vào năm 2009 khiến chị giống như trở lại thành người tị nạn một lần nữa, bắt đầu từ con số không. Thế nhưng, chị luôn có niềm tin vững chắc rằng hy vọng và chăm chỉ làm việc nhất định sẽ mang đến những kết quả tốt đẹp.

Sau khi phá sản doanh nghiệp vào năm 2009 do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu, cũng trong cùng năm đó, Diễm Fuggersberger đã xây dựng lại một doanh nghiệp khác chuyên về thực phẩm (gia vị và thực ẩm dinh dưỡng dành cho trẻ em) – ‘Berger Ingredients’. Cho đến nay, ‘Berger Ingredients’ phát triển không hề kém cạnh so với doanh nghiệp đầu tiên của chị.

“Tôi sinh ra ở Bạc Liêu. Tôi lớn lên với sự chăm sóc của bà ngoại vì ba mẹ bận làm ăn. Ba mẹ tôi làm chủ hai doanh nghiệp nhỏ. Chúng tôi giống như một gia đình lớn sống cùng nhau dưới một mái nhà. Khi đó, tôi còn rất nhỏ nhưng tôi nhớ rằng mình lúc nào cũng vui vẻ.”

“Cuộc sống đơn giản nhưng chúng tôi tìm thấy niềm vui trong những điều nhỏ nhặt. Khi tôi lên 7 tuổi, mọi việc thay đổi nhanh chóng. Ba mẹ tôi quyết định rời khỏi Việt Nam do những áp lực từ chế độ cộng sản mới.”

“Một buổi tối nọ, hầu hết cả gia đình và họ hàng của tôi lên một chiếc tàu hướng đến một trong những hòn đảo của Indonesia. Thuyền nhỏ và đầy người. 504 người chúng tôi ngồi sát rạt cạnh nhau . Tôi vẫn còn nhớ mọi người lo lắng về chuyện hết đồ ăn thức uống, hay gặp cướp biển, hay thời tiết điên cuồng có thể nhấn chìm tàu của chúng tôi.”

“Chúng tôi đã gặp cướp biển nhưng may mắn là không ai bị thương tổn. Bọn cướp biển đã lấy đi mọi thứ và tất cả tiền bạc, rồi bỏ rơi con thuyền chúng tôi giữa biển. Chỉ ngay trước khi chúng tôi đến được một hòn đảo của Indonesia thì thời tiết trở xấu gần như phá nát con tàu. Vì những trải nghiệm này mà tôi cảm thấy rất sợ biển. Sau đó, Hội Chữ Thập Đỏ đã đưa chúng tôi đến một trại tị nạn và gia đình đã sống ở đó 15 tháng.”

“Sau một thời gian dài chờ đợi, chúng tôi được cấp chiếu khán đến Úc. Tôi nghĩ rằng giai đoạn khiến tôi trưởng thành nên người như ngày nay là những năm tháng đầu tiên ở Úc. Tôi đến Úc khi tôi được 9 tuổi. Sau tất cả những cơn ác mộng khi trốn khỏi Việt Nam, tôi những tưởng cuộc sống ở đây sẽ trở nên tốt đẹp. Nhưng đó quả là một cuộc hành trình gian khổ để thích ứng với thế giới mới.”
second generation vietnamese, diem fuggersberger
Source: Supplied
“Chúng tôi không nói tiếng Anh, chúng tôi không có gì ngoại trừ những bộ quần áo do tổ chức Salvation Army cho và chia sẻ căn nhà 3 phòng ngủ với 15 người.Trở ngại lớn nhấtcủa tôi là được bạn bè chấp nhận ở trường học. Ngôn ngữ không đủ tốt và sống trong điều kiện nghèo túng thường dễ khiến con người nổi nóng, bắt nạt chúng tôi và gây ra những hành động kỳ thị. Đó quả thật là khoảng thời gian đau thương.”

“Trải qua những năm tháng thanh thiếu niên khó khăn, tôi vẫn tự thúc bản thân làm việc chăm chỉ để tạo nên một cuộc sống tốt hơn cho gia đình mình, để giúp đỡ mọi người và đấu tranh cho sự công bằng.”

“Khi chúng tôi trốn khỏi Việt Nam, ba tôi đã thay đổi tất cả giấy tờ tùy thân của chúng tôi, kể cả ngày sinh. Thật  không may là trong khoảng thời gian dài biến loạn đó, ba mẹ tôi đã quên đi ngày sinh thật sự của tôi. Cho đến sinh nhật lần thứ 40 của tôi thì mẹ đã tìm được giấy khai sinh gốc, cũng vào đúng ngày sinh thật sự của tôi.”

“Mẹ tôi rất tuyệt vời, kiên nhẫn và rộng lượng. Bà rất giỏi trong việc quản lý tiền bạc, có tầm nhìn, đầu óc thương mại để nắm bắt được những cơ hội kinh doanh.”

“Ba tôi được mọi người trong cộng đồng kính trọng vì sự trung thực, thương người và thái độ làm việc nghiêm túc.  Ông đặt cao tính kỷ luật và sự tôn trọng lẫn nhau giữa người với người. Ba tôi là một người khôn ngoan và tôi luôn tìm đến ba để xin ông những lời khuyên. Trong công việc, ba tôi là một người thành công vì ông đã làm ra những bộ trang phục, lễ phục tốt và có phẩm chất.”
"Tôi muốn chia sẻ câu chuyện của mình với cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ làm kinh doanh, nếu thất bại thì đừng nản lòng mà hãy đứng lên làm lại, quyết tâm và cố gắng hết sức rồi sẽ thành công."

“Niềm đam mê với kinh doanh của tôi bắt nguồn từ gia đình. Mẹ tôi luôn kinh doanh, từ cửa hàng thịt đến nhà hàng, rồi tiệm giặt ủi. Còn ba tôi thì là chủ một công ty may mặc ở Việt Nam. Tôi đã lớn lên trong môi trường gia đình với nhiều loại hình kinh doanh đa dạng và tiếp xúc với công việc kinh doanh từ rất sớm.”

Chị Diễm chia sẻ rằng đây là lần đầu tiên chị tham gia một cuộc phỏng vấn trên radio. Chị cảm thấy rất hồi hộp, đặc biệt là với vốn liếng tiếng Việt của mình. Thế nhưng chị vẫn cố gắng hết sức, một là để vượt qua chính bản thân, tiếp sau là chị cảm thấy có trách nhiệm muốn chia sẻ câu chuyện của mình với cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ làm kinh doanh, nếu thất bại thì đừng nản lòng mà hãy đứng lên làm lại, quyết tâm và cố gắng hết sức rồi sẽ thành công.

Share